Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước lại tiếp tục có động thái giảm lãi suất trên thị trường tiền tệ. Lãi suất tiếp tục giảm Ngày 30.9 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Quyết định số 1728/QĐ-NHNN với nội dung chính là giảm một loạt các loại lãi suất điều hành. Theo đó, kể từ ngày 1.10, lãi suất tái cấp vốn sẽ được giảm từ 4,5%/năm xuống 4,0%/năm; lãi suất tái chiết khấu giảm từ 3,0%/năm xuống 2,5%/năm; lãi suất chào mua giấy tờ có giá thông qua nghiệp vụ thị trường mở (OMO) giảm từ 3%/năm xuống 2,5%/năm. Đối với trần lãi suất tiền gửi ngắn hạn (dưới 6 tháng), Ngân hàng Nhà nước cũng có Quyết định số 1729/QĐ-NHNN quy định lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng giảm từ 4,25%/năm xuống 4%/năm. Lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng trở lên vẫn do tổ chức tín dụng ấn định trên cơ sở cung – cầu vốn thị trường. Đối với trần lãi suất cho vay ngắn hạn với các lĩnh vực ưu tiên, Ngân hàng Nhà nước cũng ban hành Quyết định số 1730/QĐ-NHNN giảm mức lãi suất này từ 5%/năm xuống 4,5%/năm. Như vậy, kể từ đầu năm đến nay, đây là lần thứ ba Ngân hàng Nhà nước có quyết định giảm lãi suất điều hành với biên độ mỗi lần giảm đều khá lớn (0,5%). Công ty Chứng khoán Bảo Việt cho rằng tác động thực tế tới nền kinh tế của các lần cắt giảm lãi suất điều hành càng về sau càng hạn chế. Lý do là thanh khoản hệ thống ngân hàng kể từ tháng 5 đến nay luôn ở trạng thái tích cực. Điều này khiến lãi suất liên ngân hàng giảm sâu về mức thấp kỷ lục nên các ngân hàng không có nhiều nhu cầu vay vốn qua kênh OMO hay tái chiết khấu từ Ngân hàng Nhà nước. Như vậy, điều này cũng đồng nghĩa với việc giảm lãi suất cho vay qua các kênh vay mượn trên sẽ không có quá nhiều tác dụng trong việc giảm thêm lãi suất. Trong khi đó, đối với trần lãi suất tiền gửi dưới 6 tháng, lãi suất huy động thực tế của các ngân hàng thương mại trên thị trường tại các kỳ hạn này hiện cũng đều dưới 4%/năm, tức dưới mức trần mới mà Ngân hàng Nhà nước ban hành. Theo BVSC, việc lãi suất huy động kỳ hạn ngắn tại các ngân hàng thương mại giảm chủ yếu do thanh khoản dư thừa khi tăng trưởng tín dụng đang ở mức thấp (đến 22.9 mới tăng 5,12%). Tựu chung lại, BVSC cho rằng quyết định giảm lãi suất điều hành thêm 0,5% của Ngân hàng Nhà nước không có quá nhiều tác động đối với mặt bằng lãi suất hiện nay trên thị trường. Động thái này phần nhiều phản ánh nỗ lực đồng hành, hỗ trợ nền kinh tế của Ngân hàng Nhà nước nhằm thúc đẩy tăng trưởng GDP trong quý cuối năm. Về cơ bản, BVSC cho rằng trong bối cảnh hiện nay, chính sách tiền tệ nới lỏng có tác động tương đối hạn chế tới tổng cầu. Thay vào đó, BVSC cho rằng chính sách tài khóa nên đóng vai trò chính trong việc kích thích nền kinh tế. Mối liên hệ với thị trường chứng khoán Về mối quan hệ giữa lãi suất và thị trường chứng khoán, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết biến động của lãi suất trên thị trường tiền tệ tuy có tác động gián tiếp nhưng rất nhạy cảm đến thị trường chứng khoán. Lãi suất tăng sẽ thu hút nhu cầu gửi tiền vào hệ thống ngân hàng vì mức sinh lời khi gửi tiền tăng, khiến cho dòng tiền đổ vào thị trường chứng khoán bị ảnh hưởng. Lãi suất tăng cũng khiến cho lợi suất kỳ vọng trên thị trường chứng khoán phải tăng (nhà đầu tư đòi hỏi lợi suất đầu tư chứng khoán cao hơn). Trong bối cảnh này, giá thị trường của trái phiếu sẽ bị sụt giảm. Mặt khác, lãi suất trong nước tăng cũng có tác dụng thu hút luồng ngoại tệ đổ vào, gián tiếp giúp đồng nội tệ tăng giá và do vậy tác động làm giảm tỉ giá hối đoái. Các doanh nghiệp xuất khẩu trong bối cảnh này sẽ gặp phải khó khăn do hàng hóa xuất khẩu bị đắt lên, đồng thời trước đó đã chịu thêm chi phí vốn vay do lãi suất tăng. Hệ quả là doanh thu của các doanh nghiệp này bị ảnh hưởng, dẫn đến kỳ vọng vào lợi nhuận tương lai của doanh nghiệp bị ảnh hưởng, làm giá cổ phiếu doanh nghiệp trên thị trường sa sút. Tuy nhiên, đối với nhóm doanh nghiệp phải nhập khẩu phần lớn nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất kinh doanh, thì bối cảnh trên lại là lợi thế cho họ. Tuy nhiên do ảnh hưởng của chi phí vốn vay tăng lên, phần lợi thế này có nguy cơ bị triệt tiêu. Và ở trường hợp ngược lại, khi lãi suất giảm, sức hút của kênh gửi tiết kiệm phần nào sẽ suy giảm do mức sinh lời không đáp ứng kỳ vọng. Từ đó, dòng tiền vào thị trường chứng khoán sẽ có xu hướng tích cực hơn. Trên cơ sở phân tích tác động của các loại lãi suất đối với nền kinh tế nói chung và với các nhóm doanh nghiệp nói riêng, nhà phân tích sẽ xác định được bối cảnh tích cực hay tiêu cực cho môi trường đầu tư cũng như khả năng doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp niêm yết. Theo Tài Chính