TP.HCM tạm dừng vận tải ôtô công cộng, xe 2 bánh được hoạt động


Từ 0h ngày 20/6, TP.HCM yêu cầu dừng hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng ôtô. Các trường hợp được phép phải đảm bảo quy định phòng, chống dịch.

Tối 19/6, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP.HCM (GTVT) Trần Quang Lâm ký thông báo về tổ chức hoạt động vận tải hành khách đường bộ và đường thủy đảm bảo an toàn trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn TP.HCM.

Sở GTVT yêu cầu tạm dừng hoạt động vận tải hành khách công cộng đường bộ bằng ôtô gồm: Xe buýt; xe vận tải khách theo tuyến cố định liên tỉnh và xe trung chuyển; xe taxi (trừ các phương tiện được Sở GTVT công bố hoạt động phục vụ vận chuyển người dân đi, đến bệnh viện, trung tâm y tế trong trường hợp cấp thiết); xe hợp đồng dưới 9 chỗ sử dụng phần mềm ứng dụng công nghệ kết nối với hành khách.

Các trường hợp được phép hoạt động phải đáp ứng theo Bộ tiêu chí đánh giá mức độ an toàn đối với hoạt động giao thông vận tải trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.

TP.HCM tạm dừng nhiều hoạt động vận tải để phòng chống dịch. Ảnh: Quỳnh Danh.

Với xe hợp đồng và xe du lịch, tất cả chuyến xe khi hoạt động đều phải đảm bảo việc vận chuyển tối đa không quá 50% sức chứa, không quá 10 người/chuyến (kể cả lái xe, nhân viên phục vụ trên xe).

Đối với chuyến xe đưa đón công nhân, nhân viên và chuyên gia trước khi hoạt động phải khử khuẩn, người ngồi trên xe phải đeo khẩu trang, thực hiện rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn, được kiểm tra y tế trước khi lên xe và khai báo y tế theo quy định.

Người đứng đầu đơn vị phải quy định cụ thể và cố định tuyến, chuyến xe, người ngồi trên xe để đảm bảo công tác truy vết khi có xảy ra tình huống dịch bệnh Covid-19. Tất cả chuyến xe đều phải đảm bảo việc vận chuyển tối đa không quá 50% sức chứa, không quá 20 người/chuyến, ngồi xen kẽ, ngồi cách hàng ghế.

Xe taxi được Sở GTVT công bố hoạt động phục vụ vận chuyển người dân đi, đến bệnh viện, trung tâm y tế trong trường hợp cấp thiết và xe hợp đồng dưới 9 chỗ không sử dụng phần mềm ứng dụng công nghệ kết nối với hành khách phải thực hiện hai yêu cầu: Thứ nhất, vận chuyển không quá 50% sức chứa, thực hiện đúng quy định phòng, chống dịch. Thứ hai, từ chối vận chuyển khách không chấp hành theo quy định; không sử dụng hệ thống điều hòa và phải mở cửa kính xe khi phục vụ hành khách.


Sở Giao thông Vận tải ban hành hướng dẫn cụ thể với các hoạt động vận tải trong TP. Ảnh: Phạm Ngôn.

Đối với vận tải đường thủy, Sở GTVT yêu cầu tạm dừng hoạt động các tuyến buýt sông, tuyến phà biển Cần Giờ – Vũng Tàu, tuyến tàu cao tốc Sài Gòn – Cần Giờ – Vũng Tàu và các bến khách ngang sông, bến thủy nội địa vận tải hành khách.

Trường hợp được phép hoạt động gồm: Các bến phà (Cát Lái, Bình Khánh và Cần Giờ – Cần Giuộc) và bến khách ngang sông, bến thủy nội địa vận tải hành khách (Cần Thạnh – Thạnh An, Cần Thạnh – Thiềng Liềng, Phú Xuân – Phước Khánh). Các bến này phải đáp ứng theo Bộ tiêu chí đánh giá mức độ an toàn đối với hoạt động giao thông vận tải trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Thông báo được ban hành căn cứ theo Chỉ thị 10 của UBND TP.HCM về siết chặt và tăng cường biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Thời gian áp dụng từ 0h ngày 20/6 đến khi có thông báo mới.

Từ ngày 27/4 đến nay, TP.HCM ghi nhận tổng cộng 1.481 ca mắc mới, cao thứ 3 cả nước, sau hai ổ dịch khu công nghiệp là Bắc Giang và Bắc Ninh. Sau khi kiểm soát được ổ dịch liên quan điểm nhóm truyền giáo Phục Hưng, gần đây, các ca mắc mới đều là người tiếp xúc của những chùm ca bệnh chưa rõ nguồn lây.

Chiều 19/6, UBND TP.HCM ra quyết định phong tỏa 6 khu vực trong thành phố, bao gồm: Khu phố 2, 3, 4 phường An Lạc (quận Bình Tân) và ấp Tân Thới 2, Tân Thới 3, ấp Thới Tây 1 thuộc xã Tân Hiệp (huyện Hóc Môn).

TP.HCM cũng ban hành Chỉ thị số 10 về siết chặt và tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 tại TP.HCM. Theo đó, chỉ thị yêu cầu dừng chợ tự phát; người dân không tụ tập trên 3 người nơi công cộng; giữ khoảng cách tối thiểu 1,5 m..

Theo Zing News


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: