Tăng tốc các dự án đô thị thông minh


Năm 2021, TPHCM đối mặt với nhiều khó khăn do dịch Covid-19. Đó là bối cảnh khách quan, đồng thời là nhu cầu thúc đẩy chuyển đổi số, xây dựng đô thị thông minh nhanh hơn và hiệu quả trên địa bàn TPHCM.

Chương trình chuyển đổi số và Đề án xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh đã có một số kết quả ban đầu. Chuyển đổi số đã phục vụ đắc lực cho phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố, như Hệ thống thông tin An toàn Covid-19 áp dụng mã QR trên phạm vi toàn thành phố; xây dựng Cổng thông tin Covid-19 và hệ thống bản đồ số Covid-19 phục vụ cộng đồng theo dõi trực quan thông tin dịch tễ (với hơn 200 triệu lượt truy cập)… Tổng đài 1022 trong thời điểm chống dịch được mở rộng 7 kênh bao gồm các kênh tư vấn chăm sóc sức khỏe cho người dân phòng, chống dịch Covid-19 và các kênh tiếp nhận phản ánh liên quan công tác phòng chống dịch (trong giai đoạn cao điểm, trung bình hơn 80.000 cuộc gọi/ngày)…

Đến nay, trên 900 đơn vị của hệ thống chính quyền thành phố đã liên thông văn bản điện tử thông qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu. Các lĩnh vực giao thông, y tế, giáo dục – đào tạo, môi trường, quy hoạch đô thị, an ninh trật tự cũng triển khai nhiều ứng dụng phục vụ công tác chuyên môn và cung cấp dịch vụ cho người dân. TPHCM là một trong các địa phương có số dân sử dụng điện thoại thông minh cao nhất. Hạ tầng mạng cáp quang, Internet băng thông rộng, hạ tầng di động 3G, 4G phủ khắp 100% xã, phường, thị trấn. Trong năm 2021, thành phố xếp vị trí thứ 5 trong Bảng xếp hạng chỉ số chuyển đổi số cấp tỉnh, là điều kiện thuận lợi để tiếp tục chuyển đổi số.

UBND TPHCM đã ban hành Kế hoạch Chương trình chuyển đổi số và Đề án Đô thị thông minh năm 2022 với nhiều nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để thúc đẩy phát triển hạ tầng số, nền tảng số, chính quyền số, kinh tế số, xã hội số và các nhiệm vụ phát triển thành phố thành đô thị thông minh…

Tăng tốc các dự án đô thị thông minh ảnh 1Hệ thống giám sát giao thông thông minh giúp giải quyết các vấn đề đô thị tốt hơn. Ảnh: T.BA

Hiện các dự án đô thị thông minh tiếp tục được tập trung tăng tốc triển khai trong năm 2022. Một số sản phẩm, dịch vụ thông minh sẽ được đưa vào phục vụ người dân trong năm nay như: Cổng tích hợp dịch vụ giao tiếp giữa chính quyền thành phố với người dân; phát huy hiệu quả kho dữ liệu dùng chung; triển khai Bản đồ số TPHCM; lắng nghe ý kiến, thấu hiểu cảm xúc của người dân…

 Công khai để người dân giám sát

Trong số những sản phẩm dự kiến đưa vào phục vụ người dân, đáng chú ý có Cổng tích hợp Dịch vụ giao tiếp giữa chính quyền thành phố với người dân. Trên cơ sở nâng cấp Cổng thông tin 1022, Sở TT-TT sẽ tiến hành tích hợp các dịch vụ của các cơ quan nhà nước trên địa bàn thành phố thông qua một app trên điện thoại di động, một địa chỉ truy cập trên Internet. Toàn bộ quá trình xử lý của cán bộ, công chức được công khai, minh bạch để người dân giám sát.

Từ thành công bản đồ Covid-19 TPHCM, Sở TT-TT sẽ tiếp tục hoàn thiện thành Bản đồ số dùng chung của thành phố. Bản đồ sẽ cung cấp địa chỉ số giúp gắn liền vị trí địa lý với từng công trình, nhà cửa, địa điểm phục vụ nhu cầu chuyển phát, phát triển hạ tầng logistics và là nền tảng phát triển, tích hợp các lớp bản đồ chuyên biệt của các ngành, hình thành kho dữ liệu dùng chung bản đồ thành phố. Thông qua bản đồ số này, người dân được cung cấp các công cụ tìm kiếm thông tin, địa điểm đến từng khu phố, hộ dân, khu phố mình đang sống; phát hiện các sự kiện xảy ra xung quanh mình liên quan đời sống như: tình hình giao thông, an ninh trật tự, kinh tế – xã hội của thành phố.

Lắng nghe ý kiến, thấu hiểu cảm xúc của người dân cũng là một trong những chương trình quan trọng của thành phố triển khai trong năm 2022. Thông qua nền tảng thu thập thông tin trên mạng xã hội, phân tích dữ liệu lớn và ứng dụng phát triển trí tuệ nhân tạo (AI), các cảm xúc của người dân sẽ được lắng nghe, nắm bắt kịp thời để lãnh đạo thành phố có những giải pháp điều chỉnh, quyết định phù hợp nhu cầu, nguyện vọng của người dân. Đồng thời, đẩy mạnh việc kiểm soát, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp thông tin sai sự thật, tính chất giả mạo, sai quy định pháp luật…

Với sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo thành phố trong việc quyết tâm xây dựng những sản phẩm, dịch vụ cụ thể, thiết thực phục vụ cho người dân; chúng ta hoàn toàn có hy vọng và niềm tin trong năm 2022, kế hoạch triển khai Chương trình Chuyển đổi số của TPHCM và Đề án Xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh năm 2022 sẽ tiếp tục tạo nên những kết quả mới với nhiều sản phẩm, dịch vụ thông minh sẽ được đưa vào vận hành, góp phần xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh hơn, chất lượng cuộc sống người dân ngày càng tốt hơn, kinh tế thành phố phồn vinh hơn.

Theo: saigondautu.com.vn


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: