Các không gian ngầm tại TP HCM hiện rời rạc. Để kết nối và phát triển chúng thành hệ thống hoàn chỉnh nhằm mang lại giá trị lớn, rất cần một định hướng chung mạch lạc, khoa học… Sở Quy hoạch – Kiến trúc (QH-KT) TP HCM vừa có chia sẻ với phóng viên Báo Người Lao Động về vấn đề không gian ngầm và định hướng đối với TP HCM để mở thêm không gian. Xác định hướng phát triển Theo Sở QH-KT, những chia sẻ này nằm trong nội dung đang nghiên cứu, sẽ được lấy ý kiến chuyên gia trong Hội nghị báo cáo kỳ 2 Điều chỉnh quy hoạch chung TP HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 vào cuối tuần này. Sau khi dẫn những mô hình sử dụng không gian ngầm hiệu quả tại nhiều quốc gia, Sở QH-KT nhận xét không gian ngầm tại TP HCM chủ yếu phục vụ thương mại và giao thông tĩnh; đa phần do tư nhân xây dựng với công năng thương mại, phát triển tự phát. Chúng được quy hoạch một cách rời rạc. Việc này gây lãng phí về tài nguyên và tạo lập những không gian kém thu hút. Chiến lược phát triển không gian ngầm tại TP HCM, đặc biệt là kết nối đôi bờ sông Sài Gòn ở khu trung tâm, rất quan trọng Không gian ngầm định hướng hiện tại chủ yếu hướng vào 3 chức năng chính. Thứ nhất là giao thông công cộng với các tuyến đường sắt đô thị chạy ngầm trong khu vực trung tâm đô thị. Thứ hai là giao thông tĩnh gồm nhà ga đường sắt đô thị và định hướng loại hình các bãi đỗ xe. Thứ ba là thương mại khi các khu phố mua sắm tích hợp với ga đường sắt ngầm. Tuy vậy, định hướng đấu nối liên kết với mặt đất, định hướng kết nối mạng lưới không gian ngầm và định hướng các hạ tầng dịch vụ đô thị… chưa được đưa ra. Trong khi đó, địa chất của trung tâm TP HCM phù hợp phát triển không gian ngầm. Từ nhiều phân tích khác, Sở QH-KT cho rằng định hướng phân vùng phát triển không gian ngầm, khuyến khích xây dựng không gian ngầm được xác định theo khu vực mật độ dân cư cao, không đủ diện tích cây xanh và không nhiều quỹ đất để phát triển. Các trung tâm chính và trung tâm thứ cấp của những thành phố trực thuộc cũng cần được khuyến khích phát triển không gian ngầm để phát huy tiềm năng của chiến lược TOD. Cũng theo Sở QH-KT, khu vực kiểm soát không gian ngầm bao gồm các khu vực quân sự, sinh thái, di tích, tôn giáo, văn hóa; còn khu vực hạn chế phát triển không gian ngầm là những nơi gần biển. “Cần hạn chế phát triển ồ ạt không gian ngầm và cần có đánh giá về địa chất kỹ thuật kỹ lưỡng trước khi xây dựng” – sở này lưu ý. Nhiều vị trí tiềm năng Trong báo cáo đầu kỳ về điều chỉnh quy hoạch chung TP HCM đến năm 2040, tầm nhìn 2060, liên danh tư vấn đề xuất hàng loạt vị trí tiềm năng khai thác không gian ngầm. Theo đó, tuyến metro số 1, số 2 đi ngầm qua trục đường Lê Lợi, Hàm Nghi nên cần xác định vị trí công trình ngầm kết hợp với tuyến metro. Tuyến đường Lê Lợi, Hàm Nghi, công viên 23 Tháng 9, công trường Mê Linh và tuyến đường Tôn Đức Thắng cần có công trình ngầm kết nối với các di sản bên trên như khu vực UBND TP HCM, Nhà hát Thành phố, chợ Bến Thành. Ngoài ra, có một số vị trí tiềm năng khác như địa điểm nhà ga và xí nghiệp ga Sài Gòn; dưới Hồ Con Rùa, Công trường Quốc Tế (quận 3); khu vực cảng Sài Gòn (quận 4); công viên hoặc các dự án đầu tư xây dựng mới trên trục đường Võ Văn Kiệt (quận 6)… TSKH-KTS Ngô Viết Nam Sơn nhấn mạnh tầm quan trọng của chiến lược phát triển không gian ngầm đối với TP HCM, đặc biệt là kết nối đôi bờ sông Sài Gòn ở khu trung tâm. Theo ông, hiện chỉ có đường hầm sông Sài Gòn kết nối quận 1 với Thủ Thiêm nhưng vị trí đó không nằm ở khu trung tâm. Trong khi đó, tiềm năng phát triển không gian ngầm ở thành phố chính là kết nối trực tiếp quận 1 và Thủ Thiêm. “Giá trị của Thủ Thiêm, sức hấp dẫn để xây dựng trung tâm tài chính là nhờ ở gần quận 1 nhưng nếu không kết nối được thì sẽ làm giảm giá trị. Không có đường hầm kết nối Thủ Thiêm với trung tâm quận 1 là điểm trừ” – ông nhận định. Cũng theo TSKH-KTS Ngô Viết Nam Sơn, không gian ngầm khi tập trung ở khu vực công trình cao tầng và gắn kết với hệ thống metro thì càng tốt vì đem lại hiệu quả kinh tế đô thị. Trong đó, cần chiến lược rõ ràng để kết nối không gian ngầm ở trục đường Lê Lợi, Nguyễn Huệ với những công trình cao tầng trọng điểm trong khu vực. Nêu góp ý, TS Võ Kim Cương, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP HCM, cho rằng các địa phương, sở ngành thấy nơi nào thuận lợi phát triển không gian ngầm thì đề nghị bổ sung để từ đó Sở QH-KT nghiên cứu, thẩm định và phối hợp đơn vị tư vấn cập nhật vào đồ án. Ông nhấn mạnh sau khi Đồ án quy hoạch chung thành phố được cấp thẩm quyền phê duyệt thì cần sớm lập đồ án quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết để có cơ sở triển khai các dự án, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư tham gia phát triển không gian ngầm ở khu vực tiềm năng, nhu cầu lớn, đặc biệt là trung tâm quận 1. 3 tầng không gian ngầm Về định hướng phân tầng phát triển không gian ngầm, theo Sở QH-KT, tầng nông gồm giao thông tĩnh, khu thương mại, đường đi bộ, nút giao khác tầng, hệ thống hạ tầng kỹ thuật hiện hữu kết nối hạ tầng kỹ thuật tầng sâu, ga công cộng tích hợp. Tầng sâu là hệ thống tuynel hạ tầng kỹ thuật tập trung, hệ thống giao thông công cộng. Tầng rất sâu là nơi có hệ thống kỹ thuật liên vùng như đường điện cao thế, hệ thống thoát nước cường độ cao, hệ thống trữ nước ngầm. Theo Người Lao Động Online