Xóm mù hình thành từ năm 1966 bên dòng kênh Nước Đen với gần 60 gia đình từ khắp nơi tụ họp về. Đa số gia đình kiếm sống bằng nghề làm chổi, làm bàn chải, bán vé số. Năm 2003, kênh Nước Đen giải tỏa bị giải tỏa, một số hộ chuyển đi các nơi như Củ Chi, Hóc Môn… tái định cư, phần lớn các hộ còn lại vẫn ở lại, thuê nhà trọ quanh xóm cũ. Xóm người mù tập hợp những cư dân định cư bên cạnh nghĩa trang Bình Hưng Hoà, sống trong tăm tối, thầm lặng. Họ là những con người phải chịu nhiều thiệt thòi, bất hạnh khi không bao giờ nhìn thấy ánh mặt trời. Cuộc sống của họ trôi đi âm thầm và lặng lẽ trong bóng đêm. Điều may mắn ở xóm người mù là thế hệ sau khi sinh ra đều lành lặn và cố gắng phấn đấu học để mong thoát khỏi cái nghèo, giúp đỡ cha mẹ. Điển hình là 2 người con của vợ chồng mù Hoàng Thị Mỹ. Cả 2 đều đã tốt nghiệp trường Cao Đẳng Kinh Tế TP. Hồ Chí Minh và đã xin được việc làm. Trẻ con nơi đây cũng không được như những đứa trẻ khác. Những ngày được nghỉ học, chúng lại lang thang phụ giúp bố mẹ rong ruổi trên những con phố để bán vé số. Tuy cuộc sống khổ cực như vậy, nhưng trên gương mặt của chúng vẫn toát lên vẻ hồn nhiên và nụ cười ngây thơ. Trẻ em ở xóm người mù không giống như trẻ em ở những nơi khác. Các cháu không được quần áo, giày dép, đồ chơi, nhưng dù bữa đói bữa no, lúc nào nụ cười hy vọng cũng nở trên môi các cháu. Căn nhà xập xệ đầu xóm là nơi trú ngụ của bà Nguyễn Thị Kim Cúc (55 tuổi), bị mù từ lúc lên 3 tuổi, nay đang phải chống chọi với căn bệnh thái hóa khớp gối. Hiện tại, bà đang sống cùng đứa cháu ngoại đang học lớp 10, và một người bạn cũng bị mù trong căn nhà trọ nhỏ hẹp. Bà cười buồn, chia sẻ: “Hằng ngày, tôi thức dậy từ lúc gà gáy, rồi đi bán vé số tới 9- 10h đêm mới về”. Bà Cúc chia sẻ về số phận của mình. Ngay kế bên là nhà của bà Nguyễn Thị Lài (68 tuổi). Hoàn cảnh của bà càng bi đát hơn. Không thấy đường và đã già yếu, nhưng hằng ngày bà phải lê lết đi bán từng gói tăm để lo tiền nhà, tiền ăn hàng tháng. Bà Lài cho biết, lúc lên 5 tuổi, một bên mắt bà bị u, vì đi mổ quá muộn nên không cứu được. Dần dần, mắt còn lại của bà cũng không nhìn thấy gì nữa. Năm 18 tuổi, bà lấy chồng và sinh được ba đứa con. May mắn là các con của bà đều lành lặn. “Tôi tàn tật, chẳng chăm sóc, lo cho chúng nó đầy đủ, chẳng được học hành đến nơi đến chốn. Lớn lên bọn nó lấy chồng xa, đều nghèo nên chẳng giúp gì được. Nhưng tôi còn sức, còn đi bán được, chỉ mong tụi nó hạnh phúc là mừng lắm rồi”. Bà Lài bị u mắt lúc 5 tuổi và không còn nhìn thấy ánh sáng gì cho đến bây giờ.Dù cái nghèo, cái đói đeo đẳng, nhưng mọi người ở xóm người mù đều rất ý thức lo cho con cái học hành đàng hoàng. Khi nhắc tới thế hệ sau, khuôn mặt mọi người đều trở nên rạng rỡ và ánh lên vẻ mong chờ. Ai cũng hi vọng bọn trẻ sẽ thành tài, sẽ thoát khỏi cảnh sống nghèo khổ, tăm tối mà ba mẹ bọn chúng đang phải chịu đựng. Bà Châu có đứa cháu năm nay lên lớp 2. Bà chia sẻ: “Thế hệ của chúng tôi coi như bỏ đi rồi, sống cũng chả được bao nhiêu năm nữa. Chúng tôi chỉ hi vọng bọn trẻ được học hành đàng hoàng. Tương lai sẽ giúp ích cho gia đình và xã hội”. Theo Hải Âu / Trí Thức Trẻ