Có gì ở đường Bùi Viện


Bài viết này không nhắc về vấn đề tệ nạn, những thứ vĩ mô này nọ. Đã có nhiều tờ báo đã làm việc này rồi. Bài viết này chỉ nhìn về con đường này với một góc nhìn khác. Có gì ở đó, tại sao người ta lại ra đây ngồi chơi, chơi thì có gì vui…? Đơn giản vậy thôi.

Nếu ở Hà Nội có Tạ Hiện thì ở Sài Gòn có Bùi Viện. Về mặt lịch sử thì hai ông này sống cùng thời, ông Bùi Viện hơn ông Tạ Hiện hai tuổi. Một ông là lãnh đạo phong trào Cần Vương, một ông là nhà cải cách, nhà ngoại giao lớn.

Về một mặt nào đó chẳng liên quan lắm đến lịch sử thì người ta lấy tên các ông và đặt cho hai con đường ở hai thành phố lớn. Vậy đó, và hai con đường mang tên hai ông bỗng dưng mà nổi tiếng nhờ… bia và Tây. Tây tức là khách nước ngoài du lịch bụi Việt Nam.

Sẽ viết về Tạ Hiện sau, bài này chỉ kể về vài thứ nho nhỏ ở Bùi Viện. Bằng một ít chữ và rất nhiều hình ảnh.

Con đường này cùng với đường Đề Thám và đường Phạm Ngũ Lão được người Sài Gòn gọi chung là phố Tây, còn dân ba lô du lịch bụi bờ quốc tế thì gọi đây là Khao Sản Sài Gòn (tức là đem so với con đường nhộn nhịp du lịch nổi tiếng ở Bangkok).

Trước năm 90, khu vực này vốn chẳng có gì để kể (hoặc người viết bài này chưa biết gì nhiều để kể). Sau năm 90, khi đất nước chính thức mở cửa và đổi mới, bắt đầu đón chào những lượt khách du lịch quốc tế đầu tiên đến với Sài Gòn thì những con đường nhỏ này nhộn nhịp hơn hẳn.

Bắt đầu từ Phạm Ngũ Lão, Đề Thám với các công ty lữ hành du lịch như Sinh Cafe. Sau đó là các dịch vụ du lịch khác như nhà hàng, khách sạn, cà phê,… lần lượt mọc lên ở hầu hết tất cả các mặt tiền đường. Trong vòng hai mươi năm, khu vực này đã thành một phố Tây khác hẳn những gì người ta hình dung trước đây. Phạm Ngũ Lão hiện nay là con đường đẹp, với một bên là nhiều khách sạn lớn tiêu chuẩn, các nhà hàng, quán cà phê cũng lớn và đẹp. Bên còn lại là một công viên mới xây dựng. Đề Thám thì đầy những dịch vụ lữ hành, đưa đón lưu trú, cũng như các quán bar đủ loại Tây, Á, lớn nhỏ có cả. Và Bùi Viện, con đường này là con đường nhộn nhịp nhất, đông đúc nhất, vui nhất phố Tây với rất nhiều quán bar và quán bia nhỏ nhỏ lề đường.

Vậy ở Bùi Viện có gì chơi mà đông vui vậy? Bia thôi mà.

Bia thôi mà con đường này được coi là con đường chẳng bao giờ ngủ, những cánh cửa thì chẳng khi nào đóng. Họ (và chúng tôi), những người trẻ (và đã trẻ, đang trẻ), người mình (Việt Nam) và người ta (Tây, Tàu, Hàn, Nhật, Mỹ, Úc, Phi) đến rồi đi, ghé qua rồi ngồi lại, uống dăm chai bia, ngồi nói chuyện ồn ào từ đêm tới gần sáng. Những gương mặt lạ mà quen, hình như đã gặp đâu đó, mà hình như gặp cái rồi cũng sẽ chẳng bao giờ gặp lại. Những người ngồi san sát nhau, tiếng nói cười ồn ào mà bàn này chẳng nghe được bàn kia nói gì…

Có gì vui? Không biết. Có gì ở đây? Không biết luôn.

Tùy các bạn nhìn thấy.

Một con đường thì nó là một con đường, vậy thôi.

bui-vien-co-gi12

bui-vien-co-gi11  bui-vien-co-gi3

bui-vien-co-gi13

bui-vien-co-gi4

bui-vien-co-gi1

bui-vien-co-gi5 bui-vien-co-gi6

bui-vien-co-gi-14

bui-vien-co-gi7 bui-vien-co-gi8

bui-vien-co-gi17

bui-vien-co-gi20

bui-vien-co-gi9

bui-vien-co-gi10    bui-vien-co-gi18

bui-vien-co-gi-16

bui-vien-co-gi2

bui-vien-co-gi-19

bui-vien-co-gi-18
Thực hiện bởi: Phan HảiHạ Vũ.
Nguồn: http://xanhmagazine.com/co-gi-o-duong-bui-vien/


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: