Sài Gòn xưa và Câu chuyện về những chiếc Xe Lam


Thập niên 60 của thế kỷ trước, đặt chân đến Sài Gòn ai mà không bị “hớp hồn” bởi một đô thành phồn hoa đô hội bậc nhất với những đại lộ thênh thang, dập dìu xe cộ nhưng rất thông thoáng. Phương tiện đi lại trên đường phố Sài Gòn chủ yếu là xe đạp – xe gắn máy chỉ có vài loại phân khối nhỏ (50cc trở xuống) như Honda Damme dành cho nữ, Honda SS67 dành cho nam; xe máy đạp có Vélo Solex, Mobylette… 

Tản mạn với xe buýt giữa Sài Gòn

Thú chơi xe cổ của người Sài Gòn

Đặc trưng của phương tiện giao thông công cộng ở Sài Gòn lúc này ngoài xe xích lô “truyền thống” chỉ có thể là xe lam. Loại xe chở khách ba bánh Lambro 550 và Lambretta. Hồi đó lộ trình xe lam giăng kín Sài Gòn như xe buýt sau này, nhưng điểm khác biệt của xe lam là không có trạm dừng cố định cho khách lên xuống. Ai muốn đi xe lam cứ việc ra sát vệ đường vẫy tay đón. Xe dừng lại bất cứ chỗ nào cho khách xuống!

Xe lam bắt nguồn từ tên gọi của dòng sản phẩm Lambretta của Italia, là một phương tiện giao thông công cộng phổ biến ở Việt Nam từ rất lâu, phổ biến tại miền Nam từ thập niên 60, dành cho người lao động bình dân.

Xe lam là loại xe thùng nhỏ có 3 bánh xe, gồm một cabin cho tài xế ngồi lái phía trước và một thùng xe để chở khách hay chở hàng phía sau. Tên gọi này có nguồn gốc từ các dòng xe 3 bánh Lambretta FD (dung tích xy lanh 123 và 150 cc), FLI (175 cc) và sau đó là Lambro 200, 550 (đều 198 cc) của hãng Innocenti, Italy. Các dòng xe này lần lượt được nhập vào miền Nam Việt Nam từ đầu thập niên 1960 để thay thế xe ngựa thồ vẫn còn được lưu hành vào khoảng thời gian đó.

Trong số gần 35.000 chiếc Lambro 550 xuất xưởng thì có 17.000 chiếc được xuất sang thị trường Thổ Nhĩ Kỳ và Việt Nam.

Các xe này được nhập ở dạng không đóng thùng, và tuỳ công năng chở người hay chở hàng sẽ được đóng thùng sau khi nhập. Bên cạnh đó, một số xe có kiểu dáng tương tự nhưng của các hãng khác (như Vespa…), ít gặp hơn, cũng được gọi là xe lam.

Giá một chiếc xe lam vào thập niên 60 khoảng 30 cây vàng nhưng đem lại nhiều lợi nhuận cho người chủ xe (theo lời 1 chủ xe: “Chạy một ngày, ăn cả tháng chưa hết”).

Đặc biệt, sau khi đất nước thống nhất năm 1975, các phương tiện cơ giới khác bị thiếu xăng hoặc thiếu phụ tùng thay thế không sử dụng được, thì xe lam được dùng làm phương tiện phổ biến rẻ tiền và bước vào thời vàng son.

Lúc đó, chỉ riêng thị xã Biên Hòa, có 6 hợp tác xã xe Lam với khoảng 1.000 đầu xe đăng ký chở khách chính thức, với hàng triệu lượt khách mỗi năm, vì vậy mà có thời Biên Hòa được ví như là “thủ phủ xe lam”. Sau này, xe được đem ra và phổ biến cả ở miền Bắc Việt Nam.

Xe Lam ngày nay bị hạn chế sử dụng lưu thông và từ từ bị cấm hẳn do đã quá cũ kỹ. Tuy nhiên, trong mỗi ký ức lịch sử Sài Gòn, Xe Lam luôn là một trong những biểu tượng đầy tự hào của những người con Nam Bộ trong cuộc sống đô thị của Sài Gòn xưa..

Thiết kế của xe lam chở khách khá đặc biệt, chia làm hai “toa” hẳn hoi.

Phần đầu xe là nơi tài xế ung dung ngồi một mình để cầm cái càng lái giống như ghi-đông xe gắn máy, mặc dù chở tới cả chục người nhưng xe lam cũng vô số tay như xe hai bánh Lambretta. Dưới ghế ngồi của bác tài là thùng chứa máy xe, hễ xe chết máy hay “xịch đụi” là bác tài phải nhảy xuống đường mới giở yên lên được rồi dùng một sợi dây thừng kéo cho máy nổ (giống như vận hành máy phát điện gia đình) hoặc tra dầu, chùi bu-gi cho máy xe. Lúc đông hành khách, “toa” sau hết chỗ, bác tài cũng sẵn sàng ngồi thu gọn lại ngay giữa yên để có thêm chỗ cho vài ba vị khách ngồi ké vào hai bên, vai kề vai với tài xế rất thân tình. Vô số chuyện tiếu lâm được sáng tác từ thiết kế “buồng lái mở” độc đáo này. Điển hình là chuyện sau: trên chuyến xe lam đông khách, hai bên bác tài là hai bà khách sồn sồn đang ngồi kề vai tựa vế, bỗng đâu xe “pan” (chết máy), bác tài nói: “Hai bà xuống cho tui đạp máy cái coi”, là người miền Nam nên bác tài phát âm “đạp máy” giống như “đạp mái” khiến hai bà hàng bông sửng cồ tru tréo: “Tổ cha ông chớ… giữa đường giữa sá mà đòi đạp mái!”.

Thùng xe phía sau chở được khoảng 8 đến 10 hành khách. Khách ngồi trên hai hàng ghế dài đặt dọc theo thùng xe, song song nhau. Nếu hai người đối diện đều “chân dài” thì bốn đầu gối thế nào cũng đụng nhau lốp cốp mỗi khi xe lam thắng gấp, không muốn khua thì hai cặp giò phải lồng so le vào nhau trông rất “âu yếm”, khéo liên tưởng một chút thì chẳng khác gì cảnh “nóng” trong phim ảnh! Có bữa “hên”, tôi – cậu học trò đệ nhứt cấp (cấp hai) tình cờ được ngồi “so le đầu gối” với mấy cô nữ sinh diện áo dài quần lụa trơn mát, cảm giác rất… biết ơn xe lam! “Hên” nữa, có hôm tôi ngoắc nhằm chuyến xe lam đầy nhóc khách, chú bé lơ xe nhanh nhảu hô to: “Bà con khép chân vô giùm” rồi nhét tôi ngồi ở khoảng trống hiếm hoi giữa hai hàng ghế, nơi có những cặp đùi thiếu nữ mát rười rượi không biết cất đi đâu, thế là khách cứ ngây ngất mơ cho chuyến xe lam chạy thật chậm và con đường thì dài vô tận… Nhưng có hôm “đi không coi ngày”, vớ trúng hai bà bán thịt cá tan chợ đón xe lam về nhà, ngồi “kề vai tựa vế” giữa hai bà chừng vài cây số là bao nhiêu mùi chợ búa đã lây sang hết quần áo của mình. Không ít lần khách phải ngồi giữa hai hàng gối vế, mặt quay về phía sau xe, chân thò ra ngoài buông thõng xuống mặt đường. Xe lam trữ tình, hài hước và lếch thếch là vậy!

Trong khi dàn đầu của xe lam có bộ dạng giống mặt một chú hề vui nhộn thì ở thùng xe phía sau biết bao câu chuyện “tâm lý – tình cảm – xã hội” lâm ly diễn ra. Lạ là trên cái phương tiện rẻ tiền, dằn xóc, chật ních như xe lam mà cũng nảy sinh được không ít những câu chuyện tình lãng mạn. Chàng trai tình cờ ngồi kề cô gái không quen biết, tức cảnh sinh tình anh bèn ngân nga một bài nhạc bình dân rất nổi tiếng: “Trên chuyến xe lam đông người chiều nao. Xui mình không quen mà ngồi bên nhau. Trời mang nhiều trớ trêu chi. Người chưa hề biết quen gì. Sao ngồi gần như tình nhân si…”. Ngồi sát rạt nhau dễ nảy sinh tình cảm bất ngờ nhưng cũng dễ nảy nở… tệ nạn, nếu chàng mê mẩn hóa ngây ngây dại dại thì coi chừng khi xuống xe cái bóp đã không cánh mà bay theo “người tình lỡ”!

Đi xe lam ngồi thò chân ra ngoài là… bình thường

Sài Gòn – TPHCM phát triển rất nhanh, cứ khoảng chục năm là “xếp xó” một vài loại phương tiện công cộng. Nếu khoảng thập niên 1950 người Sài Gòn vẫn còn thấy xe thổ mộ (xe ngựa) ra vô chợ Bến Thành thì đến những năm đầu 1960 xích lô đạp, xích lô máy là phương tiện vận chuyển thuộc hàng “VIP”. Thập niên 1960 sang đầu thập niên 1970, xe lam cùng taxi chiếm lĩnh đường phố, kế đó là sự xuất hiện của xe buýt… Tưởng xe lam đã trở thành dĩ vãng, nhưng gần đây khi thực trạng giao thông trở nên rối tinh rối mù, đường phố liên tục kẹt cứng thì không ít người đã nhớ đến chiếc xe “vừa trữ tình vừa lếch thếch” một thời. Ở nhiều thành phố trên thế giới, từ bến xe bus hay metro người ta thoải mái đi bộ tới chỗ làm việc hoặc về nhà nhưng ở ta thì vỉa hè đã bị chiếm cứ để buôn bán hoặc dựng xe, việc cuốc bộ rất khó khăn vì phải vượt nhiều “chướng ngại vật”! Các khoảng cách đó cần được nối lại bằng loại xe truyền thống của Sài Gòn trước đây là xe lam. Xe lam có thể len lỏi trong những đường phố nhỏ, chật chội vốn là “đặc sản” của Sài Gòn. Một hãng xe nội địa có thể dễ dàng thiết kế, đóng mới loại “xe lam” chở 8 – 10 người, sử dụng máy xe gắn máy đời mới loại 250 phân khối. Xe buýt lớn sẽ vận chuyển khách ở ngoài khu trung tâm thành phố; còn ở các quận 1, 3, 5, 10, Bình Thạnh, Phú Nhuận… “xe lam đời mới” sẽ dệt mạng lưới chuyên chở từng người dân thành phố đến tận cửa nhà hay đầu hẻm, qua đó giảm đáng kể lượng xe taxi đang tràn ngập… Xe buýt cỡ lớn không vào trung tâm, lượng xe taxi giảm mạnh đồng nghĩa với việc TPHCM có thể “hạ nhiệt” nạn kẹt xe trầm kha lâu nay.

Xe lam Sài Gòn xưa mãi trong kí ức mọi người dân thời bấy giờ

Biết đâu xe lam sẽ trở lại thời hoàng kim! Chỉ tiếc “xe lam đời mới” chắc thiết kế thùng xe rộng rãi hơn nên sẽ không còn cảnh hành khách “kề vai cọ vế” lãng mạn của xe lam truyền thống. Bởi vậy sẽ có nhiều người, giống như tôi, vẫn nhớ làm sao những chuyến xe lam Sài Gòn thập niên 1960!

Theo SaiGonXua


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: