Nhà trên và ven sông, rạch: Bức tranh dần sáng


Gần 46.500 căn nhà trên và ven sông, rạch ở TP HCM đang đứng trước triển vọng được thay thế bằng những công trình chỉnh trang đô thị bắt mắt, ấn tượng…

Chiều 18-11, chạy dọc rạch Văn Thánh (phường 22, quận Bình Thạnh), phóng viên Báo Người Lao Động rẽ vào con hẻm 107 Ngô Tất Tố với chiều rộng vừa đủ 2 xe máy né nhau rồi ngẫu nhiên dừng lại trước nhà người dân tên Sa.

Chờ đợi

Sinh sống tại đây nhiều năm, ngôi nhà của bà Sa cũ kỹ với vách ván, mái tôn, mặt sàn ọp ẹp nằm trên dãy cọc cắm xuống rạch. Vừa dọn dẹp, chuẩn bị bữa ăn cho các cháu, bà Sa vừa kể căn nhà trước đây còn tệ hơn, cứ mưa là dột. Vì là hộ nghèo nên bà được địa phương hỗ trợ tôn để lợp lại mái.

Nhà nhỏ nhưng từng là nơi 5 hộ thuộc 3 thế hệ gia đình bà sinh sống. Sau đó, một số chuyển tới nơi khác thuê trọ và đến hiện tại nơi đây vẫn là chốn ăn ngủ của 16 người.

“Nếu kinh tế khá hơn thì gia đình đã lên bờ chứ không phải bao nhiêu người chung nhau địa điểm chênh vênh như vậy. Chúng tôi nghe nói nhà nước sẽ di dời nhà ven rạch này, giải tỏa chỉ mong có chỗ tái định cư…” – bà Sa trải lòng.


Rạch Văn Thánh chảy qua nhiều phường của quận Bình Thạnh, TP HCM

Rạch Văn Thánh dài khoảng 1,5 km chảy qua các phường 19, 21, 22 của quận Bình Thạnh. Từ con rạch đầy rác đọng, ô nhiễm này nhìn lên dễ dàng thấy tuyến metro hiện đại cùng những tòa nhà chung cư cao tầng gần đó. Hình ảnh đối lập này gần như mô thức chung của không ít kênh rạch trong thành phố.

Theo tìm hiểu, thực tế công tác di dời nhà ven sông, kênh, rạch tại TP HCM gặp nhiều khó khăn dẫn đến kết quả không như mong đợi. Trong đó, giai đoạn 2016-2020, kết quả giải tỏa, di dời các hộ dân sống trên và ven kênh rạch để chỉnh trang đô thị chỉ được 2.479 căn trên tổng số 20.000 căn theo kế hoạch, đạt tỉ lệ 12,4% so với chỉ tiêu và chủ yếu tập trung ở các dự án sử dụng vốn ngân sách.

Triển vọng

Sở Xây dựng TP HCM cho biết, theo quyết định năm 2021 của UBND TP HCM về kế hoạch tổ chức thực hiện chỉnh trang và phát triển đô thị, giai đoạn 2021-2025, thành phố đặt ra chỉ tiêu bồi thường, di dời 6.500 căn nhà trên và ven kênh, rạch. Tuy nhiên, đến quý II/2023, tức là nửa chặng đường thì kết quả chỉ là con số 657/6.500 căn.

Lý giải nguyên nhân, sở này cho hay các dự án di dời nhà trên và ven sông, kênh, rạch không được chọn là dự án cấp bách, ưu tiên của thành phố khi so với các dự án hạ tầng, công ích khác và cũng gặp trở ngại về nguồn vốn. Bên cạnh đó là khó khăn về chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư.


Ngôi nhà nhỏ của bà Sa vẫn là nơi đi về của 16 người

Đến nay, những vướng mắc liên quan di dời nhà ven sông, kênh, rạch có triển vọng tháo gỡ dứt điểm khi vừa qua Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi chủ trì cuộc họp liên quan tới đề án di dời toàn bộ nhà trên và ven sông, kênh, rạch nhằm khai thông dòng chảy, cải thiện vệ sinh môi trường kết hợp chỉnh trang đô thị và khai thác quỹ đất phát triển kinh tế.

Theo đó, ông Phan Văn Mãi giao Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng tham mưu, đề xuất trình UBND TP HCM thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng đề án nêu trên do Chủ tịch UBND TP HCM làm Trưởng ban, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Bùi Xuân Cường làm Phó Trưởng ban. Các thành viên của Ban và Tổ công tác được lập ra gồm lãnh đạo nhiều sở, ngành, địa phương, đơn vị tư vấn. Ban Chỉ đạo họp định kỳ 2 lần/tháng và Tổ công tác hoạt động thường xuyên. Trước ngày 25-11, bộ máy này phải được định hình.

Những mốc thời gian quan trọng

Chủ tịch UBND TP HCM cũng giao Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM khẩn trương xây dựng kế hoạch điều tra xã hội học cho toàn bộ 46.452 nhà trên và ven sông, kênh, rạch. Kế hoạch được trình Ban Chỉ đạo xây dựng đề án và Tổ công tác xem xét, cho ý kiến trước ngày 30-11 để bảo đảm tiến độ bắt đầu thực hiện điều tra xã hội học từ ngày 2-12 và kết thúc công tác điều tra xã hội học, xử lý thông tin dữ liệu, báo cáo kết quả cho Ban chỉ đạo xây dựng đề án trước ngày 30-12.

Chủ tịch UBND quận 8 được yêu cầu tiếp tục hoàn thiện, bổ sung đề án thí điểm di dời đối với nhà đất trên và ven sông, kênh, rạch trên toàn địa bàn quận 8 liên quan dự kiến tổng mức chi, tổng nguồn thu, quỹ đất dự kiến đưa vào khai thác phát triển kinh tế sau giải tỏa… Thời gian thực hiện xong nội dung nêu trên trước ngày 30-11.

Những việc quan trọng để tiếp tục thực hiện liên quan việc xây dựng đề án là Giám đốc Sở Quy hoạch – Kiến trúc chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng cùng các địa phương rà soát, xác định các địa chỉ, quỹ đất xây dựng những khu nhà ở xã hội và các địa chỉ, quỹ đất có thể khai thác phát triển kinh tế. Cùng với đó, nghiên cứu giải pháp về quy hoạch, phân bổ chỉ tiêu dân số để bảo đảm khai thác quỹ đất đạt hiệu quả cao nhất.

Chủ tịch UBND TP HCM giao thủ trưởng các đơn vị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện xong các nội dung nêu trên trước ngày 30-11.

Giám đốc Sở Xây dựng có nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với đơn vị liên quan khẩn trương xây dựng đề cương, quy chế, kế hoạch thực hiện đề án để báo cáo, trình Ban Chỉ đạo xây dựng đề án xem xét, cho ý kiến để triển khai. Sau đó, báo cáo, trình Thành ủy, HĐND TP HCM xem xét trước tháng 3-2025.

Sớm hiện thực

Nói về chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP HCM, Lãnh đạo Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM cho biết đang triển khai các công việc để thực hiện kế hoạch điều tra xã hội học cho toàn bộ nhà trên và ven sông, kênh, rạch trên địa bàn.

TS Nguyễn Hữu Nguyên, Hội Quy hoạch phát triển đô thị TP HCM, nhận xét Chủ tịch UBND TP HCM đã chỉ đạo các đầu việc với nhiều thành phần tham gia nên công việc này sẽ hoàn thành thuận lợi và đúng thời gian.

Dù vậy, TS Nguyễn Hữu Nguyên băn khoăn ngày 2-12 bắt đầu điều tra xã hội học, thời gian gấp nên khó nhất là soạn bảng nội dung các câu hỏi cụ thể của từng khía cạnh. Theo ông, việc này cần sự kết hợp chặt chẽ giữa Sở Xây dựng với các chuyên gia xã hội học để đặt câu hỏi thật sát với yêu cầu cần giải đáp những vướng mắc của công tác di dời. Nội dung câu hỏi điều tra là yếu tố quyết định thành công và chất lượng điều tra xã hội học nên cần nghiên cứu thật kỹ.

Nêu một số thách thức đi kèm hướng giải quyết khác, TS Nguyễn Hữu Nguyên nhấn mạnh “Tinh thần kết luận của cuộc họp thể hiện quyết tâm rất cao, rất khẩn trương của thành phố nhằm sớm đưa đề án vào thực hiện”.

Những chuyển động tích cực

Tại kỳ họp chuyên đề cuối tháng 9 vừa qua, HĐND TP HCM đã thông qua nghị quyết điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án nạo vét, cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng rạch Xuyên Tâm. Theo đó, dự án tăng tổng mức đầu tư từ hơn 9.660 tỉ đồng lên hơn 17.220 tỉ đồng. Trong đó, gần 14.000 tỉ đồng dành cho chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo Luật Đất đai 2024, tăng hơn 7.300 tỉ đồng so với dự toán trước đây.


Dự án trên bờ Bắc Kênh Đôi được kỳ vọng giải quyết tình trạng ô nhiễm, tạo cảnh quan đô thị văn minh, phát triển hạ tầng du lịch… Ảnh: NGỌC QUÝ

Với dự án nạo vét, xây dựng hạ tầng kỹ thuật, cải tạo môi trường bờ Bắc Kênh Đôi trên địa bàn quận 8, UBND TP HCM vừa ban hành Quyết định 4841/2024.

Theo đó, mục tiêu của dự án là di dời toàn bộ nhà lụp xụp nằm trên và ven các tuyến kênh rạch, cải thiện nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Đồng thời, giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường, cải tạo hệ thống thoát nước, xây dựng cảnh quan đô thị văn minh hiện đại, hình thành và phát triển hạ tầng du lịch, phát triển giao thông đường thủy.

Tổng mức đầu tư dự án được đưa ra hơn 7.300 tỉ đồng, trong đó chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư hơn 5.500 tỉ đồng, chi phí xây dựng hơn 837 tỉ đồng. Tiến độ thực hiện là tới năm 2028…

Theo Người Lao Động Online


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: