Lập nghiệp ở Sài Gòn


Sài Gòn là một mảnh đất tốt để lập nghiệp, tuy nhiên, vì nó quá tốt nên cơ hội không chia đều cho mọi người và khó khăn lớn nhất ở Sài Gòn, nếu có, chính là từ người lập nghiệp, Sài Gòn không phụ ai cả.

1.
Hôm trước tôi có trả lời một cuộc phỏng vấn, có một câu hỏi thế này: “Anh hãy chia sẻ những khó khăn khi lập nghiệp ở Sài Gòn?”. Tôi trả lời cũng dài, nhưng đại ý rằng: Sài Gòn là một mảnh đất tốt để lập nghiệp, tuy nhiên, vì nó quá tốt nên cơ hội không chia đều cho mọi người và khó khăn lớn nhất ở Sài Gòn, nếu có, chính là từ người lập nghiệp, Sài Gòn không phụ ai cả.

Sài Gòn chưa từng phụ ai. Bạn cứ tin tôi. Bạn chỉ cần biết sống và chịu sống, biết làm và chịu làm, biết chơi và chịu chơi, theo cách của Sài Gòn.

2.
Gần đây, theo đề xuất của các nhà tư vấn tuyển dụng, các bạn trẻ mới ra trường khi làm đơn xin việc thường liệt kê các công việc hoặc các hoạt động đã tham gia trong thời học sinh – sinh viên, thậm chí có bạn liệt kê đã từng tham gia các hoạt động từ thiện, chơi TV gameshow hoặc đóng vai quần chúng trong một bộ phim nào đó. Đây là điều tốt. Các nhà tuyển dụng sẽ nhìn thấy một ứng viên trẻ, chưa có kinh nghiệm công việc nhưng rất giàu nhiệt huyết, rất chịu sống và có thể là rất biết sống, họ sẽ có những đánh giá tốt hơn. Đối với nhiều nhà tuyển dụng, con người của ứng viên quan trọng hơn kinh nghiệm hay kiến thức.

Có thể nhiều bạn trẻ vẫn quên, hoặc không chú ý đến điều đó, rằng thành công của bạn phụ thuộc rất nhiều vào con người, vào tính cách, vào cuộc sống của bạn, nhiều hơn cả bằng cấp hay kiến thức mà bạn có.

3.
Mỗi ngày ở Sở KH & ĐT có mấy trăm cái giấp phép kinh doanh được cấp mới, tôi hay ngồi nghe người ta đọc tên các công ty mới thành lập và cố đoán xem đó là một công ty như thế nào. Ví như tôi đoán công ty TNHH Quán Nhỏ Ven Đường có thể là một doanh nghiệp dịch vụ ẩm thực, do một nữ chủ nhân còn khá trẻ điều hành, công ty này chắc chắn đã có đầu tư một nhà hàng hoặc một quán ăn, và có thể là thực đơn sẽ gồm nhiều các món dân dã hoặc đặc sản địa phương.

Có một điều tôi thường đoán trúng, đó là các công ty được thành lập từ sự bắt tay của một vài người bạn, nó sẽ mang những cái tên dễ nhận biết, ví như Cty Tình Bạn. Cty Bạn Bè, Cty Bằng Hữu, Cty Anh Em, hoặc đôi khi cụ thể hơn bằng cách ghép tên của các sáng lập viên, kiểu cty Phước Lộc Thọ hay P.L.T Co. Ltd.

Cá nhân tôi rất tin tưởng và quí trọng tình bạn, nhưng cũng bằng kinh nghiệm của tôi, tôi cho rằng tình bạn để cùng nhau lập công ty phải là một tình bạn cực kỳ tốt, đã có thời gian thử thách khá lâu, phải có sự hy sinh và cống hiến cho nhau thật nhiều… mà ngay cả khi bạn tin rằng mình có một tình bạn tốt cỡ đó, bạn cũng nên gìn giữ nó thật kỹ thay vì đem thử thách nó vào một công ty.

4.
Hôm rồi tôi có kể chuyện về Nha Trang họp lớp cũ, đó là lần đầu tiên tôi gặp lại nhiều bạn bè sau 20 năm kể từ khi rời ghế trường trung học. Các bạn tôi hầu hết vẫn ở Nha Trang, có bạn vào Sài Gòn học nhưng vẫn quay về Nha Trang làm việc và lập gia đình. Các bạn nói chung đều có cuộc sống tốt và khá yên bình, trừ một hai trường hợp đặc biệt, đa số đều đi làm cho nhà nước, hoặc một công ty của có vốn của nhà nước kiểu Khatoko hay Yến Sào, Du Lịch. Các bạn đều vui vì có dịp được ngồi với nhau, và ngạc nhiên thay, các bạn cũng thừa nhận rằng đây cũng chính là lần đầu tiên sau 20 năm các bạn mới ngồi với nhau, dù hầu hết đều đang sống ở Nha Trang, một thành phố ven biển nhỏ bé.

Khi tâm sự riêng, hoặc nhóm, với tôi, các bạn đều có ý cho rằng không giống như Sài Gòn sôi động, Nha Trang là một thành phố nhỏ, yên bình, nên cuộc sống của các bạn bị trôi nhanh, bị vuột đi trong lo toan thường nhật mà có rất ít những dấu ấn hoặc sự kiện đáng nhớ nào. Tôi cũng tin vào điều đó.

Một hôm tôi bỗng tự hỏi: không biết một Sài Gòn sôi động đã tạo ra những con người năng động, mạnh mẽ… hay chính những người năng động, mạnh mẽ đã tạo ra một Sài Gòn sôi động như hôm nay?

55-dieu-de-ban-thay-sai-gon-cua-minh-tuyet-voi-nhat (8)

5.
“Thất bại vì ngại thành công” câu này không phải câu nói cho vui đâu, đúng đó.

6.
Xưa có một thời gian ngắn ngủi, độ khoảng vài tuần, tôi đi làm ở một tiệm phở. Đó là một tiệm phở bình dân thôi, nhưng giá không rẻ và khá đông khách, nhất là sáng sớm hoặc buổi tối. Thời gian đầu tôi chưa quen việc nên được bố trí dọn tô và rửa tô, thời gian sau tôi làm bồi bàn, ăn mặc sáng sủa hơn chút để chào khách và ghi order. Khoảng hai tuần cuối cùng tôi làm việc như quản lý. Ông bà chủ tiệm khá dễ thương, lúc tôi nghỉ việc cứ năn nỉ tôi ở lại, bà chủ còn nói nếu tôi chịu làm chừng chục năm đi rồi ông bà truyền nghề, cho vốn để mở tiệm riêng. Lúc đó tôi ưa giao du nên vẫn dứt áo ra đi, sau một tối ngồi với ông chủ bên tô xí quách và một lít rượu ngon.

Nói chung tôi thường bắt đầu bằng một công việc tay chân gì đó, rồi mới đi lên từ từ, tôi cũng không ngại gì, như vậy năng lực của mình tự thể hiện được. Lần đi làm ở công ty giày của Hàn Quốc cũng vậy, bắt đầu từ một chân chạy việc giấy tờ, photocopy rất dở hơi, kiểu như sai vặt, lương chỉ bằng lương công nhân, khi nghỉ việc thì vị trí của tôi gần như là cao nhất.

Sau này tôi vẫn thích những người nào, dù làm ở vị trí quản lý cao đến đâu, dù giàu có hoặc sang trọng, phải thực sự trải nghiệm, hiểu biết công việc và nỗi vất vả của người khác.

7.
Lần làm ăn riêng của tôi là khoảng năm 2002, khi đó tôi đứng ra nhận làm thủ tục nhập khẩu cho 14 containers hàng máy móc và vật liệu cho một nhà đầu tư Thái Lan vào KCN Bình Chiểu. Tôi chỉ có vận đơn tàu biển và con dấu của nhà đầu tư, toàn bộ giấy tờ còn lại tôi phải tự “nghiên cứu và sáng chế” cho phù hợp với luật định, vốn rất phức tạp. Hôm đó tôi lái chiếc xe tải xuống cảng đón đoàn container về để giao tận nhà máy trong niềm hân hoan của một kẻ chinh phục. Trong vòng hai tuần làm việc này tôi kiếm được số tiền bằng khoảng nửa năm lương đi làm thuê.

Lúc đó tôi nghĩ nhiều về việc thành lập một công ty dịch vụ XNK, kiểu Forwarder, chuyên phục vụ cho các nhà đầu tư nhỏ. Tôi có lợi thế về kinh nghiệm, các mối quan hệ, đặc biệt là quan hệ với HEPZA, ban quản lý các KCN và Khu Chế Xuất. Nhưng tôi đã quyết định không làm, tôi nghĩ mình còn trẻ, chưa chính chắn, háo thắng và còn nhiều điều cần phải học. Tôi vẫn nghĩ đó là một quyết định đúng.

8.
Tôi vẫn thích làm một cái quán ăn, hoặc giả đơn giản hơn là bán một xe bánh mì. Bánh mì của tôi sẽ rất ngon, tôi sẽ tự nướng bánh mì bằng lò nướng tự động, đủ cho vỏ bánh mì thật dòn nhưng ruột thì mềm mại, thơm phức. Rồi tôi sẽ tự làm món pate và món bơ thật thơm làm từ lòng đỏ trứng gà, rồi món thịt ba chỉ thần sầu của tôi, món xíu mại hấp dẫn với nước sốt ớt đỉnh cao xuất xứ từ Nha Trang. Tôi sẽ thái dưa leo thật dài và mỏng, những cọng hành sẽ được chẻ thật mảnh và đẹp, những lá ngò sẽ xanh um bắt mắt. Tôi sẽ dùng con dao riêng để rạch bánh mì và dùng một con dao khác để trét pate và bơ. Tôi sẽ có loại giấy gói bánh mì đặc biệt có in logo và một cây tăm cũng in logo.

Ngày nào tôi cũng ăn bánh mì của mình. Tôi sẽ nhớ rõ từng khách hàng quen thuộc, ông này ăn ít ớt, bà nọ không ăn hành, các cháu nhỏ thích nhiều pate… Tôi sẽ chào hỏi họ và cảm ơn họ vì đã thích bánh mì của tôi làm. Ai mua ba ổ bánh mì tôi tặng một chai nước sâm lạnh do tôi tự nấu….

Nói chung đó là một giấc mơ đẹp, tôi tả như vậy để bạn biết rằng tôi mong muốn gì ở một ổ bánh mì. Nếu bạn muốn khởi nghiệp kinh doanh thì đó cũng là một ý tưởng, tầm thường thôi nhưng chắc chắn khó thất bại, chỉ cần bạn làm thật chăm chút, như là để cho mình thưởng thức. Mà nói chung việc gì cũng vậy, cái bạn cần ngoài kiến thức, là niềm đam mê và sự hiểu biết công việc của mình.

Theo Đàm Hà Phú


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: