Đó là một tiệm hớt tóc nhỏ xíu, ở Phú Nhuận Sài Gòn, trang trí theo kiểu cũ, với bốn thợ, có lúc nhiều hơn nhưng chưa bao giờ ít hơn, bốn ông thợ già, người trẻ nhứt cũng ngoài năm chục. Tôi đã hớt tóc ở tiệm này từ năm chín bảy, nghĩa là đã mười bảy năm, tính tôi luộm thuộm nên cứ để tóc thiệt dài rồi hớt thiệt ngắn rồi lại để thiệt dài mới hớt tiếp, nên hầu như năm chỉ ghé tiệm đôi ba lần. Tiệm nhỏ, lại nằm ở đường nhỏ nên ghế ngồi kê san sát, mấy năm gần đây làm thêm dịch vụ gội đầu phía sau cho mấy quí ông chứ lúc trước không có. bốn ông thợ già, nói giọng Sài Gòn xưa, âm ấm ngang ngang, thứ giọng nói mà bạn thường nghe trên mấy chuyến xe đò miền tây, rao thuốc nam trị đau nhức. Bốn ông thợ hiền, tẩn mẩn tỉ mỉ săm săm soi soi hớt từng nhánh tóc được vuốt ngược lên bằng chiếc lược ngà mỏng, chiếc kéo trên tay cầm dù khi không hớt vẫn được gõ từng nhịp tanh tách tanh tách, đôi kính trễ xuống tận mũi, chăm chú theo từng đường kéo nét dao, đó là kiểu làm việc của những người đam mê, và không bao giờ, không bao giờ mắc sai lầm. xưa tiệm còn xài miếng da lớn, treo từ quá đầu người xuống sát đất, và cây dao cạo râu xếp dài với lưỡi dao bóng loáng, như cách đây một trăm năm, sau khi bôi kem lên mặt khách bằng cây chổi tròn, ông thợ già cầm con dao đó liệng qua liệng lại trên miếng da, vừa liệng dao vừa nói chuyện này chuyện nọ, trẻ nít thì ông nói chuyện ma quỷ, thanh niên thì ổng kể chuyện trai gái, ông già thì ổng nhắc thời chinh chiến loạn lạc cũ, người khách lim dim mắt, nghe cũng được mà không nghe cũng được, ổng cứ nói một mình trước khi đặt lưỡi dao trên hàm râu… sau này, có vụ sida nên cũng sợ con dao xài chung, chỉ dùng dao lam xài một lần rồi bỏ hầu như tiệm chỉ có khách quen, hoặc giả khách lạ lần đầu rồi cũng thành khách quen, như tôi, mà khách quen thì câu chuyện cũng quen, đôi khi tới trúng bữa cơm khách cũng sà vô ăn cơm chung, hay tiệm có mua món quà vặt chi, bánh trái mía gim cóc xoài xôi chè đậu đen đậu đỏ cũng làm một phần nhỏ mời khách, khách cũng không mấy khi từ chối. Có khách Việt Kiều vừa xuống sân bay, chưa vội về nhà, kéo va ly to đùng vô ngồi tiệm, tặng mấy ông thợ già chai dầu gió hiệu con ó, nằm lấy cái ráy tai cho sướng chút, nói năm ba câu chuyện cũ cho đã chút, rồi mới về nhà. Có khách bị tai biến, biết mình sắp về với ông bà, vẫn kêu con trẻ đẩy xe lăn ra tiệm, hớt cái tóc cạo cái râu cho nghiêm túc trước lúc ra đi, một ông thợ hớt còn hai ông thợ kia giữ cái đầu khách cho thẳng thớm, tiễn khách ra về lần cuối, khách thì cười mà bốn ông thợ già nước mắt ròng ròng. có lần nọ, có một khách từ xa xuống, đâu từ Buôn Mê chi đó, người mà cả bốn ông thợ rất đỗi kính trọng, gọi là Trung Úy, khi Trung Úy đến, họ không tiếp khách nữa, dặn con cháu mua chai rượu với chút mồi, đóng cửa ôn chuyện xưa cũ, tôi mới biết là họ đều từng là lính, từng chung chiến hào, của bên thua cuộc. Họ không cay đắng cũng không hề nuối tiếc, đơn giản đó là một phần đời, một phần tuổi trẻ của họ, họ trân trọng nó, như một thứ kỷ vật, lâu lâu lấy ra lau chùi ngắm nghía … đó là một tiệm hớt tóc nhỏ xíu ở Phú Nhuận, Sài Gòn, trang trí theo kiểu cũ, với bốn ông thợ già. Tôi đã hớt tóc ở tiệm này từ năm chín bảy, nghĩa là đã mười bảy năm, hồi xưa tôi ở trọ gần đó nên có qua một lần, giờ về Gò Vấp xa xôi cũng ráng ghé, rồi giá thuê đắt đỏ nên tiệm lại dời tuốt trong đường nhỏ, tôi cũng ráng ghé, ghé không phải chỉ hớt tóc, ghé ngồi nhìn mấy ông thợ già, tỉ mỉ tỉa từng đường kéo, chăm từng nhát tông đơ, nghe mấy bản nhạc vàng như mưa nửa đêm, tỉnh lẻ đêm buồn… ghé chỉ để nghe câu chào, thằng Hai lâu quá không ghé mậy, đi mần măn mà để tóc tai thấy ớn, vậy thôi Nguồn: damhaphu.com