Xăng giảm hơn 3.000 đồng/lít, giá hàng hóa, dịch vụ có giảm theo?


Sau khi giảm hơn 3.000 đồng/lít, giá xăng đã về mức tương đương thời điểm giữa tháng 3. Người dân kỳ vọng giá hàng hóa, dịch vụ sẽ hạ nhiệt để giảm áp lực chi tiêu, sinh hoạt.

Từ 0h ngày 11/7, sau khi áp dụng giảm thêm thuế bảo vệ môi trường, giá xăng E5 RON 92 trong nước giảm 3.110 đồng/lít còn 27.780 đồng/lít và xăng RON 95 giảm 3.090 đồng/lít còn 29.670 đồng/lít.

Đây là lần giảm thứ 2 sau bảy lần tăng liên tiếp và là mức giảm mạnh nhất từ đầu năm đến nay của giá xăng, dầu trong nước. Hiện, các mặt hàng xăng đã xuống dưới mức 30.000 đồng/lít, tương đương mức giá vào thời điểm giữa tháng 3.

Nhiều người kỳ vọng đà lao dốc này của xăng dầu có thể giúp hạ nhiệt giá hàng hóa trong nước. Song nhiều doanh nghiệp sản xuất, vận tải cho rằng mức giảm trên chưa đủ nhiều và kéo dài để tác động đến giá bán sản phẩm, dịch vụ.

Giảm giá thường có độ trễ

Một số doanh nghiệp vận tải hành khách cho biết còn quá sớm để giảm giá cước. Chia sẻ với Zing, ông Tạ Long Hỷ – Tổng giám đốc Vinasun cho biết hiện nay theo chu kỳ điều hành, giá xăng 10 ngày đổi giá một lần, do đó, kỳ này giảm nhưng kỳ sau chưa chắc giá tiếp tục giảm.

“Giá cước vận tải hành khách muốn thay đổi phải có độ trễ nhất định. Bởi, loại hình taxi muốn đổi giá phải báo cáo các sở ngành như sở giao thông vận tải, sở tài chính, chi cục thuế… để xin ý kiến. Chưa kể, khi thay đổi giá cước phải huy động đồng loạt hàng nghìn chiếc xe về đăng ký giá cước mới”, ông phân tích.

Theo đó, Tổng giám đốc Vinasun cho rằng các doanh nghiệp vận tải hành khách vẫn phải nghe ngóng thêm một thời gian. Nếu giá xăng giảm và giữ mức này ổn định trong vài tháng, cước taxi mới có thể giảm. Còn trong trường hợp giá xăng dầu trong nước quay đầu tăng trong kỳ tới sẽ rất khó điều chỉnh.


Hiện, giá xăng dầu điều chỉnh theo chu kỳ 10 ngày, nên các doanh nghiệp kinh doanh vận tải khó điều chỉnh giá cước ngay. Ảnh: Đoàn Nguyên.

Trong khi đó, ông Trần Văn Thành – Tổng giám đốc Công ty CP vận chuyển Á Châu – cho biết vận tải hàng hóa có thể giảm giá ngay đối với những hợp đồng đã tăng giá cước thời gian trước.

“Ngay hôm nay, công ty đang họp để điều chỉnh giá cho những khách hàng vừa tăng giá cước, còn khoảng gần 50% khách hàng chưa đàm phán tăng được thì sẽ giữ nguyên giá cũ”, ông nói.

Theo ông Thành, trong các hợp đồng của doanh nghiệp đều quy định rõ giá xăng dầu chiếm 35% tỷ trọng giá cước vận tải. Do đó, khi giá mặt hàng này biến động trong phạm vi 10% thì giá vận chuyển sẽ thay đổi tương ứng.

Nguyên tắc của giá cước vận tải là điều chỉnh theo biến động giá xăng dầu. Do đó, đây là cơ hội để các doanh nghiệp giảm giá vận chuyển, thu hút khách hàng sau thời gian giá xăng tăng kỷ lục, giá cước lên cao. – Ông Lê Trung Tính, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ôtô hành khách TP.HCM.

“Có nhiều doanh nghiệp vẫn chưa có động thái giảm giá bởi họ đang đợi xem tình hình giá xăng trong các kỳ tới để điều chỉnh giá”, ông nói.

Ông Lê Trung Tính, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ôtô hành khách TP.HCM, cũng cho rằng việc giảm giá cước của các doanh nghiệp vận tải phải có độ trễ. Xăng tăng hoặc giảm hôm nay nhưng phải 7-10 ngày sau mới có thể điều chỉnh giá cước tương ứng.

Theo lãnh đạo hiệp hội này, những tuyến cố định như taxi, xe bus phải có trình tự, thủ tục điều chỉnh giá, còn xe hợp đồng sẽ điều chỉnh được ngay. “Hiện, hoạt động vận tải đã phục hồi được khoảng 60-80%, tùy loại hình vận tải”, ông đánh giá.

Chỉ chặn được đà tăng

Nói với Zing, một số doanh nghiệp sản xuất hàng hóa đánh giá khi giá xăng dầu giảm tới hơn 3.000 đồng/lít sẽ tác động tích cực tới tâm lý, giá cước vận chuyển…

“Song điều này vẫn chưa thể hạ giá thành sản phẩm. Bởi trong cơ cấu giá thành sản phẩm, giá xăng dầu chiếm tỷ trọng không nhiều. Do đó, giá bán hàng hóa chưa thể giảm ngay khi xăng dầu giảm”, ông Trương Chí Thiện, Giám đốc Công ty CP Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt cho biết.

Theo ông, điều quan trọng khi giá xăng dầu giảm hơn 3.000 đồng/lít là chặn được đà tăng giá nguyên vật liệu khi các mặt hàng này thời gian qua có xu hướng tăng phi mã.

Tương tự, lãnh đạo đơn vị sản xuất và cung cấp bột mì cho các thương hiệu lớn trong nước cũng thừa nhận khó giảm giá bán sản phẩm ngay sau khi giá xăng giảm. “Việc điều chỉnh giá bán hàng hóa bao giờ cũng phải có độ trễ, bởi giá xăng tác động gián tiếp lên cơ cấu giá sản phẩm”, chủ doanh nghiệp này cho hay.

Hiện, một số nguyên vật liệu đã có xu hướng chững lại, người này kỳ vọng giá xăng tiếp tục đà giảm để doanh nghiệp sản xuất “dễ thở” hơn trong bối cảnh giá cả nhiều mặt hàng tăng liên tục.

Đánh giá về tình hình của các doanh nghiệp sản xuất hiện nay, ông Trần Thiên Long, Phó chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội các doanh nghiệp Khu công nghiệp TP.HCM, cho rằng các doanh nghiệp đều đang gặp khó khăn trong bối cảnh những yếu tố đầu vào tăng cao. Trong đó có chi phí vận chuyển, nguyên liệu, hoạt động máy móc thiết bị…

“Đến thời điểm này, nhiều doanh nghiệp đã và đang buộc phải tăng giá bán sản phẩm vì không thể gồng nổi. Chưa kể, ảnh hưởng của cuộc chiến Nga – Ukraine cũng khiến một số nguyên liệu trở nên khan hiếm”, ông nói.

Theo ông Long, doanh nghiệp vẫn luôn mong muốn có các gói hỗ trợ, ưu đãi một cách đặc biệt, nhanh chóng, dễ tiếp cận từ Chính phủ. Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng cần có những giải pháp để ổn định như giảm thuế, phí… bởi với xu hướng tăng giá và những biến động tình hình chính trị trên thế giới hiện nay, doanh nghiệp sẽ phải chịu áp lực lớn hơn nữa về các chi phí.

Theo Zing News


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: