Từ chỗ là công trình trọng điểm luôn có mặt trong danh sách những dự án được ưu tiên của TP.HCM, cầu Cát Lái bất ngờ được chuyển sang “danh sách chờ”, tới giai đoạn sau 2025 mới triển khai thực hiện. Đồng Nai thúc làm ngay, nhưng TP.HCM muốn chờ Trong báo cáo vừa gửi UBND TP về phương án kết nối giao thông giữa TP.HCM với tỉnh Đồng Nai, Sở GTVT TP.HCM cho biết UBND tỉnh Đồng Nai đã cơ bản thống nhất các phương án cầu kết nối với TP.HCM theo đề xuất trước đó. Tuy nhiên, còn nội dung quan trọng chưa được thống nhất, đó là thời điểm đầu tư cầu Cát Lái (nối TP.Thủ Đức với H.Nhơn Trạch). Cụ thể, phía Đồng Nai đề nghị đầu tư cầu trước năm 2025 nhằm sớm xóa bỏ phà Cát Lái. Song, Sở GTVT TP.HCM lại muốn lùi thời điểm triển khai tới sau 2030. Xe container nối nhau trên cầu Phú Mỹ (hướng về Cát Lái) NHẬT THỊNH Thông tin trên khiến dư luận TP.HCM không khỏi bất ngờ, bởi cầu Cát Lái thay thế phà Cát Lái hiện hữu là một trong những công trình được rất nhiều người dân mong ngóng. Theo thống kê của Xí nghiệp quản lý phà Thanh niên xung phong TP.HCM, lưu lượng người dân qua phà Cát Lái trung bình khoảng 50.000 lượt khách/ngày, giai đoạn cao điểm dịp lễ, tết có khi lên tới 100.000 lượt/ngày. Trung bình, thời gian chờ phà và di chuyển qua sông của một lượt khách là khoảng 20 phút cho việc qua đoạn sông dài khoảng 1 km này. Theo lý giải của Sở GTVT TP.HCM, Bộ GTVT đang tiến hành đầu tư cầu Nhơn Trạch kết nối H.Nhơn Trạch (Đồng Nai) với TP.HCM. Đây là một đoạn thuộc tuyến đường Vành đai 3 TP.HCM với quy mô 4 làn xe và dự kiến tiếp tục bổ sung đầu tư 4 làn xe phục vụ nhu cầu kết nối giao thông cho xe thô sơ. Thời gian dự kiến hoàn thành vào năm 2026. Như vậy sau khi hoàn thành cầu Nhơn Trạch, về cơ bản đã giải quyết được một phần nhu cầu kết nối giữa H.Nhơn Trạch và TP.Thủ Đức (TP.HCM). Ngoài ra, hiện nay tuyến đường Nguyễn Thị Định ra vào cảng Cát Lái đã quá tải, thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông. Do đó, TP.HCM đang nghiên cứu chủ trương đầu tư xây dựng đường liên cảng Cát Lái – Phú Hữu, kết nối từ đường Nguyễn Thị Định đến nút giao Vành đai 3. Thời gian dự kiến hoàn thành đầu tư và đưa vào sử dụng trong giai đoạn 2026 – 2030. Từ các phân tích trên, Sở GTVT TP.HCM đánh giá thời điểm đầu tư xây dựng cầu thay phà Cát Lái sau khi hoàn thành tuyến đường liên cảng Cát Lái – Phú Hữu – Vành đai 3 và đưa vào khai thác dự kiến giai đoạn 2026 – 2030 là phù hợp. “Dự án xây dựng cầu thay thế phà Cát Lái trước giờ mới chỉ dừng ở giai đoạn nghiên cứu chủ trương đầu tư, chưa được phê duyệt, nên thực chất không phải lùi thời điểm triển khai. Công trình này vẫn đang ở bước bàn quy hoạch và thời điểm đầu tư”, lãnh đạo Sở GTVT TP.HCM thông tin thêm với Thanh Niên. Trước đó, phía TP.HCM cũng đề xuất điều chỉnh hướng tuyến của cầu Cái Lái, thay vì kết nối từ TP.Thủ Đức sẽ có điểm đầu trên đường trục bắc – nam TP.HCM rồi đi về phía đông vượt rạch Đĩa, cắt đường Nguyễn Lương Bằng (Q.7, TP.HCM). Hướng tuyến này được đánh giá thuận lợi trong công tác giải phóng mặt bằng do một phần đường dẫn phía TP.HCM đi qua khu vực đất trống. Đồng thời, cầu sẽ tạo mạng lưới giao thông mới, hút xe từ trung tâm thành phố, biển Cần Giờ thông qua tuyến Metro số 4 và các trục đường lớn như Nguyễn Hữu Thọ, Nguyễn Lương Bằng qua H.Nhơn Trạch, sân bay Long Thành (Đồng Nai) và ngược lại. Tuy nhiên, trong lần thống nhất này, Sở GTVT TP lại nêu ý kiến thực hiện theo hướng tuyến cũ. Cân đối quy mô với nguồn lực Bên cạnh nội dung điều chỉnh thời gian triển khai cầu Cát Lái, quy mô cầu Phú Mỹ 2, (kết nối khu Nam TP.HCM với H.Nhơn Trạch) cũng chưa tìm được tiếng nói chung giữa hai địa phương. UBND tỉnh Đồng Nai đề nghị quy mô 8 làn xe, đồng nhất quy mô tuyến DT.769D thay vì 6 làn xe như đề xuất của TP.HCM. Sở GTVT TP.HCM khẳng định việc xác định số làn xe các cầu kết nối giữa hai địa phương đã được nghiên cứu, tính toán trên cơ sở dự báo và phân bổ lưu lượng giao thông theo các hướng. Tại khu vực H.Nhơn Trạch đã dự kiến bố trí 4 cầu kết nối với TP.HCM, bao gồm cầu Bình Khánh – Phước Khánh (thuộc dự án cao tốc Bến Lức – Long Thành đang triển khai), cầu Nhơn Trạch đang triển khai và bổ sung cầu thay phà Cát Lái (6 làn xe), cầu kết nối khu Nam (6 làn xe). Đồng thời, theo quy hoạch được duyệt, đường Hoàng Quốc Việt phía TP.HCM có lộ giới 30 m, hiện trạng các nhà cao tầng đã xây dựng dọc 2 bên tuyến. Do đó việc mở rộng lộ giới tuyến đường Hoàng Quốc Việt để đảm bảo 8 làn xe như đề xuất của tỉnh Đồng Nai là không khả thi. TS Võ Kim Cương, nguyên Phó kiến trúc sư trưởng TP.HCM, cho rằng Đồng Nai và Bình Dương nằm trong khu vực chiếm tỷ trọng đóng góp GDP lớn nhất vào nền kinh tế không chỉ vùng phía nam mà của cả nước. Trong đó, thế mạnh của TP.HCM là trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, dịch vụ của cả nước, còn Đồng Nai lâu nay vẫn được mệnh danh là “thủ phủ” cả về công nghiệp lẫn chăn nuôi của cả nước. Chính vì vậy, nhu cầu kết nối về giao thông để phục vụ phát triển kinh tế – xã hội giữa hai địa phương là rất lớn. Càng kết nối đi lại dễ dàng, nguồn nhân lực giữa các địa phương càng di chuyển nhanh hơn, lưu thông hàng hóa càng thuận lợi hơn. Tuy nhiên, thời điểm và quy mô đầu tư một công trình phải được tính toán dựa trên quy hoạch và tính cấp thiết. Công tác này sẽ do tư vấn thiết kế trong quá trình xây dựng phương án thực hiện công trình, bởi đơn vị tư vấn sẽ có khảo sát thông tin đầy đủ, làm cơ sở để tính toán phương án phù hợp. Nếu hai địa phương vẫn không thể đi đến thống nhất, cần có Bộ GTVT hoặc Chính phủ là cơ quan quyết định. Tất nhiên trong bối cảnh hạ tầng không theo kịp nhu cầu phát triển như hiện nay, thêm công trình cầu, đường kết nối nào là có thêm lợi ích tới đó. Song, mỗi dự án phụ thuộc lớn vào cân đối nguồn lực. TP.HCM đang muốn dồn lực làm sớm dự án khác mà TP đánh giá là cấp thiết hơn nên không thể dàn trải làm cùng lúc nhiều dự án. Hai địa phương cũng có thể cân nhắc phương án: Tỉnh Đồng Nai có thể cân đối nguồn lực, thực hiện trước các dự án theo tiến độ và quy mô mong muốn thì chủ động làm trước, TP.HCM sẽ thanh toán lại sau. – TS Võ Kim Cương Theo Thanh Niên Online