Những người báo tin đến thân nhân F0 ở Bệnh viện Chợ Rẫy


Khi thông báo F0 đủ điều kiện xuất viện, Bích hào hứng và gửi tin nhắn nhanh hơn. Nhưng với trường hợp trở nặng, cô như trùng lại, bởi nỗi đau của người nhà bệnh nhân là quá lớn.

“Phòng Công tác xã hội Bệnh viện Chợ Rẫy xin được thông tin tình hình bệnh nhân nhiễm Covid-19:

Bệnh nhân: N.C.T

Năm sinh: 1964

Tình trạng bệnh: Đủ điều kiện xuất viện

Xin gửi lời chúc bình an đến quý gia đình!”.

Đó một trong hàng nghìn tin nhắn mà Văng Thị Ngọc Bích, nhân viên Phòng Kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Chợ Rẫy, đã gửi đến người nhà của F0.

Khi có thể báo đi những tin vui như vậy, cô bấm gửi tin nhắn nhanh hơn, cùng tâm trạng thoải mái và hạnh phúc.

Tuy vậy, trong danh sách hàng chục nghìn bệnh nhân, bên cạnh nhiều người tiến triển tích cực từng ngày, cũng có không ít trường hợp trở nặng, qua đời mà gia đình chưa nhận được thông tin.

Những người truyền tin

Sáng 26/8, như thường lệ, Bích tiếp nhận tệp dữ liệu tiến trình điều trị bệnh nhân từ Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện Hồi sức Covid-19 TP.HCM.

Trước đó, từ ngày 27/7, cô đã được giao nhiệm vụ trực đường dây nóng 0888.56.1080, số điện thoại giải đáp thông tin cho thân nhân F0.

Chia sẻ với Zing, Bích cho biết một ngày cô trò chuyện với hàng trăm người. Đa số để hỏi thăm về tình trạng sức khỏe F0 hoặc để tìm người thân đã nhập viện nhưng nhiều ngày chưa có tin tức.

“Nhiều cuộc gọi tới không biết người thân mình được chuyển đến bệnh viện nào, họ nhắn với hy vọng ba mẹ, anh em mình ở chỗ chúng tôi. Những trường hợp như vậy, tôi sẽ hỏi thông tin và giúp kiểm tra thật kỹ lại danh sách của bệnh viện hoặc những nguồn thông tin mà tôi có được. Sau khi xác minh chính xác, tôi sẽ hướng dẫn họ gọi sang bệnh viện nơi người nhà họ điều trị”, Bích kể.


Bích tra cứu thông tin và giải đáp cho thân nhân người bệnh.

Một ngày làm việc của Bích bắt đầu từ 7h30.

Cũng lúc này, cô bắt đầu mở máy để chờ thân nhân người bệnh liên hệ hoặc giải đáp các trường hợp chưa thể có thông tin từ ngày hôm trước.

“Có nhiều lần khi tra cứu thông tin, tôi thấy nội dung người bệnh đã sắp được xuất viện, chỉ là chưa có ngày chính xác. Tôi vui lắm, báo ngay cho người nhà của họ. Con của F0 cảm ơn tôi, nói rằng đó là tin vui nhất cuộc đời họ, họ chờ từng ngày để được đến bệnh viện đón cha mẹ về nhà”, Bích kể.

Thế nhưng, cũng có nhiều lần cô gái sinh năm 1991 phải gửi những tin buồn.

Thực tế, Bích không thuộc bộ phận báo tử của phòng, chỉ chịu trách nhiệm giải đáp thông tin.

Tuy nhiên, có nhiều trường hợp cô tra cứu và thấy rằng F0 đã tử vong.

Những lúc như vậy, Bích lập tức nghĩ đến gia đình mình. Nếu cô rơi vào hoàn cảnh như người ở phía bên kia điện thoại, chắc chắn cô sẽ rất đau khổ và xót xa.

Nhưng vì nhiệm vụ, cô vẫn phải gửi đi thông tin đau lòng.

“Đối với những bệnh nhân tử vong cao tuổi, gia đình có thể dễ chấp nhận tin dữ hơn. Nhưng với những trường hợp còn rất trẻ, người nhà liên tục nhờ tôi kiểm tra lại kỹ thông tin. Tôi rất đau lòng khi phải báo những tin như vậy. Trong đợt dịch lần này, nhiều gia đình đã chịu mất mát quá lớn”, cô nói.


Bích (áo trắng) vẫy tay chào những F0 được xuất viện.

Bích nhớ nhất trường hợp một người chồng nhận tin vợ mình qua đời nhưng anh không thể chấp nhận. Mặc người nhà động viên và khuyên can, anh vẫn đến cổng bệnh viện túc trực 3 ngày, bất chấp cả mưa gió, để chờ vợ về.

Vợ anh, bệnh nhân Covid-19 đã tử vong, sinh năm 1984. 2 con nhỏ của chị cũng dương tính SARS-CoV-2 và phải nhập viện chữa trị.

“Tôi báo tin bệnh nhân qua đời cho một người cháu của chị, người cháu nói lại với anh chồng nhưng anh ấy không tin. Suốt 3 ngày, anh ấy đến cổng bệnh viện đứng chờ dù mưa to gió lớn, nói vợ mình vẫn còn trong viện. Đến cuối cùng, đích thân tôi phải liên hệ với anh để xác nhận lại thông tin thì anh mới chấp nhận sự thật”, Bích nghẹn ngào.

Nhiệm vụ khó khăn

Cũng là nhân viên tại Phòng Kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Chợ Rẫy, Nguyễn Thị Tuyết Hằng lại phải đảm nhận một nhiệm vụ khó khăn hơn: báo tin tử vong đến gia đình người bệnh.

Khi một bệnh nhân không thể qua khỏi, bác sĩ sẽ báo tin và Hằng là người truyền đạt lại tin này đến thân nhân người bệnh, đồng thời hướng dẫn các thủ tục nhận giấy báo tử.

Ngoài ra, cô cũng phải liên hệ đến các địa phương hoặc Lãnh sự quán trong trường hợp bệnh nhân tử vong là người nước ngoài.

“Khi gọi điện, trước hết tôi hỏi thăm để xác nhận người ở đầu dây bên kia chính xác là thân nhân người bệnh tử vong. Tôi báo tin buồn về ngày, giờ người nhà họ qua đời, sau đó hướng dẫn các thủ tục, giấy tờ cần thiết”, Hằng chia sẻ.


Hằng gọi điện, báo tin buồn đến gia đình người bệnh.

Nghe cuộc gọi từ Hằng, hầu hết mọi người đều không thể bình tĩnh. Thậm chí, có người đã bật khóc, nghẹn ngào không nói nên lời, phải đưa điện thoại cho người nhà nghe giúp.

“Có lần tôi gọi điện cho một người đàn ông để báo tin dữ. Anh nói với tôi rằng nhà mình đã có 5 người mất vì Covid-19, 11 người khác đang phải điều trị. Nói xong anh khóc tức tưởi, tôi rất xót xa trước hoàn cảnh của anh”, Hằng kể lại.

Công việc của Bích, Hằng và những thành viên trong ekip mỗi ngày đều diễn ra như vậy, trong suốt một tháng qua. Với số lượng cuộc gọi cần giải đáp rất lớn, cả nhóm thường chỉ nghỉ ngơi khi đã nửa đêm, không có ngày nghỉ.

“Chúng tôi chỉ mong sao công việc này sớm kết thúc. Không phải để chúng tôi có thể nghỉ ngơi mà đó sẽ là ngày thành phố không còn ca bệnh, mọi người được trở lại cuộc sống bình thường của trước đây”, Bích tâm sự.

Bệnh viện Hồi sức Covid-19 (TP Thủ Đức, TP.HCM) được đưa vào hoạt động từ ngày 16/7, có tổng quy mô lên đến 1.000 giường.

 

Đây là bệnh viện điều trị Covid-19 ở tầng cao, mức độ nặng và nguy kịch, ngang cấp với Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương và Bệnh viện Chợ Rẫy. Tại đây, tiếp nhận bệnh nhân từ các tầng kế cận theo mô hình “tháp điều trị 3 tầng” chuyển lên chứ không phải từ các bệnh viện dã chiến.

Theo Zing News


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: