Chiếc xe đời người


Thu nhập của tôi hiện ổn định ở mức 300.000đ một ngày. Riêng thứ Bảy, Chủ nhật tôi bán được khoảng 500.000đ một ngày. Có ngày tôi lãi tới 800.000đ.

Nếu ai đó đang trắng tay, hãy làm như tôi, vay tiền sắm một chiếc xe đẩy giá 700.000Đ, thêm vài trăm ngàn đồng vốn mua trái cây tại chợ đầu mối là có thể xuống đường”. Nghề nào cũng vậy, tận tâm và có sức khỏe, tôi tin sẽ sống được.

Thời tuổi trẻ nông nổi, tôi vay vốn của cha mẹ, theo bạn bè đi buôn thuốc lá. Lãi nhiều lắm nhưng cũng rất hồi hộp, vì đó là hàng lậu. Sau đó, tôi mất trắng. Không một xu dính túi, tôi nằm nhà nhiều ngày. Làm gì bây giờ? Con gái lớn chẳng lẽ ở lì cho mẹ nuôi.

Tôi cắp rổ đi bán giò chả dạo trong các nhà hàng, quán ăn. Mỗi ngày, tôi rảo hàng trăm quán nhậu khu vực quận 3, mời rát lưỡi mà hàng bán không được bao nhiêu, lại còn bị xua đuổi, hắt hủi. Chưa kể, khách nhậu say còn sàm sỡ, xúc phạm.

xe-trai-cay

Chị Hồng Thúy bên xe bán trái cây dạo nuôi sống chị và gia đình suốt 20 năm qua

Mỗi lần đi bán, ngang qua khu vực Rạch Bùng Binh gần ga tàu, tôi hay nhìn các chị bán trái cây ngồi gọt gọt, rửa rửa. Tôi thèm lắm một cái nghề không phải mời chào, câu kéo, nên lân la tìm hiểu.

Năm 1994, đầu tư cho chiếc xe đẩy mất 350.000đ. Tôi liều vay nóng một người trong xóm 1,2 triệu đồng và hứa sẽ trả góp 40.000đ mỗi ngày. Được mách lối, tôi tới đường Lê Hồng Phong chọn mua một chiếc xe đẩy nho nhỏ.

Một ngày trời còn tờ mờ, tôi ra chợ Cầu Muối mua trái cây, về nhà gọt, rửa sạch rồi để lên trên tảng nước đá lạnh đặt trên kệ xe. Nắng lên, tôi ngượng nghịu đẩy xe ra đường…

Mới đó đã 20 năm trôi qua kể từ ngày tôi sắm chiếc xe đầu tiên. Tới nay, đã qua 14 đời xe bầu bạn cùng tôi rong ruổi trên đường. Nghề dạy nghề, tôi biết chọn trái cây ngon, đúng mùa, biết tìm mối bán rẻ.

Mùa nào bán xoài keo vừa ngon vừa lợi, mùa nào nên là xoài Thái… Tay tôi gọt xoài, đu đủ, cóc, thơm càng lúc càng nhanh và đẹp, chia cắt chính xác cho ra những phần trái cây giá tròn 10.000đ. Đây là mức khách văn phòng chấp nhận.

Một trái thơm lớn chia bốn, một trái đu đủ thường thì chia bốn, lớn thì chia sáu, thậm chí chia được làm tám. Cóc đã gọt tỉa sẵn tôi chia ba, mận cắt đôi bỏ vào bao… Tôi thích nghề này vì bán hàng mà không phải mời chào. Khách đi đường nhìn thấy màu sắc bắt mắt của dưa hấu, đu đủ thì tự dừng xe mua.

Các điểm bán đông khách như Nhà thiếu nhi Thành phố, cổng siêu thị, công viên… tôi bán lai rai. Buổi trưa, tôi hay đứng chờ ở các cao ốc. Khách của tôi chủ yếu là chị em làm công sở, ăn cơm ngoài suốt nên ai cũng thiếu rau củ, thèm một đĩa trái cây lạnh để không thiếu vitamin.

Bán được hàng tôi vui lắm, nhưng vui hơn nữa là những câu chuyện của khách như nhờ ăn đu đủ mỗi ngày mà hết mụn, nhờ ăn cóc, ổi mà da tay, da chân đỡ bị bong tróc…

Tôi lấy chồng, sinh hai đứa con trai. Chồng tôi làm lái xe đường dài bến Miền Tây. Thu nhập của cả hai cũng tạm đủ cho cuộc sống đơn giản. Không may, chồng tôi mắc bệnh ung thư phổi rồi mất khi đứa con nhỏ mới vào lớp 1.

Gánh nặng gia đình đè lên vai khi tôi vừa lo cho hai con ăn học, vừa phải phụ nuôi mẹ chồng ở quê. Có những năm tháng tôi bán mải miết ngày này qua ngày khác, không dám nghỉ dù gió mưa bão bùng hay chân nhức, tay mỏi.

Thu nhập của tôi hiện ổn định ở mức 300.000đ một ngày. Riêng thứ Bảy, Chủ nhật tôi bán được khoảng 500.000đ một ngày. Có ngày tôi lãi tới 800.000đ.

Qua tuổi 40, đôi chân tôi cũng bắt đầu mỏi. Cách đây hai năm, tôi quyết định thuê nhà ngay trên đường Rạch Bùng Binh với giá bốn triệu đồng một tháng, để giảm bớt quãng đường di chuyển.

Tôi cho một tiệm nước ngọt thuê lại phía ngoài với giá bốn triệu đồng. Coi như tôi và con có nơi trú ngụ không mất tiền. Sáng sáng, tôi ngồi ngay trước cửa nhà gọt trái cây. Hàng xóm và khách đi làm ngang qua thấy tôi làm ăn đàng hoàng nên mua khá nhiều.

Có những chị nhân viên công sở, sáng nào cũng ghé ăn, trò chuyện với tôi như tri kỷ. Có những anh khách mối mỗi lần mua một túi to đem tới nơi làm việc chia cho đồng nghiệp.

Những ngày không vui, không thể dậy sớm đi chợ hay mưa gió, tôi tự cho phép mình nghỉ. Hiện một tuần tôi đi bán chừng năm ngày, hai ngày còn lại dành để chăm sóc bản thân. Con trai lớn của tôi đã đi làm, con trai nhỏ đang học lớp 9 và học rất giỏi. Tôi tin mình sống ổn với nghề này.

Nguồn: Nguyễn Thị Hồng Thúy (77 đường rạch Bùng Binh, Q.3, TP.HCM)

Khánh Linh (ghi)


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: