Khách hàng khốn khổ vì ‘đứt gánh’ tài trợ lãi vay


Mối lương duyên giữa chủ đầu tư bất động sản và các ngân hàng “đứt đoạn” khiến hàng loạt khách hàng lao đao, thậm chí thiệt hại tiền tỉ vì không thể tiếp tục hợp đồng mua nhà đất đã ký trước đó.

Khách hàng thi nhau bỏ cọc

Trước đây, để bán hàng, nhiều chủ đầu tư đưa ra chính sách miễn lãi và ân hạn nợ gốc trong 12 – 24 tháng hoặc cho đến khi bàn giao nhà. Việc này cho phép khách hàng được vay ngân hàng và không phải chịu áp lực trả nợ trong thời gian chờ nhận nhà. Nhiều người thậm chí xem đây là cơ hội để lướt sóng bất động sản vì chỉ cần bỏ ra ít vốn là có thể thu được lợi nhuận trong bối cảnh thị trường bất động sản sôi động. Thế nhưng khi thị trường đóng băng, nhiều chủ đầu tư đột ngột “quay xe”, hủy bỏ ưu đãi lãi suất 0% khiến nhiều khách hàng khốn đốn.

Cả chủ đầu tư và khách hàng đang khó khăn chồng chất vì lãi suất cao, khó tiếp cận vốn

ĐÌNH SƠN

Chị Hồng Nhung (ngụ Q.Bình Thạnh, TP.HCM) đã phải tạm dừng ước mơ sở hữu một căn biệt thự biển tại tỉnh Bình Thuận sau khi chủ đầu tư hủy bỏ chính sách ưu đãi lãi suất 0% cho khách hàng. Thay vào đó, chủ đầu tư “vận động” khách hàng thay mình thanh toán trước phần lãi và gốc cho ngân hàng. Số tiền này sẽ được chủ đầu tư khấu trừ vào các đợt thanh toán tiếp theo. Ngoài ra, chủ đầu tư cũng cam kết trả lãi suất 12%/năm cho số tiền khách hàng thay mình thanh toán.

Theo chị Nhung, trong điều kiện bình thường thì số tiền lãi suất khoảng 13%/năm “không thành vấn đề”, nhưng hiện nay lại là một gánh nặng. Bởi chị mua căn biệt thự trên 15 tỉ đồng, thanh toán trước 2 tỉ đồng và vay ngân hàng 13 tỉ đồng. Với lãi suất như trên, hiện nay cả tiền gốc và lãi chị thanh toán mỗi tháng gần 200 triệu đồng. “Với phương án cũ, tôi sẽ có 24 tháng không chịu áp lực trả nợ ngân hàng, cả gốc lẫn lãi. Còn bây giờ, mỗi tháng tôi phải trả gốc và lãi gần 200 triệu đồng. Con số này vượt khả năng của vợ chồng tôi. Chính vì vậy, tôi đã yêu cầu chủ đầu tư trả lại tiền cọc 2 tỉ đồng và sẽ không tiếp tục hợp đồng. Thế nhưng điều oái oăm là số tiền trên chủ đầu tư cũng không có khả năng trả và có thể không trả vì cho rằng tôi đơn phương chấm dứt hợp đồng. Thế là giấc mơ về một căn nhà thứ hai ở biển của gia đình tôi sụp đổ”, chị Nhung nói.

Tương tự, anh Lê Năm mua 2 căn biệt thự của chủ đầu tư HTL ở Quy Nhơn (Bình Định) đã yêu cầu chủ đầu tư hoàn lại số tiền khoảng 6 tỉ đồng, bởi không thể vay được tiền từ ngân hàng để tiếp tục hợp đồng theo lời cam kết chủ đầu tư đã hứa trước đó. Theo anh Năm, cách đây 1 năm, anh đã đăng ký mua 2 căn biệt thự với giá trị khoảng 20 tỉ đồng. Khi đó, chủ đầu tư cam kết sẽ hỗ trợ vay ngân hàng và tài trợ lãi suất 2 năm, sau khi anh thanh toán 30% giá trị hợp đồng. Thế nhưng đến nay ngân hàng không cho anh vay vì dự án chưa đủ điều kiện theo quy định.

“Tôi dự kiến đóng 30%, số còn lại vay ngân hàng vì tài chính tôi không đủ. Thế nhưng nay ngân hàng không cho vay, tôi cũng không còn tiền để tiếp tục đóng theo tiến độ. Chủ đầu tư nhiều lần thông báo tôi đóng các đợt tiếp theo và phạt trễ hạn hợp đồng. Nay tôi tiến thoái lưỡng nan vì tiền không có để tiếp tục theo đuổi hợp đồng, trong khi vay ngân hàng không được”, anh Năm nói.

“Mua không được, vay không xong”

Không chỉ dừng chính sách ưu đãi lãi suất, các ngân hàng đang rất thận trọng giải ngân cho các dự án bất động sản hình thành trong tương lai, do lo ngại nợ xấu, thậm chí dừng cho vay đối với một số dự án. Sự thận trọng này đã khiến khách hàng khó tiếp cận vốn hoặc tiếp cận với lãi suất quá cao so với mặt bằng chung. Điều này cũng khiến nhiều khách hàng “ngậm đắng nuốt cay” thời gian qua.

Những khách hàng mua đất dự án Gem Sky World (H.Long Thành, Đồng Nai) của Tập đoàn Đất Xanh như ngồi trên đống lửa, bởi ngân hàng không tiếp tục cho vay như đã cam kết trước đó. Theo chị Hiền – một khách hàng mua nền đất tại dự án, trước đây chị được các nhân viên tư vấn ký một hợp đồng thỏa thuận. Ngay khi ký hợp đồng, chủ đầu tư đã nhận đủ 95% giá trị nền đất theo hình thức đặt cọc, trong đó khách hàng đóng 25% và 70% ngân hàng cho vay.

“Sau khi đặt cọc 25% thì chủ đầu tư chuyển hồ sơ qua Ngân hàng VPBank vay để thanh toán đợt 2 là 70%. Khi làm hợp đồng vay vốn và thỏa thuận 3 bên giữa khách hàng – chủ đầu tư – ngân hàng, khách hàng được hướng dẫn ký hai hợp đồng cho vay. Hợp đồng cho vay 1, dựa trên thỏa thuận tư vấn giữa khách hàng với chủ đầu tư, VPBank chỉ cho vay 12 tháng. Đó cũng chính là thời gian mà hợp đồng thỏa thuận tư vấn có hiệu lực pháp lý về mặt tài sản thế chấp tại ngân hàng. Trong 12 tháng này, khách hàng chỉ đóng lãi mà không được phép thanh toán nợ gốc. Hợp đồng cho vay 2 là sau 12 tháng, khi hợp đồng cho vay 1 hết hiệu lực, theo thỏa thuận 3 bên đã ký, Tập đoàn Đất Xanh tiến hành ký hợp đồng chuyển nhượng với khách hàng để hợp thức hóa tài sản thế chấp và VPBank sẽ tiến hành thanh toán 5% còn lại. Đồng thời chuyển gói vay của khách hàng thành gói vay dài hạn 300 tháng (25 năm). Khi đó, khách hàng sẽ đóng lãi và trả nợ gốc hằng tháng. Tuy nhiên, sau 12 tháng, khi hợp đồng cho vay 1 hết hiệu lực, Tập đoàn Đất Xanh vì nhiều lý do vẫn chưa đủ điều kiện ký hợp đồng chuyển nhượng với khách hàng và cũng không tất toán gói vay cho tất cả các khách hàng. Điều này khiến nhiều khách hàng phải tiến hành gia hạn nợ thêm 6 tháng với VPBank và bị đưa vào danh sách nợ xấu nhóm 2”, chị Hiền bức xúc kể.

Chưa dừng lại ở đây, sau 6 tháng gia hạn nợ, hợp đồng chuyển nhượng vẫn chưa được ký, khách hàng không có khả năng tất toán số tiền vay. Trong khi VPBank chấm dứt hợp đồng và không tiến hành ký kết tiếp hợp đồng cho vay 2. Đồng thời yêu cầu tất toán khoản tiền đã vay trước đó khiến khách hàng rơi vào khó khăn chồng chất vì không thể ký hợp đồng mua bán với chủ đầu tư để tiếp tục vay vốn từ ngân hàng trả nợ cho khoản vay trước đó. Nhiều người không thể trả nợ gốc và lãi nên bị nợ xấu.

Anh Thanh (ở Hà Nội) mua một căn biệt thự ở Phú Quốc (Kiên Giang) với giá 33 tỉ đồng còn đau đớn hơn. Bởi ngay sau khi ký hợp đồng mua bán, anh đóng 30% giá trị là 11 tỉ đồng, phần còn lại ngân hàng cho vay và được chủ đầu tư cam kết hỗ trợ lãi suất trong vòng 2 năm. Tuy nhiên, khi thị trường bất động sản đóng băng, hàng không bán được, không có nguồn thu, chủ đầu tư đã thông báo ngừng hỗ trợ lãi suất đối với các khoản vay của khách hàng. Do thu nhập sụt giảm mạnh nên khoản vay 22 tỉ đồng đối với anh Thanh lúc này là một gánh nặng quá sức. Chính vì vậy, anh Thanh đã quyết định đơn phương chấm dứt hợp đồng, bỏ số tiền 11 tỉ đồng. “May mắn có người đã sang nhượng lại hợp đồng của tôi với giá gần 1 tỉ đồng. Mất 10 tỉ đồng nhưng nhờ vậy tôi không bị nhảy nhóm nợ xấu. Bởi nếu nhảy nhóm, xem như khoảng thời gian về sau “bít cửa” làm ăn”, anh Thanh ngậm ngùi nói.

Cả chủ đầu tư và khách hàng đang khó khăn chồng chất vì lãi suất cao, khó tiếp cận vốn. Điều này khiến thị trường càng thêm trầm lắng.

Chủ đầu tư một dự án bất động sản tại TP.HCM nhận định: Nếu lãi suất không giảm, việc tiếp cận vốn vay vẫn khó khăn và giao dịch vẫn đóng băng như hiện nay thì thời gian tới thị trường sẽ có nguy cơ đổ vỡ khi có thêm nhiều chủ đầu tư nữa “bùng” chính sách hỗ trợ lãi suất cho khách hàng đã cam kết trước đó.

Theo Thanh Niên Online


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: