Kiếm sống bằng nghề hái rau muống hoang giữa Sài Gòn hoa lệ


Dọc các bờ sông ở quận 7 (TP HCM), vẫn còn khá hoang sơ, rau muống dại mọc xanh mướt. Cọng rau trời ban đã trở thành “miếng cơm” của một số người tha hương.  

Tha hương ở Sài Gòn hoa lệ, đêm đi lưới dơi dưới ánh đèn vàng

Xúc động hình ảnh những “thân cò” xa quê mưu sinh ở TP.HCM

Mặt trời vừa ló dạng, soi rọi ánh sáng vàng yếu ớt đầu tiên trên con sông Thầy Tiêu (phường Tân Phong, Q7).

Trên bờ, người dân túa ra tập thể dục ở công viên, cười nói rôm rả. Những căn biệt thự sang trọng, sừng sững trong sương sớm. Dưới sông, nhiều mảnh đời lặng lẽ ngụp lặn dưới con nước đục ngầu, dơ bẩn… lần mò kiếm cái ăn.

Ngồi trên tấm phau (mốp xốp), bên cạnh bao rau muống, ông Lăng cười: “Lộc trời cho mà. Sống ở đất Sài Gòn, không việc gì làm, khổ quá tui phải nghĩ ra cách đi hái rau bán để đắp đỗi, nuôi gia đình. Có nghề nghiệp ổn định thì ai lại cam chịu làm cái nghề này chi cho khổ”.

Giữa Sài Gòn hoa lệ nhưng ông Lăng vẫn có cuộc sống không khác gì ở quê

Dầm nước từ khuya đến trời hửng sáng, ông Lăng hái được chừng 20 kg rau muống. Ông sẽ mang bán cho những người quen, mỗi ký 20 ngàn đồng, cũng thu được 400 ngàn. Cứ cách hai ngày, ông Lăng đi hái một lần, chờ cho rau muống kịp ló đọt mới.

Xoa xoa đôi bàn tay lạnh cóng, tím tái, chiếc đèn pin máng trên đầu, chưa kịp tháo ra, ông Lăng xuề xòa: “Từ 4 giờ sáng, tui đã nhảy xuống sông, rọi đèn pin, mò mẫm hái từng cọng rau. Phải đi sớm trước khi nước ròng cạn sát đáy, không bơi phau được”.

“Mùa này trời trở lạnh, dầm nước kiểu này, tui bị ho suốt. Ho thì cũng phải ráng, chứ không là đói”, ông Lăng than, trong khi lên cơn ho sù sụ.

Rau muống ông Lăng hái được mọc tự nhiên, không phân bón, thuốc trừ sâu, phun nhớt nên được các bà nội trợ thích, dễ bán. Ông Lăng cho biết: “Nếu tui mang rau bỏ mối cho các sạp rau ngoài chợ, họ chỉ mua 10 ngàn đồng/ký. Mình hái cực khổ, bị ép giá như vậy thì chẳng còn bao nhiêu tiền. Tui chịu cực một chút, lấy xe máy chở rau vòng vòng khu biệt thự này rao bán, một lát là không còn cọng nào đâu. Phải chắt mót từng đồng như vậy mới sống nổi”.

Từ khuya, ông Lăng đã soi đèn đi hái rau muống cho kịp, trước khi con nước ròng cạn sát.

Cuộc đời của người đàn ông 56 tuổi này không có một ngày sung sướng. Rời quê An Giang, tha hương Sài Gòn 12 năm nay, ông chẳng có tài sản gì, ngoài bộ đồ dính da. Thuê phòng ở, thiếu tiền trọ ắp lẫm nhiều tháng, chủ nhà thông cảm không đuổi. Họ cho ông trả góp, có bao nhiêu trả bấy nhiêu. Cái ăn thì ông Lăng quấy quá bằng cách mò con cua, bắt con tép dưới sông, hái cọng rau dại.

Có người thấy ông Lăng lặn hụp trên dòng nước đen thui, động lòng thương cảm, tặng cho chiếc ghe cũ. Túng tiền quá ông đã bán mất, giờ phải “chữa cháy” bằng tấm phau này. Ông Lăng kể: “Lúc đó tui bệnh nặng, bán chiếc ghe chỉ có 500 ngàn để mua thuốc. Đến giờ tui còn tiếc hùi hụi”.

Trước khi cơn bệnh thập tử nhất sinh ập đến, ông Lăng còn bữa đực bữa cái đi phụ hồ. Bây giờ sức khỏe yếu, không xách nổi thùng vữa, chẳng ai thèm thuê mướn ông nữa, cuộc sống khốn khó cùng cực hơn.

Cuộc sống mò cua bắt ốc lúc còn ở An Giang được ông Lăng mang lên Sài Gòn

“Hồi ở quê, quanh năm tui cũng mò cua bắt ốc. Lên Sài Gòn, tưởng có cuộc sống khá hơn. Ai dè, 12 năm nay, tui vẫn loay hoay, quanh quẩn mưu sinh bằng công việc mò cua, bắt ốc, hái rau, y chang hồi ở quê. Tui hoàn toàn không thay đổi được gì số phận”, ông Lăng than vãn.

Buông tiếng thở dài, ông Lăng nói tiếp: “Cũng may, ở Sài Gòn còn có những chỗ hoang sơ để kiếm cái ăn. Sống ở Sài Gòn, không có tiền là chết, chẳng biết cầu cứu với ai. Người thì giàu nứt đố đổ vách, ngày càng giàu thêm, tiền đẻ ra tiền. Kẻ nghèo thì lần miếng ăn không ra”.

Chia tay chúng tôi, tay ông Lăng mạnh mái dầm. Cười nhe hàm răng xíu xáo, ông Lăng cho biết: “Lẽ ra hôm nay tui còn lưới ít con cá về kho ăn, nhưng nước cạn quá rồi, không còn cá nữa. Tui phải tranh thủ về bán rau sớm, đưa tiền cho bả mua ít miếng thịt cho 3 đứa cháu. Mấy đứa con của tui, đứa nào cũng nghèo, nó gửi con cho vợ chồng tui nuôi đó”.

Cái dáng nhỏ thó, thiểu não của ông Lăng ngồi trên tấm phau khuất dần trên con sông Thầy Tiêu. Xa xa, những dãy nhà cao tầng chen chúc nhau trong nắng sớm.

Theo petrotimes.


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: