Dù ngành du lịch có dấu hiệu khởi sắc, nhiều hướng dẫn viên vẫn thấp thỏm trước tình hình dịch bệnh hiện tại. Họ mong sớm được quay lại công việc với 100% công suất. Trước thông tin hoạt động du lịch sẽ mở cửa trở lại từ 15/3, Lê Hoàng (29 tuổi, Hà Nội) chưa mấy hào hứng. Nam hướng dẫn viên du lịch vẫn còn e ngại vì dịch bệnh diễn biến khó lường. Thay vì đầu tư nhiều công sức và tiền bạc để dẫn tour truyền thống, anh quyết tâm tiếp tục theo đuổi virtual tour (dẫn tour trực tuyến). 2 năm qua, sau khi mất đi 99% lượng công việc vì dịch, anh buộc phải tìm đến loại hình giới thiệu cảnh quan trước máy quay để “sống sót” qua thời gian khó khăn. “Hiện các tour truyền thống có tín hiệu trở lại nhưng còn yếu, đa phần khách nước ngoài có tâm lý dè chừng khi tới Việt Nam du lịch. Tôi tạm thời vẫn làm virtual tour, chờ đợi cơ hội khả quan hơn”, Hoàng chia sẻ cùng Zing. Lê Hoàng vẫn tiếp tục dẫn tour trực tuyến trong khi chờ ngành du lịch hồi phục tích cực hơn. Hướng dẫn viên e ngại Nhiều tháng qua, thị trường du lịch trong nước đã sôi động hơn sau 2 năm im lặng, đìu hiu khi cuộc sống dần bước vào trạng thái bình thường mới. Đó là tín hiệu tích cực với nhiều công ty du lịch nhưng chưa đủ hấp dẫn với các hướng dẫn viên như Hoàng. Theo anh, khác với du khách quốc tế, khách trong nước ít có nhu cầu cần hướng dẫn viên. Cơ hội việc làm của anh vì thế vẫn như một cánh cửa hẹp. “Tôi hơi dè dặt khi nghĩ đến tour truyền thống do số ca mắc Covid-19 mới vẫn tăng, quy định phòng dịch có thể thay đổi đột ngột. Song, tôi sẽ xem xét tình hình để dần xây dựng những gói tour truyền thống, kết nối với các công ty nước ngoài. Tôi mong khi dịch bệnh hạ nhiệt, du khách nước ngoài sẽ tìm đến tôi để thực hiện những chuyến đi ở Việt Nam”, Hoàng nói. Anh Hoàng cho biết do lượng khách quốc tế ít, công việc của các hướng dẫn viên du lịch cũng chưa hồi phục đáng kể. Giống như Lê Hoàng, nữ hướng dẫn viên Hoàng Anh (29 tuổi, ngụ quận 7, TP.HCM) cũng khá e ngại dù thị trường du lịch đang có chiều hướng “ấm lên”. Theo cô, ngành du lịch đang rục rịch trở lại, song chưa ổn định. Cô nhận thấy du khách thường chuộng những chuyến đi ngắn trong 1-3 ngày với điểm dừng phổ biến chỉ cách TP.HCM khoảng 200-300 km như Nha Trang, Đà Lạt, Mũi Né… Nguyên nhân đằng sau tình trạng này là tình hình dịch bệnh ở một số địa phương còn phức tạp. “Thực tế, nhiều khách hàng vẫn có tâm lý dè chừng, ngại du lịch thường xuyên nên số lượng tour tôi nhận chưa phục hồi về mức trước thời điểm dịch. Bản thân tôi cũng đắn đo nếu trong đoàn đột nhiên có người mắc Covid-19, hoặc các dịch vụ ở điểm đến chưa hoạt động…”, cô nói. Hoàng Anh cho biết trong 6 năm làm việc trong ngành du lịch, 2 năm qua là thời điểm khó khăn nhất của cô và các đồng nghiệp. Kể từ đầu năm 2020, cô chỉ cố gắng duy trì một vài tour ngắn ngày để cầm chừng. Song, cô buộc phải chuyển sang làm văn phòng, bán hàng online khi chưa thể dẫn đoàn du lịch. “Không riêng tôi, toàn bộ nhân sự ngành du lịch – khách sạn đều chịu ảnh hưởng nghiêm trọng. Đa số bạn bè của tôi đã thất nghiệp 2 năm nay. Có một số người chuyển ngành, cũng có người chạy ship, bán hàng online hoặc về quê vì không thể cầm cự”, Hoàng Anh kể. Sau giãn cách xã hội, Hoàng Anh đã dẫn 2 tour du lịch trải nghiệm để lấy lại cảm hứng với nghề. Từ khi TP.HCM dỡ bỏ lệnh giãn cách xã hội, Hoàng Anh đã dẫn tour cho một nhóm du khách theo lịch trình và một đoàn du lịch trải nghiệm tới Tà Năng – Phan Dũng. Bên cạnh đó, nữ hướng dẫn viên du lịch tự do này cũng một mình xách balo đi khám phá Nam Cát Tiên (Đồng Nai), leo núi Tà Xùa (Yên Bái) khi việc di chuyển đã thuận tiện, an toàn hơn. Sau khoảng thời gian khó khăn, cô bày tỏ sự lạc quan khi ngành du lịch đang có xu hướng hồi phục, đường bay quốc tế được nối lại. Nữ hướng dẫn viên cho biết một số đồng nghiệp của cô đã nhận tour trở lại, lượng khách cũng tăng nhẹ so với ban đầu. “Tôi nghĩ chỉ trong 1-2 tháng tới, ngành du lịch sẽ dần khởi sắc. Tôi hy vọng sớm được làm việc với 100% công suất trở lại, đi đến các miền đất mới và gặp gỡ những người bạn mới sau 2 năm khó khăn”. Sau khoảng thời gian khó khăn, các hướng dẫn viên du lịch bày tỏ sự lạc quan khi ngành du lịch đang có xu hướng hồi phục, đường bay quốc tế được nối lại. Ảnh: Thanh Đức. Doanh nghiệp du lịch hào hứng Trong khi các hướng dẫn viên e dè, một số doanh nghiệp, đơn vị lữ hành lại tỏ ra khá hào hứng trước sự chuyển biến tích cực của thị trường. Nguyễn Quyết, giám đốc một doanh nghiệp du lịch tại Hà Nội, cho biết chỉ vừa hết Tết Nguyên đán, công ty đã nhận khá đông khách hàng. Hầu hết là những đoàn lớn với số lượng trên 100 người/đoàn. “Mọi năm, bên tôi thường không có nhiều khách vào tháng đầu tiên của năm mới. Thế nhưng năm nay, lượng khách tìm đến chúng tôi lại đông hơn rất nhiều. Đây là động lực để chúng tôi lạc quan hơn, hy vọng một năm 2022 bùng nổ ở giai đoạn hè”, Quyết chia sẻ cùng Zing. Theo anh, sau Tết Nguyên đán, các nhóm du lịch ít người thường có xu hướng đi chặng xa hơn. Ví dụ, du khách sinh sống tại khu vực miền Nam sẽ thích bay ra miền Bắc để đi tuyến Đông – Tây Bắc và ngược lại, du khách ngoài miền Bắc lại lựa chọn đến các vùng biển phía Nam như Nha Trang, Phú Quốc… Còn những nhóm du khách đông hơn thường ưu tiên những chuyến đi ngắn ngày, gần trung tâm Hà Nội như Ninh Bình, Hòa Bình, Phú Thọ, Vĩnh Phúc… “Với khối lượng công việc khá lớn như hiện tại, chúng tôi vẫn có thể đảm bảo về nhân sự tại nhà cũng như nhân sự đi tour. Một phần do chúng tôi vẫn có lượng hướng dẫn viên và cộng tác viên khá đông, phần khác đây chưa phải mùa du lịch sôi động nhất trong năm. Sang mùa hè, bài toán nhân sự có lẽ sẽ khá khó khăn với chúng tôi”, Quyết bày tỏ. Sau Tết Nguyên đán, doanh nghiệp của anh Quyết thường nhận dẫn tour cho các đoàn lớn trên 100 người. Dù rất phấn khởi trước những tín hiệu tích cực của ngành du lịch, Quyết vẫn khá lo lắng bởi tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn còn phức tạp. Anh cho biết riêng trong ngày 21/2, công ty mình đã phải tạm dừng nhận nhiều đoàn du khách. Số lượng ca nhiễm tăng cao tại Hà Nội khiến anh lo ngại nguy cơ phải hủy chuyến, đồng thời tâm lý khách hàng không thoải mái. “2 năm vừa qua đúng là ác mộng đối với các công ty làm du lịch, sự kiện. Đặc biệt vào 2021, chúng tôi không có công việc nhưng vẫn phải tìm cách giữ chân các bộ phận, nhân sự chính. Không riêng chúng tôi, hầu hết công ty du lịch khác đều quá khó khăn. Họ phải chi ra lượng tiền không nhỏ để duy trì nhân sự, văn phòng, kho bãi… Tôi mong đây sẽ là đợt dịch cuối cùng để ngành du lịch của tôi có thể hoạt động trở lại an toàn, ổn định”, Quyết cho hay. Theo Zing News