Lương Nguyệt Anh gây xúc động với sáng tác đầu tay về mẹ, về quê


2saigon – Sao mai Lương Nguyệt Anh, giải nhất dòng nhạc dân gian 2011, chính thức phát hành MV mới với một sáng tác do chính cô phổ nhạc “Quê mẹ người ơi”. Lương Nguyệt Anh coi đây là sáng tác đầu tay của mình trong dòng nhạc dân gian, là sáng tác đánh dấu quyết định bước vào con đường sáng tác của cô.

Tia Hải Châu ra mắt ca khúc đầy tâm trạng nhân ngày 14/2

Ngô Thanh Vân, Jun Phạm tiết lộ lí do cùng nhau “Về quê ăn Tết”

Chính vì vậy, Lương Nguyệt Anh chọn việc ra mắt MV vào dịp đón năm mới Mậu Tuất, nhằm ghi nhận một chặng đường mới mà cô sẽ nỗ lực và hết lòng vì nó trong thời gian tới.

“Quê mẹ người ơi” được Nguyệt Anh phổ nhạc từ bài thơ của nhà thơ Nguyễn Xuân Việt nằm trong tập thơ sắp ra mắt của anh. Khi Lương Nguyệt Anh được gửi đọc bản thảo của bài thơ, cô đã vô cùng thích những lời thơ sâu sắc, tình cảm của nhà thơ Nguyễn Xuân Việt, và bài thơ đã ám ảnh cô tới mức cứ neo đậu trong suy nghĩ của cô, để rồi bất chợt cô ngân nga thành giai điệu. Và nhạc sĩ Vũ Trọng Phương đã giúp cô “chắp cánh” cho những giai điệu đó trở thành ca khúc hoàn chỉnh. Lương Nguyệt Anh nói, cô rất cảm ơn nhạc sĩ Vũ Trọng Phương không chỉ ở phần hoà âm phối khí của anh, mà bởi anh đã hỗ trợ cô rất nhiều trong những bước đầu sáng tác.

DSC_2373

Trước đây, Lương Nguyệt Anh đã từng thử nghiệm vai trò sáng tác với ca khúc nhạc Phật “Tìm về chốn thiêng” được đánh giá rất cao, và được hát ở nhiều chương trình nhạc Phật Tuy nhiên, với Nguyệt Anh, cô coi đó là thử nghiệm và “Quê mẹ người ơi” mới chính thức là sáng tác đầu tay của cô trong dòng nhạc dân gian, thành công của “Tìm về chốn thiêng” đã thôi thúc Nguyệt Anh bước vào con đường sáng tác.

DSC_2459

“Quê mẹ người ơi” có giai điệu dễ nghe, da diết, với cách hát mềm mại, mượt mà, giàu tình cảm của chính Lương Nguyệt Anh đã từ từ chạm đến tim của người nghe, khiến người nghe thấy bồi hồi nhớ mẹ, nhớ quê, nhớ những tháng ngày thơ dại ở bên mẹ, được mẹ cưng chiều, nâng niu. Nghe ca khúc, bất cứ ai cũng cảm thấy bồi hồi, rưng rưng nhớ về quãng thời gian tươi đẹp, ngọt ngào thuở thiếu thời ấy. Mẹ là quê hương, quê hương là mẹ, đó chính là điều mà Lương Nguyệt Anh muốn nói đến qua ca khúc, và đó cũng là nơi khiến mỗi người đều muốn trở về sau “tháng ngày phiêu dạt”của cuộc đời.

Với ca khúc này, nữ đạo diễn, NSƯT Việt Hương đã xây dựng câu chuyện chứa chan tình cảm trong MV, đó là câu chuyện của một phụ nữ trưởng thành trở về với quê mẹ, với mái nhà đơn sơ nhưng ấm áp nụ cười, tình yêu bao la của mẹ. Đi đến đâu, chị cũng thấy lại bóng dáng ngày xưa với mẹ, người đã cho chị tất cả tình yêu trong cuộc đời này. Ở nơi ấy, mẹ tần tảo nuôi chị khôn lớn, căn nhà đơn sơ chỉ có hai mẹ con nhưng ấm sực như bếp lửa đêm đông, ngọt ngào, mặn mòi, ở nơi ấy, mẹ đã chứng kiến vun vén cho tình yêu đầu đời của chị. Đạo diễn Việt Hương nói: “Bình thường cha mẹ nào cũng khắt khe với con gái khi lớn lên bắt đầu yêu, nhưng ý tưởng của tôi trong câu chuyện này là người mẹ trong gia đình một mẹ, một con nên rất muốn “thương con thì gả chồng gần/có bát canh cần nó cũng mang cho”, bà mẹ rất vun vén cho tình cảm thuở tóc mai của con”. Nhưng rồi, người con ấy đã không ở lại quê nhà, mà lên đường đi học, lập nghiệp xa quê, để quê hương ở lại với bóng hình cô đơn của mẹ, để tình yêu trong veo ở lại quê nhà…

DSC_2717

Tất cả những điều đó như một dòng chảy êm đềm mà khắc khoải theo từng bước chân, từng nỗi nhớ của người con khi trở về quê xưa. Với những câu hát mượt mà, như tâm tình, như ru lòng người, đạo diễn Việt Hương khéo léo đưa hình ảnh hoà quyện với giọng hát, khiến người xem rưng rưng, lòng bỗng thấy chùng xuống khi nhớ về tuổi thơ, về mẹ.

MV ra mắt vào thời điểm cận tết, tuy không nói chuyện Tết với mai đào quất thông thường như nhiều MV khác, nhưng những hình ảnh “phảng phất” ngày xuân như đoá thược dược trước sân nhà, những triền hoa cải nở dọc triền sông… đủ để những người đi xa không thể không nhớ đến mùa Xuân, đến cái Tết đang đến thật gần. Những cảnh quay được chọn lựa khá tinh tế, từ mái nhà đơn sơ còn nguyên vẹn kiểu nhà từ những năm xưa cũ tại Đường Lâm (Sơn Tây), từ những cánh đồng đang vào vụ Xuân bảng lảng khói lam chiều, đến cây đa bến nước chân quê ở Bắc Ninh…, đều thể hiện sự dung dị, mộc mạc nơi thôn dã, và làm ấm hơn tình cảm gia đình của câu chuyện.

DSC_2641

Và, cứ như thế, MV làm người xem nao nao, bùi ngùi nhớ quê hương, nhớ mẹ, nhớ cuộc sống nơi thôn dã êm đềm mà cuộc sống phiêu dạt khiến người ta phải rời xa và chỉ còn lưu lại trong ký ức. Trong tiết trời đông ngày áp Tết, khi cái lạnh khiến người ta co ro, thì những khung cảnh hai mẹ con cùng nấu bếp bên bếp lửa rực hồng, cùng xúyt xoa với rổ sắn luộc còn bốc khói… làm không ít người xem MV cồn cào nhớ những ngày xưa như thế.

Minh Nguyễn
Ảnh: Như Hoàn


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: