Ngọn đèn dầu ở quán chè vỉa hè Sài Gòn 40 năm chưa một lần tắt


40 năm trước, một góc đường Nguyễn Kiệm tối om được thắp sáng bởi ngọn đèn dầu ở quán chè của ông bà Tư. 40 năm sau, đèn đường đã sáng, đèn xe tấp nập, nhưng ngọn đèn ấy vẫn chưa bao giờ tắt.

Quán chè của ông bà Tư đã tồn tại ngót nghét 40 năm, nằm nhỏ gọn trên vỉa hè đường Nguyễn Kiệm (quận Phú Nhuận, TP. HCM). Gọi là quán nhưng thực sự nó rất đơn sơ với một chiếc bàn nhỏ và một vài chiếc ghế đặt xung quanh. Cứ đến tầm 7h tối, hai ông bà lại cùng nhau đi bộ ra vỉa hè, dọn chè ra để bán, những nồi chè tự tay bà Tư chuẩn bị và đun nấu suốt một ngày, ngọt lịm và thơm phức.

dem-dau-1

Ông bà Tư chậm rãi đẩy xe chè sang vỉa hè bên đường. Trên tay ông cầm ngọn đèn dầu đã 40 năm qua gắn bó với hai ông bà.

dem-dau-2

Ông Tư cùng vợ dọn hàng khi thành phố lên đèn.

Làm bạn với quán chè của ông bà suốt bao năm qua là cây đèn dầu nhỏ nhắn, dù trời nắng hay mưa ngọn đèn ấy vẫn không bao giờ tắt, ánh sáng vàng chiếu ra từ ngọn đèn bao trùm lên quán một không gian ấm cùng. Mọi người quây quần bên nhau cùng thưởng thức những chén chè ngon ngọt, cùng nhau tâm sự, trò chuyện buồn vui.

“Chè đèn dầu” là tên gọi thân mật mà mọi người đặt tên cho quán từ ba năm về trước, chỉ cần nói tên là ai cũng biết vì quán khá nổi tiếng. Cũng có nhiều hôm trời mưa, ông phải kê sát bàn ghế vào trong nên quán vắng khách, chè ế nên bán đến hơn 1h sáng ông bà mới được nghỉ.

dem-dau-3

Những nồi chè xung quanh ngọn đèn dầu của ông bà Tư.

dem-dau-4

Khách đến ăn chè có thể dùng trà nóng được đun bằng bếp củi xưa.

Gần 40 năm qua, con đường đã gắn bó với gánh chè của hai ông bà không thay đổi, chỉ có con người là lớn lên và già đi. Những người đi xa khi có dịp quay về quê hương đều ghé qua đây thưởng thức một chén chè, xuýt xoa trước vị ngọt thân quen và hít hà mùi hương nồng quen thuộc từ ngọn đèn dầu. Trước đây đường xá còn vắng vẻ nên chỉ có ngọn đèn dầu là chiếu sáng, dần dần nhà cửa và nhiều quán xá đuợc xây lên có nhiều bóng đèn nên quán chè của ông bà cũng sáng sủa hơn.

Mặc dù được nhiều người biết đến và ghé qua ủng hộ nhưng ông bà không có ý định tăng giá. Theo lời cô Ngọc – con dâu của ông bà chia sẻ, thời gian đầu một chén chè chỉ có vài trăm đồng, dần dần tăng lên 2.000 đồng theo thời gian rồi ổn định giá là 5.000 cho tới bây giờ.

dem-dau-5

Bà múc chè cho vào bịch nhỏ để cho khách đem về.

dem-dau-6

Một bịch chè chỉ có giá 5.000 đồng.

Có nhiều người thắc mắc và khuyên tăng giá nhưng gia đình không đồng ý. “Nhiều người nói lắm nhưng bà không chịu, bà nói rằng tăng giá lên một vài nghìn cũng không làm cho mình giàu hơn, khách chủ yếu là người quen và nhiều em nhỏ nên giá như vậy là hợp lí nhất” – ông Tư chia sẻ. Gánh chè đã tồn tại một thời gian dài nên có rất nhiều kỉ niệm vui nhưng ông bà không nhớ được hết. Có điều vui nhất là không chỉ có khách quen mà còn rất nhiều người nổi tiếng cũng đã ghé qua và thưởng thức chè nơi đây.

dem-dau-7

Quán chè đèn dầu luôn đông đúc khách mỗi tối.

Ông vui vẻ tâm sự: “Nghệ sĩ cải lương Ngọc Hương, diễn viên Quyền Linh… và còn có cả đạo diễn, nhiều văn nghệ sĩ đã ghé quán ăn chè của ông bà, họ đều khen chè ngon cả”. Hai ông bà đều là người vui tính và chu đáo, mỗi khi múc chè cho khách ông đều lau chén thìa cẩn thận. Dưới mỗi nồi chè bà lại kê thêm bếp lò để chè lúc nào cũng được làm ấm và dậy mùi. Trước đây các cháu trong nhà đều ra phụ giúp bán hàng nhưng bây giờ đều lập gia đình và học đại học nên chỉ còn hai ông bà phụ nhau bán quán.

dem-dau-8

Nhiều đêm ít khách, ông bà phải bán đến tận khuya, vì chè để sang ngày hôm sau sẽ bị hư.

dem-dau-9

Ông Tư tranh thủ nghỉ ngơi rồi phụ vợ bán đến khuya.

Giữa thành phố Sài Gòn hoa lệ, việc tồn tại một quán chè nhỏ với ánh đèn dầu thân quen quả thực là một điều rất giản dị và thân thương, chắc hẳn không có nhiều người nghĩ rằng vẫn còn có những quán chè với giá rẻ như vậy.

Nguồn: Hà Ngân – Ảnh: Q.T / Trí Thức Trẻ


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: