Bước khỏi bóng râm


Đến bây giờ, tôi còn ớn lạnh khi nhớ lại cái ngày tôi quyết định nghỉ làm phóng viên ở một tờ báo lớn, “bước khỏi bóng râm”, dò dẫm khởi nghiệp.

Năm 2010, cuộc sống của tôi ổn định vì công việc phóng viên mang lại thu nhập cũng khá. Đang độc thân nên tôi thường tự thưởng cho mình những chuyến du lịch nước ngoài. Một lần qua Singapore, tôi bị ám ảnh bởi câu hỏi “Sao ở đây họ uống cà phê lạ vậy? Nó không giống cà phê ở Việt Nam. Cà phê Starbucks là loại gì mà cả thế giới mê mẩn?”.

Vốn nghiện cà phê, tôi lưu ý tìm hiểu sâu hơn chuyện này. Hóa ra, những tách cà phê đen, đặc, sánh mà nhiều người Việt vẫn dùng phần lớn vốn từ bột bắp và đậu nành và nhiều hóa chất độc hại. Nó khác xa với những ly cà phê thực sự có màu nâu nhạt, hương thơm nhẹ để lại cái hậu dễ chịu ở cuống họng.

Phần lớn những loại cà phê nguyên chất của thị trường lúc bấy giờ đều đến từ các thương hiệu nước ngoài. Vậy làm sao tôi có được những loại cà phê nguyên chất vừa ngon vừa đáp ứng khẩu vị của người Việt?

bong-ram

Anh Ngô Phi Bay thử nếm và cảm nhận vị cà phê

Năm 2012, tôi quyết định nghỉ việc, khởi nghiệp cùng hai người bạn bằng một quán cà phê trong hẻm nhỏ ở Q.Bình Thạnh với vỏn vẹn 200 triệu đồng.

Chúng tôi lên Đăk Nông, Đăk Lăk, Đà Lạt tìm vào từng vườn cà phê, hợp tác với nông dân để mua được những hạt cà phê ngon. Có hai loại cà phê phổ biến ở Việt Nam (đều là giống do người Pháp mang sang) là cà phê vối (robusta) và cà phê chè (arabica). Đa phần nông dân trồng cà phê vối. Loại này cũng chiếm thị phần phổ biến trên thế giới (trên 60%).

Chúng tôi nếm thất bại ngay từ đầu, tưởng chừng đã bị knock out: quán trong hẻm nhỏ nên quá ít khách. Những người quen chỉ đến vài lần để ủng hộ, sau do không tiện đường nên không ghé nữa. Tôi tự rang xay cà phê, mới biết không đơn giản chút nào. Nhiệt độ, thời gian, màu sắc, cảm nhận vị … tôi cứ loay hoay và cố gắng học hỏi những người đi trước nhưng vẫn phải đổ bỏ nhiều mẻ mới tiếp cận được công thức rang xay.

Sau dăm tháng, tiền bạc cứ “đội nón ra đi” mà vẫn bế tắc. Rồi tôi quyết định chuyển hẳn sang mô hình rang xay để cung cấp sản phẩm sỉ, không kinh doanh quán nữa. Hai cộng sự không đồng ý vì tiếc tiền của, công sức đã đổ vào quán. Tôi dứt khoát, nếu không ngưng quán, sẽ chia tay để tìm lối đi riêng. Hai người bạn nhượng bộ, dẹp quán để đầu tư hẳn vào việc rang xay cà phê với thương hiệu Nam Long.

Căn nhà nhỏ ở Q.Phú Nhuận trở thành “đại bản doanh” mới với những ngày chúng tôi ngụp lặn cùng cà phê. Một ngày của tôi bắt đầu từ 6g sáng với xay, đóng gói và giao hàng, tất bật cho đến tối. Sau bữa cơm tối, chúng tôi lại rang xay cho đến 2-3g sáng hôm sau.

Trên sân thượng của căn nhà, giữa trời đêm mịt mờ, tôi thường tự hỏi: mình có đang đánh đổi tất cả để tìm kiếm một tương lai mù mịt? Câu hỏi ấy chỉ ngừng lại khi tôi ngủ đi sau mẻ rang cuối cùng. Suốt một năm như thế, sản phẩm của chúng tôi bắt đầu được nhiều khách hàng tin dùng, sản lượng tăng lên, giúp chúng tôi có thể đầu tư một cơ ngơi lớn hơn ở Q.7.

Có lẽ tôi đã may mắn khi gặp được những người thầy giỏi, những cộng sự yêu cà phê, xem việc làm ra một ly cà phê ngon là lẽ sống của mình. Bản thân tôi cũng phải bắt đầu lại từ việc học một khóa cảm nhận cà phê.

Khi cảm nhận được từng vị, từng hương, tôi mới chuyển qua học cách chọn lựa nguyên liệu, cách thức rang xay và những phương pháp pha chế mới trên thế giới. Sản phẩm của tôi tốt hơn lên từng ngày.

Ban đầu, chỉ một vài quán nhỏ lấy cà phê của chúng tôi. Rồi những quán nhỏ này trở thành “đại sứ” giới thiệu sản phẩm của chúng tôi cho những quán tiếp theo. Nhiều chuỗi quán cà phê nổi tiếng ở Sài Gòn, Hà Nội cũng để mắt đến cà phê của tôi.

Càng mở rộng khách hàng chúng tôi càng quyết tâm đầu tư cho vùng nguyên liệu, tìm những đối tác cung cấp cà phê nhân uy tín, vì một món ăn ngon không chỉ nhờ đầu bếp giỏi mà nguyên liệu làm ra món ăn đó phải thực sự tốt. Hành trình tìm kiếm, hợp tác là những ngày đi hết tỉnh này sang tỉnh nọ, gặp nông dân, đặt vấn đề, thuyết phục và cùng họ thay đổi, từ việc chỉ hái trái chín, không phun thuốc diệt cỏ, hạn chế thuốc trừ sâu, tăng cường phân hữu cơ, phơi trên bạt sạch…

Chúng tôi cũng phải đầu tư những máy sơ chế cà phê tốt có giá cao gấp nămbảy lần so với loại bình thường để đảm bảo chất lượng. Đồng thời, tôi cũng mở lớp đào tạo về cà phê cho nhân viên công ty của tôi và tạo ra sân chơi về cà phê cho những bạn trẻ khác. Đó cũng là môi trường để chúng tôi giao lưu, thắp lên niềm tin là mình hoàn toàn có thể tạo ra cà phê ngon chẳng kém người nước ngoài.

Bây giờ, Nam Long đã được những chuỗi quán chọn dùng như The Coffee House, The Kafe và chúng tôi cũng đang làm việc với một số chuỗi cà phê nước ngoài. Nhiều khách hàng từ Nhật và Hàn Quốc đặt vấn đề hợp tác để đưa sản phẩm của chúng tôi ra nước ngoài.

Nói đến khởi nghiệp, nhiều người nghĩ ngay và thích làm những sản phẩm công nghệ mang lại kết quả nhanh chóng thay vì đầu tư vào sản phẩm nông nghiệp bởi thành quả thường đến chậm. Để thay đổi thói quen trồng trọt, sơ chế cà phê của nông dân mà mình hợp tác, chúng tôi phải mất hai ba năm mới có kết quả.

Diễn biến rất chậm nhưng kết quả là những mẻ cà phê ngon đã ra đời. Chính những hộ nông dân đang hợp tác với công ty cũng thích thú với việc thưởng thức cà phê do mình trồng, thay cho những gói cà phê trộn bột bắp và đậu nành trước đây họ vẫn dùng. Từ ba hộ gia đình hiện đang hợp tác, chúng tôi đang dần mở rộng thành 10 hộ trong năm 2016.

Gần bốn năm khởi nghiệp, hành trình hướng đến cà phê chất lượng của tôi chỉ mới ở giai đoạn đầu. Còn rất nhiều việc phải làm để chúng tôi trở thành nhà rang xay cà phê không chỉ cho những chuỗi cà phê lớn của Việt Nam mà còn xuất khẩu.

Nguồn: Trần Triều (ghi theo lời kể của anh Ngô Phi Bay)


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: