Đêm mùa đông Sài Gòn se lạnh giúp việc thưởng thức cái nóng, cay của món ăn khiến bạn như đang ở thành phố sương mù. Một phần bánh mí xíu mại khá đơn giản nhưng đầy đủ hương vị. Có cách chế biến, nguyên liệu đơn giản cùng mức giá bình dân, song vị cay, nóng của xíu mại trong cái lạnh của Đà Lạt luôn có sức hấp dẫn nhất định. Cũng từ đó, xíu mại Đà Lạt trở thành một trong những món du khách phải thử khi đến thành phố hoa. Du nhập xuống Sài Gòn trong một con hẻm nhỏ trên đường Cống Quỳnh do cô chủ gái trẻ người Đà Lạt bán, món ăn này nhanh chóng được lòng thực khách mọi thành phần, lứa tuổi. Tuy hương vị món ăn không thay đổi, song cái nóng và sự nhộn nhịp của một thành phố không ngủ khiến độ ngon của nó cũng ảnh hưởng ít nhiều. Một phần xíu mại Đà Lạt hơi ít nhưng đủ chất và lượng. Da heo giúp tăng vị béo cho món ăn. Một phần xíu mại dọn cho khách khá đơn giản với vài viên xíu mại điểm thêm miếng da heo luộc trong chiếc chén be bé; ổ bánh mì, vài cọng rau ngò, dưa leo xắt mỏng và cà rốt bào sợi cùng hũ ớt xào cay xé. Đừng quên thưởng thức bánh bèo, bạn sẽ phát hiện phần nhân của nó khác hẳn với các địa phương khác. Thành phần sơ sài của món ăn khiến những thực khách lần đầu thưởng thức “coi thường”. Khi miếng bánh mì giòn tan, nóng hổi, ngậm đủ nước dùng cay nóng hay khi cắn ngập răng trong viên xíu mại dai mềm, mọi nghi ngại dường như chấm dứt, nhường cho những cái xuýt xoa vì cay, vì nóng và vì ngon. Dù ngon, song số lượng “hơi hẻo” nên món ăn này chỉ được xem như bữa lót dạ nhẹ trước bữa cơm chiều hay trước khi chìm vào giấc ngủ sau một ngày dài mệt nhọc. Ngoài xíu mại, quán còn có bánh bèo Đà Lạt, bánh mì xíu mại mang đi và bánh mì ốp la. Quán bán từ 15h – 20h30 hàng ngày và nghỉ vào chủ nhật. Giá bánh mì xíu mại: 15.000 đồng. Bánh bèo 5.000 đồng/chén. Địa chỉ: Hẻm 189 Cống Quỳnh, Q. 1, TP.HCM Nguồn: Huỳnh Hằng/ zing.vn