“Gìn giữ và phát huy giá trị kiến trúc, lịch sử của khách sạn Continental”


Là một trong những khách sạn có lịch sử lâu đời bậc nhất Sài Gòn, đến nay, Continental đã tròn 138 năm tuổi, nhiều hơn tuổi của tôi, của bạn.

Thâm trầm Thương xá TAX – Trung tâm thương mại lớn nhất và lâu đời nhất Sài Gòn

Những bảo tàng của Sài Gòn nên ghé thăm

Gắn bó với Continental từ năm 1991, trong đó đã có 8 năm ngồi ở vị trí điều hành khách sạn này, ông Lê Tấn Thành, Giám đốc khách sạn Continental Sài Gòn là một trong những nhân vật đã chứng kiến nhiều mốc thăng trầm của ngành nói chung cũng như của Continental nói riêng.

Trong buổi trò chuyện với Doanh Nhân một ngày giữa tháng 6/2018 tại Le Dolce Vita Cafe thuộc khuôn viên khách sạn, ông Thành đã có những trải lòng về quá trình làm việc tại một trong những khách sạn có lịch sử lâu đời bậc nhất Sài Gòn này. 27 năm gắn bó với Continental, kinh qua nhiều vị trí khác nhau, ông Thành tự nhận thấy sứ mệnh của ông cũng như đội ngũ nhân sự nơi đây, chính là gìn giữ và phát huy giá trị lịch sử riêng có của Continental.

giugin

– Ông có thể giới thiệu qua về những nét độc đáo riêng có của Continental?

Có những thứ không thể mua được bằng tiền, thì Continental là một khách sạn như thế. Là một trong những khách sạn có lịch sử lâu đời bậc nhất Sài Gòn, đến nay, Continental đã tròn 138 năm tuổi, nhiều hơn tuổi của tôi, nhiều hơn tuổi của bạn.

Giá trị lịch sử là một trong những nét độc đáo riêng có không thể lẫn của Continental. Được xây dựng cùng thời với Continental lúc đó còn có Nhà thờ Đức Bà (1880); Sở Bưu điện và Viễn thông (1886) nay là Bưu điện Thành phố và Tòa Thị chính (1898) tức Ủy ban Nhân dân Tp.HCM ngày nay. Đây là những công trình lịch sử mang đậm dấu ấn của kiến trúc Pháp với các phòng ốc và hành lang lối đi rất rộng.

Bên cạnh đó, Continental còn có một khoảng sân vườn nằm ở giữa khách sạn, rộng tới 600m2. Tại đây, có những cây sứ tuổi đời trên 100 năm.

Như một nhân chứng sống đã chứng kiến nhiều thăng trầm của lịch sử, Continental còn vinh hạnh đón tiếp nhiều chính khách, nhiều bậc vĩ nhân trên thế giới ghé qua và lưu trú. Trong đó phải kể đến nhà thơ Ấn Độ Tagore, nhà văn Andre Malraux – tác giả tiểu thuyết “Thân phận con người”, nhà văn người Anh Graham Greene – vị khách thường xuyên ngụ tại phòng 214 – tác giả cuốn “Người Mỹ trầm lặng” rất nổi tiếng, hay ngài Jacques Chirac (thị trưởng Paris), Thủ tướng Mã Lai Mahathir Mohamed…

– Làm sao để có thể giữ được những nét cổ kính như di sản của Continental nhưng vẫn đảm bảo tình hình kinh doanh hiệu quả, thưa ông?

Tôi về Continental từ năm 1991 và giữ vị trí Giám đốc Continental từ năm 2011. Được làm việc tại một khách sạn mang tính lịch sử thế này, với tôi, vừa tự hào, hãnh diện vừa gánh trên vai nhiều trọng trách và áp lực.
Vừa đảm bảo hoạt động kinh doanh có hiệu quả, vừa đảm bảo bảo tồn được những nét riêng có đã trở thành di sản của Continental là điều không phải dễ dàng, đòi hỏi người điều hành và toàn đội ngũ vận hành phải làm việc bằng cả trái tim đam mê và trân trọng. Để hoàn thành công việc của mình, chúng tôi luôn xác định phương châm làm hết việc chứ không phải làm hết giờ.

Đội ngũ vận hành Continental được trang bị chu đáo kiến thức về công việc mình đang làm cũng như nơi mình đang làm việc. Bất cứ ai từ cấp quản lý đến nhân viên đều có ý thức bảo vệ và giữ gìn những nét đẹp riêng có không thể lẫn vào đâu của Continental.

Ngay ngoài sảnh khách sạn bạn có thể thấy, chúng tôi thiết kế một con đường lịch sử bằng hình ảnh. Con đường đó sẽ thuyết minh cho khách tới tham quan, lưu trú và làm việc về một chặng đường lịch sử của Sài Gòn, từ lúc hình thành qua các giai đoạn lịch sử khác nhau. Các thiết bị, dụng cụ làm bếp ngày xưa cũng được chúng tôi bảo tồn và gìn giữ bằng cách trưng bày cẩn thận trong các tủ kính, như những báu vật cổ.
Kinh doanh nhà hàng khách sạn như làm dâu trăm họ và rất khó để tránh những sai sót. Vì thế, người làm ngành này phải hết sức chú ý đến chất lượng, chú ý đến từng chi tiết nhỏ, cũng như người làm nội trợ phải hết sức tỉ mẩn khi chế biến món ăn của mình. Người quản lý phải thường xuyên huấn luyện, đào tạo nhân viên, sâu sát trong điều hành, kiểm tra đôn đốc làm sao để hạn chế sai sót, để thỏa mãn kỳ vọng của khách khi sử dụng dịch vụ ở đây.

– Trong điều hành khách sạn, ông chú trọng yếu tố nào: nhân trị hay kỹ trị thưa ông?

Trong điều hành, tôi kết hợp cả nhân trị và kỷ trị. Cả 2 yếu tố này đều có những mặt tích cực. Bạn phải linh hoạt, uyển chuyển kết hợp trong từng trường hợp, tùy từng vấn đề cụ thể và phù hợp với từng nhân sự mình quản lý chứ không phải với ai cũng như nhau. Điều quan trọng không phải là rập khuôn theo nhân trị hay kỹ trị, mà là nhìn thấu mọi sự việc, mọi vấn đề để có thể đưa ra hướng giải quyết phù hợp và tốt đẹp nhất.

– Ông nhìn nhận như thế nào về tiềm năng lĩnh vực kinh doanh nhà hàng khách sạn tại Việt Nam trong những năm tiếp theo?

“Là một trong những khách sạn có lịch sử lâu đời bậc nhất Sài Gòn, đến nay, Continental đã tròn 138 năm tuổi, nhiều hơn tuổi của tôi, của bạn”

Hiện nay, Việt Nam là một trong những nước có ngành du lịch cũng như lĩnh vực nhà hàng khách sạn phát triển mạnh, với tốc độ 2 con số mỗi năm. Nhưng so với Thái Lan chẳng hạn, lượng du khách đến Việt Nam chưa nhiều. Tiềm năng cho ngành này vẫn còn rộng mở. Tôi cho rằng, trong tương lai, các nhà đầu tư thế giới, những thương hiệu lớn quốc tế sẽ còn vào Việt Nam. Vấn đề của những người làm công tác quản lý khách sạn là phải làm sao đào tạo một đội ngũ nhân sự cấp quản lý, đội ngũ phục vụ đủ tầm, đáp ứng yêu cầu của khách để tạo ưu thế cạnh tranh.

– Theo ông, một thế hệ mới, chuyên nghiệp làm việc trong lĩnh vực nhà hàng khách sạn cần đảm bảo những yêu cầu gì?

Như tôi đã nói ở trên, ngành nhà hàng khách sạn đòi hỏi sự tỉ mẩn, cận thận trong từng chi tiết. Do đó, để làm được công việc này, nhân sự phải là người chịu thương chịu khó, có tính tình cởi mở, thân thiện, để dễ dàng tiếp nhận những cái mới. Đây là ngành có tốc độ thay đổi rất nhanh, đòi hỏi nhân sự trong ngành phải thường xuyên học hỏi và cập nhật những xu thế mới.

Để làm được điều đó, tinh thần cầu thị là yếu tố cần có. Bên cạnh đó, việc trau dồi ngoại ngữ là hết sức cần thiết. Ngoại ngữ ở đây không chỉ là tiếng Anh, mà còn nhiều ngôn ngữ khác như Pháp, Nhật, Hàn, Nga, Trung… Nếu không giỏi ngoại ngữ, bạn sẽ không học được những điều mới từ các quốc gia khác. Bạn cũng sẽ dễ bị hiểu sai khi giao tiếp dẫn đến phục vụ không sát sao với nhu cầu của từng đối tượng khách hàng.

Theo enternews

 


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: