Với đặc thù sông nước bao quanh, những cây cầu bắc qua sông Sài Gòn không chỉ giúp kết nối giao thông đôi bờ mà còn góp phần mở rộng không gian vùng lõi đô thị, phát triển kinh tế TP.HCM. Thêm cầu vượt sông Sài Gòn Sở GTVT TP.HCM vừa nhận được văn bản góp ý của Bộ GTVT để hoàn chỉnh báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng cầu Thủ Thiêm 4 nối Q.7 và TP.Thủ Đức. Cây cầu vượt sông Sài Gòn nằm trong quy hoạch phát triển giao thông vận tải TP.HCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, thuộc thẩm quyền quản lý và đầu tư của TP.HCM. Vị trí cầu Thủ Thiêm Nguồn: Sở GTVT Theo báo cáo của Sở GTVT, phần đường dẫn của cầu Thủ Thiêm 4 được lựa chọn thiết kế theo công trình giao thông đường trong đô thị. Bộ GTVT đề nghị nghiên cứu bổ sung thêm “đường đô thị – yêu cầu thiết kế” vào danh mục các tiêu chuẩn áp dụng cho dự án. Bên cạnh đó, đây là công trình có sự liên quan chặt chẽ với kế hoạch di dời, chuyển đổi công năng các khu bến trên sông Sài Gòn. Vì thế, trong báo cáo nghiên cứu tiền khả thi cần rà soát, bổ sung làm rõ sự phù hợp của dự án với quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển VN thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, quy hoạch chi tiết hệ thống cảng biển TP.HCM và quy hoạch sử dụng đất và phát triển không gian đô thị của TP. Phối cảnh cầu Thủ Thiêm 4 NGUỒN: SỞ GTVT Về vị trí xây dựng cầu Thủ Thiêm 4, Bộ GTVT cho biết cơ bản phù hợp với quy hoạch phát triển giao thông vận tải TP. Vị trí được lựa chọn có điểm đầu kết nối với đường Nguyễn Văn Linh tại vị trí trước nút giao với cầu Tân Thuận 2 sẽ làm giảm áp lực giao thông lên nút giao với cầu Tân Thuận 2 và nút giao với đường Huỳnh Tấn Phát hiện đang trong tình trạng quá tải. Trong tương lai, khi lưu lượng giao thông tại nút giao vào cầu Tân Thuận 2 quá tải, cần xem xét hoàn thiện thành nút giao liên thông theo quy hoạch được duyệt. Ngoài ra, trong điều kiện kinh phí cho phép, Bộ GTVT đề nghị TP nghiên cứu thêm phương án xây dựng cầu cạn nối thẳng từ đầu cầu Thủ Thiêm 4 dọc theo đường Huỳnh Tấn Phát và kết nối vào đường Vành đai 2. Công trường đường Vành đai 2 Ngọc Dương Bắc qua sông Sài Gòn kết nối Khu đô thị mới Thủ Thiêm với Khu đô thị mới Nam Sài Gòn, cầu Thủ Thiêm 4 là 1 trong những dự án trọng điểm được kỳ vọng sẽ góp phần giảm ùn tắc giao thông từ khu nam TP về trung tâm, đồng thời thúc đẩy phát triển Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Trước gợi ý của Bộ GTVT, Sở GTVT TP.HCM cũng đã có văn bản về phương án hướng tuyến và nút giao dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 TP.HCM, đoạn cầu qua sông Sài Gòn – kênh Thầy Cai (gồm cầu vượt sông Sài Gòn). Theo phương án đang được đơn vị tư vấn đề xuất trong báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, tại nút giao Vành đai 4 với tỉnh lộ 15 (H.Củ Chi) sẽ có cầu vượt dọc đường Vành đai 4 qua tỉnh lộ 15 cho các làn xe cao tốc. Tích hợp cùng cầu Phú Thuận vượt sông Sài Gòn. Sau khi hình thành, cầu vượt sông Sài Gòn kết nối qua kênh Thầy Cai sẽ là điểm đầu tiên mở đường Vành đai 4 – kết nối Củ Chi và Long An, có ý nghĩa rất lớn đối với sự phát triển kinh tế – xã hội của toàn vùng. Như vậy, nếu ý tưởng xây dựng cầu Thủ Thiêm 4 nối Vành đai 2 theo gợi ý của Bộ GTVT có thành hiện thực, từ TP.HCM sẽ có 2 cây cầu vượt sông Sài Gòn kết nối với các tuyến đường vành đai, mở đường từ trung tâm TP tới thẳng các tuyến đường kết nối liên vùng. Cơ chế mới giải bài toán vốn Cầu Thủ Thiêm 4 không chỉ giúp giảm ùn tắc giao thông ở khu nam và thúc đẩy phát triển nhanh Khu đô thị mới Thủ Thiêm, cây cầu này còn là điểm mấu chốt quyết định “số phận” cảng Tân Thuận hiện hữu. Thực tế từ năm 2016, UBND TP.HCM phê duyệt chủ trương xây dựng dự án cầu Thủ Thiêm 4 với tổng mức đầu tư hơn 5.000 tỉ đồng theo hình thức BT (đổi đất lấy hạ tầng) trong đó bao gồm gói khoảng 3.500 tỉ đồng chi phí di dời cảng Tân Thuận. Phương án triển khai cầu Thủ Thiêm 4 chưa “chốt” thì kế hoạch di dời cảng cũng “đứng hình”. Vì thế nên TP đã được rục rịch triển khai công trình này từ lâu nhưng đến nay vẫn chưa thể khởi công do chưa xác định được phương án tài chính khả thi. Tuy nhiên, bài toán nguồn vốn hiện đã có lời giải bởi theo hồ sơ, cầu Thủ Thiêm 4 được đầu tư theo phương thức PPP, loại hợp đồng BOT. Bộ GTVT nhận thấy trong Nghị quyết số 98 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP vừa được Quốc hội thông qua đã cho phép TP được áp dụng loại hợp đồng BT để xây dựng công trình hạ tầng và được thanh toán bằng ngân sách nhà nước theo quy định của hợp đồng sau khi công trình hoàn thành. Đây là cơ hội rất tốt để đa dạng nguồn vốn nên Bộ GTVT đề nghị Sở GTVT và tư vấn rà soát, nghiên cứu kỹ lưỡng nội dung Nghị quyết số 98 để bổ sung thêm phương án đầu tư dự án theo hình thức hợp đồng BT làm cơ sở so sánh, đánh giá và báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Phối cảnh cầu Thủ Thiêm 4 Nguồn: Sở GTVT Đại diện Sở GTVT thông tin thêm, với cơ chế đặc thù mới được thông qua, Sở GTVT đang có cơ sở để xây dựng phương án đầu tư khả thi cho 3 dự án cầu Cần Giờ, cầu đường Nguyễn Khoái, cầu đường Bình Tiên. Trong đó, dự án cầu đường Bình Tiên nếu thuận lợi sẽ khởi công vào năm sau. Công trình dài 3,2 km nối Q.6, Q.8, H.Bình Chánh, với tổng mức đầu tư hơn 4.100 tỉ đồng, sau khi hoàn thành sẽ nối kết thẳng qua QL50, hình thành trục liên thông Bắc – Nam từ trung tâm TP đi về tới điểm giao với cao tốc Bến Lức – Long Thành và Vành đai 3. Từ đó, tăng kết nối TP.HCM với các tỉnh miền Tây. Hai dự án cầu Cần Giờ (nối huyện Nhà Bè – Cần Giờ, gần 10.000 tỉ đồng) và cầu Nguyễn Khoái (nối 3 quận 7, 4 và 1) dự kiến khởi công năm 2025, hoàn thành năm 2028. “Dỡ chiếu” loạt cây cầu Không chỉ tăng tốc triển khai những công trình mới, hàng loạt cây cầu nửa thập kỷ “đắp chiếu” gây ám ảnh cho người dân cũng đang được tái khởi động. Mới đây ngày 20.7, Ban Quản lý dự án các công trình giao thông TP.HCM (Ban Giao thông) đã tổ chức khởi công cầu Rạch Đỉa mới thay thế cầu sắt trên đường Lê Văn Lương (nối H.Nhà Bè và Q.7) hiện đã xuống cấp, không đáp ứng tải trọng khai thác. Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Giao thông, cho biết dự án cầu Rạch Đỉa được UBND TP.HCM phê duyệt điều chỉnh dự án từ tháng 9.2017, có chiều dài khoảng 233 m, bề rộng từ 14 – 27 m. Dự án được thực hiện bằng nguồn ngân sách TP với tổng mức đầu tư hơn 512 tỉ đồng. Trong đó, chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng và di dời hạ tầng kỹ thuật là 290 tỉ đồng. Hiện nay, UBND Q.7 đã bàn giao mặt bằng được 45/50 trường hợp, dự kiến hoàn thành trong tháng 8. H.Nhà Bè chỉ còn 1 trường hợp chưa bàn giao và sẽ bàn giao toàn bộ mặt bằng vào tháng 9. Dự án dự kiến hoàn thành vào tháng 12.2024. Lãnh đạo Ban Giao thông đánh giá dự án xây dựng cầu Rạch Đỉa sau khi hoàn thành sẽ góp phần cải thiện tình hình giao thông khu vực Q.7 – Nhà Bè. Đồng thời, tăng năng lực lưu thông, góp phần kết nối với tỉnh Long An, góp phần khai thác đồng bộ hạ tầng giao thông khu vực phía nam TP.HCM. Cùng ngày, Ban Giao thông cũng chính thức khởi động lại dự án cầu Phước Long sau gần 3 năm “treo cẩu”. Cây cầu có tổng vốn đầu tư 748 tỉ đồng, bắc qua rạch Phú Xuân (nối H.Nhà Bè và Q.7) được xây dựng từ năm 2020. Tuy nhiên, do vướng giải tỏa mặt bằng, bố trí tái định cư, chiếc cầu này đã phải dừng thi công từ đó đến nay. Cũng vì chờ đợi nên chi phí bồi thường mặt bằng và di dời hạ tầng kỹ thuật đã bị đội lên hơn 350 tỉ đồng. Theo quy hoạch ban đầu, công trình này chỉ được duyệt vốn 398 tỉ đồng. Hiện nay, phía Q.7 đã hoàn thiện việc bàn giao mặt bằng, trong khi H.Nhà Bè cũng sắp bàn giao mặt bằng 100%. Cầu Phước Long dự kiến cũng sẽ hoàn thành vào cuối năm 2024, cùng giai đoạn khánh thành cầu Rạch Đỉa. Hai cây cầu có vị trí quan trọng kết nối Q.7 và H.Nhà Bè đồng nhịp về đích kỳ vọng mang tới bước cải thiện lớn cho bức tranh giao thông khu nam TP. Cũng theo ông Lương Minh Phúc, UBND TP.Thủ Đức đang gấp rút hoàn thành công tác bồi thường để bàn giao mặt bằng cho Ban Giao thông tái khởi động 2 dự án cầu Ông Nhiêu và cầu Tăng Long vào tháng 9 này, sau thời gian dài thi công dang dở. Sau khi cầu Nam Lý chính thức được khởi công trở lại hồi đầu năm nay sau hơn 4 năm “trùm mền”, người dân TP.Thủ Đức trông chờ từng ngày cầu Tăng Long và Ông Nhiêu cũng nhanh chóng thoát cảnh “treo cẩu” để giải phóng những con đường khốn khổ vì lô cốt khắp TP sáng tạo phía đông. Ngoài ra, dịp lễ Quốc khánh 2.9 năm nay, 2 cây cầu Long Kiểng (H.Nhà Bè) và cầu Vàm Sát 2 (H.Cần Giờ) dự kiến sẽ chính thức thông xe. Nghiên cứu kéo dài đại lộ sông Sài Gòn tới Tây Ninh Kết luận tại cuộc họp nghe báo cáo về nghiên cứu rà soát, đề xuất bổ sung, điều chỉnh quy hoạch đường ven sông Sài Gòn mới đây, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM Trần Quang Lâm nhấn mạnh việc nghiên cứu, cập nhật, bổ sung quy hoạch đường ven sông Sài Gòn trong giai đoạn hiện nay là phù hợp và rất cần thiết. Sở GTVT đề nghị Sở QH-KT hỗ trợ, cung cấp thông tin, tài liệu liên quan về đề án phát triển kinh tế ven sông Sài Gòn để hoàn thiện phương án hướng tuyến đường đảm bảo hài hòa, đồng bộ và phù hợp với quy hoạch khai thác hiệu quả giá trị sinh thái sông nước tự nhiên. Giao Phòng Quản lý xây dựng công trình giao thông đường bộ phối hợp với các đơn vị liên quan hoàn thiện phương án tuyến đường ven sông Sài Gòn, ông Trần Quang Lâm lưu ý phạm vi nghiên cứu đường ven sông Sài Gòn sẽ kéo dài đến giáp ranh giới tỉnh Tây Ninh; nghiên cứu giải pháp kết nối với mạng lưới giao thông tỉnh Tây Ninh để phát huy hiệu quả khai thác tuyến đường, tăng cường khả năng kết nối vùng. Giám đốc Sở GTVT cũng yêu cầu tận dụng tối đa các tuyến đường hiện hữu chạy dọc sông Sài Gòn (đã được đầu tư) để hoạch định hướng tuyến quy hoạch một cách linh hoạt, phù hợp với hiện trạng, cảnh quan đô thị dọc sông, không nhất thiết bố trí 1 dạng mặt cắt ngang trên toàn tuyến. Mục tiêu là hình thành trục đường ven sông Sài Gòn. Tuy nhiên, sông Sài Gòn (từ ngã ba Mũi Đèn Đỏ đến hạ lưu đập Dầu Tiếng 2 km kéo dài thêm đến Bến Củi) có nhiều đoạn cong, khúc khuỷu nên tuyến đường ven sông không nhất thiết bám sát bờ sông. Ngoài ra, bổ sung giải pháp và xác định phạm vi chiếm dụng đất tại các vị trí nút giao, và các vị trí giao cắt với cầu… “Chạy nước rút” giải ngân vốn đầu tư công Tổng kết 6 tháng đầu năm, tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn giao Sở GTVT đạt 33,5% (cao hơn 5,9% so với cùng kỳ năm 2022) và của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông đạt 32,5% (cao hơn 17,4% so với cùng kỳ năm 2022). Trong 6 tháng cuối năm, nhiệm vụ trọng tâm của Sở GTVT là tham mưu đẩy nhanh tiến độ tuyến metro số 1 và số 2. Đồng thời, thực hiện tốt công tác chuẩn bị đầu tư các dự án trọng điểm, cấp bách, kết nối vùng như Vành đai 2, Vành đai 4, cao tốc TP.HCM – Mộc Bài, cầu Cần Giờ, cầu Thủ Thiêm 4… Mục tiêu của UBND TP là đến hết quý 3, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công (chủ yếu thông qua các dự án hạ tầng giao thông) đạt 58%, hết quý 4 đạt 91%, đến tháng 1.2024 đạt ít nhất 95%. Nhằm thúc đẩy tiến độ giải ngân đầu tư công, Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM đã lập 13 tổ công tác, phân công lãnh đạo Thành ủy trực tiếp kiểm tra, giám sát 38 công trình trọng điểm. Theo Thanh Niên Online