Sài Gòn, có Ngoại tôi


Ngoại và Tết Sài Gòn
Ngoại và Tết Sài Gòn

Ngoại và Tết Sài Gòn

Nắng Sài Gòn hanh hao những ngày đầu năm. Đường phố chộn rộn từ dạo cuối tháng 12 đến nay vẫn chưa ngớt cái không khí náo nhiệt. À mà Sài Gòn là vậy, tấp nập và hối hả đã là một phần đặc trưng.

“Tháng Giêng ngon như một cặp môi gần.”

(Xuân Diệu)

Một mùa Tết nữa đang đến, rất gần. Bây giờ cứ bước xuống phố là đâu đâu cũng mở nhạc Xuân, rộn ràng từ đường lớn ra tới đường nhỏ. Lũ trẻ và bọn nhoi nhoi như chúng tôi thì háo ha háo hức đón Tết, đón tuổi mới, đón những cái hồ hởi từ một tương lai không biết trước.
Còn người già – thì đón những cái Tết mới- với tất cả những trầm ngâm, những kí ức năm cũ, năm rất cũ, và năm không thể nào cũ hơn được nữa.

Người trẻ sống bằng tương lai.

Người già sống bằng quá khứ.

Tất cả gặp nhau ở một hiện tại, và những câu chuyện được kể ra từ lúc đó.

Có người thần tượng cha, có người chỉ khắc ghi sâu nhất hình ảnh mẹ, có người thì đối với họ, cả cha lẫn mẹ đều là hai hình tượng mẫu cho cuộc sống của họ. Cũng có những người yêu nụ cười móm mém của ông, của bà. Tôi, là tuýp người không thần tượng ai cả. Tôi rất sợ phải gán ghép cho một điều gì đó trở nên quá quan trọng, quá thân thương đối với mình. Tôi sợ bị bỏ lại.

Nhưng chỉ riêng Ngoại – là cả cuộc đời tôi. Bởi mới nói, đôi khi bạn yêu một thành phố không đơn thuần là vì nó có gì, mà là nơi đó có ai. Sài Gòn, có Ngoại tôi!

Ngoại và Sài Gòn là những kí ức về thời thơ ấu, là những câu chuyện hiện tại, là những ấp ủ tương lai. Mọi cảm thức về Sài Gòn, đều không thể thiếu Ngoại. Mỗi năm Ngoại ngày một yếu dần, không ai dám nói ra, không ai dám thừa nhận, nhưng ai cũng cảm nhận rất rõ. Cả năm qua Ngoại bị bệnh, đi chữa trị không biết bao nhiêu nơi.Dây thần kinh của Ngoại yếu, cơ hàm cứ tự động đánh lập cập. Mọi người trong nhà hay chọc vui : ” Ngoại mày nhai sing-gum hoài hông mỏi.”
Ngoại cười hề hà, móm mém, thương lạ.

Chưa một năm nào Ngoại ngừng nấu bánh chưng Tết. Nấu nhà ăn thì không được bao nhiêu, chỉ toàn đem biếu, một tụng bánh 30,40 cái mà nhà chỉ giữ lại 5-6 cái là cùng. Ngoại thuộc vào hàng “cấp cao, trưởng lão”, người ta không đến thăm biếu xén Ngoại thì chớ, Ngoại cứ còng lưng ra làm để biếu họ. Chút lòng thành này – mãi vài năm trở lại đây tôi mới hiểu.

Ngoại và Tết Sài Gòn

Ngoại và Tết Sài Gòn

Sống bên cạnh Ngoại, tôi học được không biết bao nhiêu điều. Tự bản thân, cũng đã thấm cái tư tưởng của Ngoại mà không hay biết. Mai là đám dỗ ông bà cố, vừa cùng chuẩn bị đồ, Ngoại lại vừa kể chuyện xưa. Những câu chuyện tưởng chừng như bất tận, nghe hoài nghe mãi, mà vẫn không thuộc, vẫn luôn có cái mới, vẫn chấp vá những mảnh kí ức và vẫn muốn được nghe kể mãi.

Ngoại có một dư vị như mùi của Tết. Có nắng ấm, có kí ức, có tình thân, có gió hiu hiu thổi mát, có mùi lửa bếp lò đêm khuya, có mùi bánh mức, có vị bánh chưng, có cái ngậy béo của món thịt đông, có màu nâu của đất tơi, màu xanh của chồi, nụ, màu đỏ của bao lì xì…

Rất thân thương, mà không một ai không cảm thấy da diết, dù Tết bên cạnh, nhưng vẫn sợ về một ngày Tết qua đi.

Tết của Ngoại – chưa bao giờ qua đi.

Bài viết và hình ảnh: MIP| 2saigon


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: