Bài dự thi “Xuân tình người” – SỐ PHẬN VÀ SỰ LỰA CHỌN


Lần đầu tiên nghe ca trù tại đình Kim Ngân, tôi đã rất xúc động.

Bài dự thi “Xuân tình người” – CHÚ BÁN ĐĨA…

Bài dự thi “Xuân tình người” – TẾT TRONG QUÂN NGŨ

Tôi không xúc động vì những bài hát, vì thật sự tôi chỉ nghe lõm bõm tiếng được tiếng mất vì lời ca  trong ca trù thường là thơ cổ, ngay cả khi có văn bản đặt trước mặt mà tôi cũng phải mất rất nhiều thời gian tra cứu và suy ngẫm mới vỡ vạc ra đôi chút.

Tôi xúc động vì tấm trướng đỏ thỉnh thoảng gió thổi căng phất phơ như mái tóc, vì ánh nến hiu hiu sau màu đỏ sậm của trướng càng huyền ảo, vì mùi hương trầm phảng phất quyện lẫn với mùi lá ẩm trên sân đình.

Tôi chưa bao giờ ở trong một ngôi đình vào buổi tối, nên không gian quá khứ và linh thiêng ấy khiến tôi gờn gợn. Ở giữa sự cái ảo và thật, quá khứ và hiện tại ấy, tôi  thật xúc động khi nhìn cụ Hồng chơi đàn.

Cụ đã 94 tuổi, mỗi khi đứng lên ngồi xuống phải có người đỡ tay, xếp chân. Cụ ngồi trên phản gỗ chơi đàn đáy trong bộ áo the khăn xếp gấm đỏ. Nhìn những nếp nhăn trên mặt cụ, bộ râu tóc trắng phất phơ của cụ, tôi như thấy một khối thời gian hiển hiện trước mắt mình.

so phan 2

Đã quá tuổi thất thập cổ lai hi, cụ Hồng cười khoe với tôi một niềm tự hào rất đặc trưng của những người già “Ở làng này bây giờ ông là người cao tuổi nhất cháu ạ. Ông bây giờ phải chống gậy, chứ mấy năm trước chiều nào cũng chạy bộ cơ đấy”.

Cụ bà đã mất từ lâu, một tay cụ nuôi nấng 4 người con. Làng đã biến thành phố, ruộng đã biến thành đường, bạn bè đồng lứa đã thành người thiên cổ, con cháu ban ngày bận đi làm, đi học, một mình cụ chống gậy loanh quanh chơi nhà này nhà kia, không muốn ở một mình trong căn phòng thiếu gió thiếu nắng.

“Ngày xưa cả làng này có nghề ca trù, con gái thì hát, con trai thì gảy đàn. Bố mẹ của ông đều biết đàn hát, các chị của ông cũng hát. Ngày xưa có nhiều hội hè lắm, đám cưới, rồi khao làng, mỗi khi có hội thì họ lại gọi mình đi. Nhiều khi các chị của ông đang làm đồng mà có người gọi là tất tả bỏ đấy chạy về rửa ráy chân tay thay quần áo rồi lại đi ngay”.

Nhưng hội thì đông người, làm sao hát cho tất cả nghe được ạ, tôi thắc mắc. “Tầm này là nhiều hội lắm này, mỗi lần làm hội ở đình thì chiếu hát làm ở bên ngoài, hát vọng vào trong, mọi người đứng xung quanh nghe”.

Hồi đó cụ vẫn còn là một thanh niên “đi đâu con gái cũng theo nhé, hồi đó nhiều người mê mình lắm, cứ thế thành ra đến tận năm 40 tuổi tôi mới làm bạn với mẹ các cháu”.

Cụ ngồi trên phản gỗ chơi đàn đáy trong bộ áo the khăn xếp gấm đỏ

Cụ ngồi trên phản gỗ chơi đàn đáy trong bộ áo the khăn xếp gấm đỏ

Cụ Hồng không kể nhiều về ca trù, bởi thật ra quãng thời gian chơi đàn đáy chỉ là những tháng ngày tuổi trẻ ngắn ngủi. Cụ đã sống cả cuộc đời mình ở một làng quê ven đô, và cứ thế mà sống, cho đến mãi gần đây, nghe con cái kể lại có người biểu diễn ca trù, cụ lặn lội đi mười mấy cây số ra tận nơi để hỏi, mà phải đi đến lần thứ ba mới gặp được.

Hôm đó cụ đi đóng lại một cây đàn đáy mới, dây đàn chỉ bằng sợi ni lông thôi, những ngón tay quá lâu không gẩy đã lóng ngóng, nhưng chỉ khoảng một tuần sau, những giai điệu ào ạt trở về trong tâm thức, cụ dần dần nhớ lại những ngón đàn quen.

Đàn đáy không học bằng kí âm, nốt nhạc như các nhạc cụ khác mà mỗi người đánh đàn sẽ tạo ra một âm điệu của riêng mình.

Vậy là từ đó, cứ có người đến đón là cụ Hồng lại đi. Cụ già 94 tuổi ngồi sau xe máy, vài sợi râu trắng lơ phơ bay trong dòng người nườm nượp trên phố để chơi đàn. Cụ chơi vì thích, vì muốn được gặp người này người kia cho khuây khỏa, được nhớ lại những tháng ngày đã không thể trở lại nữa.

Cụ lựa chọn việc ngồi lúc lắc như quả bầu khô trên con xe máy cọc cạch hơn hai mươi cây số cả đi cả về vài buổi tối trong tuần chỉ để chơi đàn trong hơn tiếng đồng hồ, và không nhận lại gì cả.

Được là khán giả của cụ trong một buổi tối như thế, dù chẳng hiểu hết ý nghĩa của những lời thơ, hay cảm nhận được trọn vẹn cái hay của những làn điệu, tôi vẫn thấy xúc động vì sự bé nhỏ của mình trước thời gian và lịch sử.

Nhưng trong khoảnh khắc đó, bỗng nhiên tôi thấy buồn khi nghĩ đến lúc cụ biến mất, và tất cả những khoảnh khắc đẹp đẽ này cũng sẽ biến mất theo.

“Ông ơi, cháu viết lại những điều ông kể cho mọi người đọc có được không?” – “Được chứ, cháu làm gì, miễn sao tốt cho đời là được”.

Mỗi cuộc đời rồi sẽ qua, chỉ còn những câu chuyện ở lại.

Lê Hải Nhung

Yên Nghĩa – Hà Đông – Hà Nội


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: