Thất nghiệp vì Covid-19, người Sài Gòn rủ nhau nấu cơm gửi vào khu phong tỏa


Dịch Covid-19 ập đến làm nhiều người ở TP.HCM thất nghiệp. Thay vì nghỉ ngơi, ở không, trằn trọc cơm áo gạo tiền, nhiều người đến nhà hàng chay Mãn Tự (Q.1, TP.HCM) để phụ nấu cơm phát vào các điểm phong tỏa.

Rau củ luôn tấp nập tại bếp cơm thiện nguyện
ẢNH: VŨ PHƯỢNG

Hình ảnh trước địa chỉ 201 Nguyễn Thị Minh Khai (P.Nguyễn Cư Trinh, Q.1, TP.HCM) liên tục chất đầy rau củ, nhiều người ngồi sơ chế rau từ sáng đến đêm để nấu cơm phát vào các điểm phong tỏa vì dịch Covid-19 được chia sẻ. Bất ngờ hơn, nhiều người tham gia cũng vì Covid-19 mà thất nghiệp.

“Ở không mà làm gì ?”

Đây là bếp ăn thiện nguyện hoạt động suốt 2 tháng qua tại TP.HCM. Bắt đầu với 1.000 phần ăn từ kinh phí quán tự bỏ ra. Chỉ sau ít ngày, dịch Covid-19 phức tạp, các điểm phong tỏa ngày càng nhiều, bà con khắp nơi chung tay, số suất ăn bếp nấu phát đi cũng đã lên tới hơn 7.500 phần. Người góp tiền, người góp sức, cứ vậy, những phần ăn với đầy tình yêu thương được chở đi khắp Sài Gòn.

Ngồi trên vỉa hè, anh Lê Quang Tuấn (32 tuổi, ngụ Q.Bình Thạnh) cặm cụi cắt xà lách. Trước dịch, anh Tuấn làm thợ đóng, sửa tàu biển. Dịch ập đến, anh thất nghiệp. Sau khi được bạn bè giới thiệu, anh đến bếp ăn xin góp sức trong những ngày nghỉ dịch. Anh Tuấn nói: “Dịch không có việc, ở nhà ngồi không cũng không làm gì nên tôi đến bếp ăn để phụ chuyện bếp núc. Chẳng khá giả gì, nhưng tằn tiện chi tiêu vẫn đủ sống nên tôi không bị quá nặng chuyện cơm áo gạo tiền. Mùa Covid-19 này được chung tay giúp những người có hoàn cảnh khó khăn, khu cách ly mình cũng vui nữa”. Ở nhà, thỉnh thoảng anh mới vào bếp khi vợ tăng ca về trễ, nên ngay khi anh nói đi góp sức cho bếp ăn từ thiện, vợ anh không tin nổi. “Thấy đi riết mới xuôi xuôi”, anh cười kể.

Anh Nguyễn Tuấn Lĩnh (40 tuổi) chủ yếu phụ khuân vác, vận chuyển, phát cơm, lái xe đến các điểm phong tỏa. Trước đây, anh Lĩnh làm kinh doanh bất động sản và nông nghiệp. Vì dịch, mọi công việc của anh đều bị ngưng lại. Để không lãng phí thời gian, cả ngày anh đến bếp ăn thiện nguyện góp sức cùng mọi người. Cũng thất nghiệp, chị Hứa Mỹ Thuận (39 tuổi, Q.8) mới biết đến bếp ăn thiện nguyện qua mạng xã hội, 2 ngày nay đã chạy xe mỗi ngày 1 tiếng cả đi cả về để xắn tay vào làm. Chị bộc bạch: “Mình giúp được gì thì cứ giúp, người có của giúp của, mình có sức giúp sức, mỗi người giúp một ít chứ cứ ở không hoài cũng buồn lắm”.

Nhiều người thất nghiệp như anh Quang Tuấn đến bếp ăn góp sức cả tháng nay

7.500 phần cơm/ngày gửi khắp Sài Gòn

Chị Đỗ Thị Ngọc Phượng (39 tuổi, đại diện bếp ăn thiện nguyện) cho biết, ngoài nấu hơn 7.500 phần ăn mỗi ngày gửi đến các điểm phong tỏa, bếp ăn còn chia sẻ hơn 20 tấn rau/ngày cho các bếp thiện nguyện khác, gửi vào chùa hoặc trực tiếp phát cho bà con trong khu phong tỏa.

Để chuẩn bị được số phần cơm “kỷ lục” trên, nhóm bắt đầu công việc từ 5 giờ 30 sáng và kết thúc khi đồng hồ đã điểm sang ngày mới. Có hôm, nhóm phải chuẩn bị sẵn rau củ từ 1 – 2 giờ sáng cho một ngày nấu ăn. Số lượng xe chở các phần ăn, rau củ đến khu phong tỏa có hạn nên nhiều phường chủ động cho xe đến bếp để nhận các phần ăn, rồi chở đến phát cho người dân trong đấy. “Để hoạt động được chính danh, đến đúng điểm cần, chúng tôi đã xin ý kiến của chính quyền nơi đó, chính quyền đồng ý rồi chúng tôi mới đem phần đó đến”, chị Phượng kể.

Từng bị cách ly 14 ngày, chủ quán Mãn Tự hiểu cảm giác chia sẻ nên chị quyết tâm duy trì bếp ăn để động viên bà con trong những ngày bị cách ly. Cách đây vài hôm, một phụ nữ đã mang 100 triệu đồng tiền mặt đến trao tận tay để ủng hộ hoạt động của bếp. “Cũng có một bạn ở bên Nhật vừa gửi cho mình 30 triệu đồng. Ngoài ra, rất nhiều người khác cũng ủng hộ bếp ăn bằng nhiều cách…”, chị xúc động chia sẻ.

Đại diện Ủy ban MTTQ Việt Nam P.Nguyễn Cư Trinh cho biết, từ khi TP có các điểm phong tỏa, bếp ăn thiện nguyện Mãn Tự đã nấu cho rất nhiều điểm ở khắp TP. Riêng với phường, bếp hỗ trợ 650 phần ăn/ngày, phường được hỗ trợ các nhu yếu phẩm cũng gửi qua đây để chung tay cùng bếp ăn.

Theo Thanh niên Online


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: