Vui buồn nghề vá xe di động


Gần đây, trên khắp các nẻo đường tiếp giáp với vùng ven TP.HCM xuất hiện nhiều người hành nghề vá xe di động. Họ “bắt khách” thông qua số điện thoại mà họ treo, dán ở đâu đó, có thể là trên đọt cây, cũng có thể là người quen thông báo.

Làm chơi ăn thiệt

va-xe-di-dong

Ông Nguyễn Văn Nguyên (P. An Lạc, Q. Bình Tân) đến với nghề vá xe di động cũng rất tình cờ. Ông Nguyên nhớ lại: “Trước đây tôi làm công nhân bốc vác ở chợ Bình Điền. Lần đi làm sớm, không may xe bị thủng xăm, dắt xe đi gần hai cây số mà không có chỗ vá. Rút kinh nghiệm, tôi mua đầy đủ đồ nghề vá xe mang theo khi đi làm. Cứ nghĩ sẽ lo cho mình nhưng khi gặp ai đó lâm vào cảnh ấy tôi không thể không ra tay giúp đỡ. Có hôm trên đường đi làm về tôi vá đến 2, 3 lỗ. Mình chỉ mong lấy tiền keo dán là đủ nhưng người ta trả tiền còn nhiều hơn mình mong đợi”. Năm 2007, sau khi nghỉ việc ở chợ Bình Điền, ông Nguyên chuyển sang chạy xe ôm kiêm hành nghề vá xe di động.

Một buổi chiều trung tuần tháng 10, tôi cho xe chạy về hướng quốc lộ 1A, đến đoạn P. Thạnh Lộc, Q. 12, nơi được nhiều người hành nghề vá xe di động cho là địa bàn làm ăn khá nhất. Chạy được một đoạn, tôi dừng lại giả vờ xem hai lốp xe. Ngay lập tức, một thanh niên trờ tới nói một tràng: “Xẹp hả, đẩy sát vô lề đi tui vá cho, 8.000 đồng/ lỗ vá chứ không chém như người ta đâu”. Khi thấy cả hai bánh xe không có vấn đề gì, người thanh niên lại lên xe nổ máy và không quên gửi lời nhắn: “Mai mốt đi qua đây, xăm xe có thủng thì gọi theo số điện thoại 0909341…”.

Ghé vào quán nước mía ven đường, cách đó chừng 2 km, tôi thử gọi vào số máy mà người thanh niên vừa cho để báo rằng cần vá xe. Chừng vài phút sau, người thanh niên ấy đã có mặt, đảo qua đảo lại mấy vòng để tìm nhưng không có. Sợ bị anh ta phát hiện, tôi nép sau chiếc xe nước mía. Để không mất thời gian, anh ta quay đi cứ như “sự cố” ấy đã xảy ra với anh rất thường xuyên và xem như một việc bình thường.

Ở ngã tư Bình Chánh, có khoảng chục người hành nghề xe ôm, trong đó có hơn phân nửa người kiêm luôn nghề vá xe di động. Đặc điểm dễ nhận biết họ làm nghề vá xe di động là có cái túi đồ nghề treo trên xe. Tôi làm quen với người trẻ nhất trong số ấy, đó là anh Thành, quê ở Bến Cát, Bình Dương. Sau vài câu xã giao, chuông điện thoại anh Thành reo, dường như có ai đó đang cần vá xe. Không kịp chào, anh Thành cho xe lao nhanh về hướng cầu Ông Bé. Để có thêm tư liệu cho bài viết, tôi cũng chạy theo sau anh. Khi nhìn thấy người cần vá xe phía bên kia đường, từ xa anh Thành cho xe qua đường và ra hiệu cho người ta thấy rằng người vá xe đã đến. Năm phút sau, lỗ vá đã hoàn thành, anh Thành nói: “Xe chị bị một lỗ do cấn đá dăm”. Tôi chen vào: “Có chắc không, lỡ còn thì sao?”. Câu hỏi của tôi khiến chủ nhân của chiếc xe có vẻ lo lắng. Anh Thành bảo: “Tôi bao luôn, nếu bị nữa chị cứ gọi cho tôi, tôi vá không lấy tiền nhưng chị nên thay cái vỏ xe đi là vừa, nó mòn lắm rồi”. Mỗi lỗ vá anh Thành lấy từ 7 ngàn đến 20 ngàn đồng. Sở dĩ có sự chênh lệch giá cao như vậy, anh Thành giải thích: “Tùy vào khoảng cách xa hay gần, công nhân hay người lao động trí thức”.

Và những chuyện vui buồn

Phần lớn người làm nghề vá xe di động “bắt khách” thông qua số điện thoại mà họ treo ở đâu đó, có thể là trên đọt cây ven đường hoặc nhờ những người bán hàng quanh đó báo giúp. Họ làm ăn rất sòng phẳng, có người thì trả lại tiền điện thoại cho người báo, cũng có người chỉ đến đó mua thuốc lá hay uống cà phê để gọi là có qua có lại.

Mời tôi điếu thuốc lá, anh Thành nói như đã tìm được một người để chia sẻ những buồn vui trong công việc. “Tôi đi làm cái nghề này cũng chịu không ít điều tiếng, nhất là những người trong khu nhà trọ. Họ bảo tôi làm công việc thất đức”. Thấy tôi ngẩn tò te, anh Thành tiếp: “Người ta đặt điều nói tôi đi ra đường rải đinh rồi vá xe kiếm tiền”. Anh phản ứng thế nào? Tôi hỏi. Anh Thành im lặng, có lẽ trước những lời nói đặt điều kia anh cũng im lặng như thế.

Anh Tiến (nhà ở đường Phạm Hùng, quận 8), người có thâm niên trong nghề vá xe di động lên đến 5 năm. Từ khi đại lộ Nguyễn Văn Linh đưa vào hoạt động cũng là lúc anh Tiến vào nghề. Ban đầu vợ chồng anh Tiến chỉ ra đây bán thuốc lá và xăng lẻ. Hàng ngày chứng kiến nhiều người đi xe phải đẩy bộ nhiều cây số tìm chỗ vá, anh Tiến nảy ra ý định mua sắm đồ nghề để làm. Trong số những người mà tôi tiếp xúc, anh Tiến làm việc cẩn thận hơn. Anh luôn mang theo bên mình chiếc thau nhựa để lấy nước ao, kênh lên thử xăm. Anh Tiến cho biết: “Thu nhập mỗi ngày từ công việc này không nhiều nhưng biết dành dụm cũng đủ mua gạo cho 4 miệng ăn”. Trong thời gian làm nghề này, anh gặp không ít khách hàng “ba trợn”. Anh Tiến tâm sự: “Thấy xe họ bị thủng, mình đến vá nhưng không ít người nghĩ rằng mình chính là người làm xe họ bị thủng, điều này thể hiện qua ánh mắt, cử chỉ và lời nói của họ. Buồn lắm”.

“Công việc nào cũng có cái sướng, cái khổ riêng của nó. Có khi nửa đêm đang ngon giấc chuông điện thoại reo cũng phải dậy đi. Khi cần người ta mới gọi cho mình, không thể từ chối. Cũng có trường hợp khi ra đến nơi, họ nói thật là không còn một xu trong túi nhưng mình vẫn phải làm. Cứ nghĩ sau này mình cũng gặp hoàn cảnh tương tự thì biết làm sao?”. Anh Tiến chia sẻ.

Theo http://www.giaoduc.edu.vn/


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: