(2SaiGon) – Tối 08/04, Festival Đờn ca tài tử Quốc gia lần II – Bình Dương năm 2017 chính thức khai mạc tại Quảng trường Trung tâm hành chính tỉnh Bình Dương. Với chủ đề “Đờn ca tài tử Nam bộ – Báu vật đất phương Nam”, đêm khai mạc là một đại tiệc âm nhạc đặc sắc được trình diễn cách điệu trong sân khấu và kỹ thuật hiện đại. “Dạ khúc tình yêu”: Danh ca Thanh Hà “đứng hình” vì màn tự giới thiệu của Trác Thúy Miêu Con gái hoa hậu Hương Giang gây bất ngờ khi “trổ tài” với môn thể dục dụng cụ Đêm khai mạc có sự góp mặt của các đồng chí: Nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Bà Trương Thị Mai – Trưởng ban Dân vận Trung ương, ông Lê Thanh Hải – Nguyên Bí thư thành ủy TP.HCM, bà Trương Mỹ Hoa – Nguyên Phó Chủ tịch nước; ông Phan Thanh Bình – Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội; ông Trần Văn Nam – Bí thư tỉnh ủy tỉnh Bình Dương, Trưởng ban tổ chức; lãnh đạo của đại diện 21 tỉnh thành phố khu vực Nam bộ. Đặc biệt, đông đảo các nghệ nhân, nghệ sĩ, người dân Nam bộ cũng góp mặt trong đêm khai mạc Festival Đờn ca tài tử Quốc gia lần II – Bình Dương năm 2017. Festival Đờn ca tài tử Quốc gia lần II – Bình Dương năm 2017 do UBND tỉnh Bình Dương phối hợp cùng Sở VHTT & DL của 21 tỉnh thành phố khu vực Đông-Tây Nam bộ tổ chức. Đây là sự kiện cấp Quốc gia nhằm tôn vinh và quảng bá loại hình nghệ thuật Đờn ca tài tử độc đáo của dân tộc Việt Nam nói chung và người Nam bộ nói riêng. Phát biểu tại lễ khai mạc, ông Trần Thanh Liêm – Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương nói: “Festival Đờn ca tài tử lần II năm 2017 gồm một chuỗi các hoạt động nghệ thuật được ban tổ chức cùng các nghệ nhân, nghệ sĩ đầu tư công phu và ấn tượng, khơi dậy sự đam mê và mang lại niềm tin cho các nghệ nhân, nghệ sĩ trong việc bảo tồn nghệ thuật Đờn ca tải tử, góp phần cho bộ môn này không bị mai một, nhất là trong tình hình bùng nổ thông tin với các thiết bị truyền thông đa phương tiện như hiện nay. Bên cạnh việc quảng bá về quê hương Nam bộ và đất nước Việt Nam, Festival lần này còn là sân chơi lành mạnh cho những ai yêu thích Đờn ca tài tử; là nơi vinh danh và tưởng nhớ các thế hệ nghệ sĩ, nghệ nhân tài danh đã cống hiến vì sự phát triển của loại hình nghệ thuật đặc sắc này. Cũng qua Festival, các nhà quản lý, các nghệ nhân, nghệ sĩ được gặp gỡ, chia sẻ kinh nghiệm để qua đó đoàn kết chung tay bảo tồn bộ môn Đờn ca tài tử”. Cũng tại lễ khai mạc, Ông Nguyễn Ngọc Thiện – Bộ trưởng Bộ VHTT & DL phát biểu: “Thông qua các hoạt động của Festival lần này, chúng ta tích cực góp phần nâng cao nhận thức, tích cực hành động của toàn xã hội trong việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc đối với nghệ thuật Đờn ca tài tử; đáp ứng nhu cầu hoạt động nghệ thuật, thưởng thức văn hóa tinh thần của các tầng lớp nhân dân, tăng cường sự liên kết vùng trong việc hợp tác để xúc tiến đầu tư, thương mại nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế của các tỉnh thành Nam bộ nói chung và Bình Dương nói riêng”. Sau phần nghi thức khai mạc, chương trình nghệ thuật đã mang lại cho người xem một đại tiệc âm nhạc được trình diễn cách điệu trong sân khấu và kỹ thuật hiện đại. Với chủ đề “Đờn ca tài tử Nam bộ – Báu vật đất phương Nam”, chương trình được dàn dựng dựa trên tiêu chí bảo tồn, phát huy, kế thừa, hội nhập Đờn ca tài tử của Unesco. Sân khấu chương trình tái hiện khung cảnh mộc mạc, thanh bình của vùng đất Nam bộ, đồng thời tôn vinh những giá trị nghệ thuật của Đờn ca tài tử. Ngoài ra, còn đề cao vẻ đẹp của Bình Dương thông qua những họa tiết trang trí những làng nghề truyền thống như gốm sứ, sơn mài… Chương 1 với chủ đề “Đất và người – Cội nguồn âm nhạc” đưa người xem trở về một thời xa xưa, cội nguồn của âm nhạc Đờn ca tài tử. Tiết mục “Nhớ thời khẩn hoang” cùng sự biểu diễn của tốp nhạc, tốp ca tái hiện hành trình xuôi về phương Nam của những lưu dân khai hoang, mở đất, tạo dựng nên thôn xóm, làng quê để biến Nam bộ từ một vùng đất hoang sơ trở thành cánh đồng màu mỡ, vườn cây trái sum sê…Từ vùng đất thanh bình này đã sản sinh ra nhiều nét văn hóa đặc sắc. Lễ Kỳ Yên, lễ Cúng Miễu là những không gian văn hóa ban đầu của nhạc Tài tử được đưa lên sân khấu biểu diễn, giúp người xem hình dung rõ hơn về cội nguồn bộ môn nghệ thuật độc đáo này. Với tâm hồn khoáng đạt yêu thiên nhiên, thích tự do, Phép Văn của dàn Nhạc Lễ đã thoát khỏi sự ràng buộc của khuôn phép nghi lễ, biến hóa thành những làn điệu trữ tình, diễn tả mọi cung bậc cảm xúc của lòng người. Vậy là nhạc Tài tử – dòng nhạc đầy ngẫu hứng sáng tạo trong diễn tấu đã ra đời. Phần 2 của chương trình nghệ thuật với chủ đề “Báu vật âm nhạc phương Nam” gửi đến người xem những bản nhạc Tài tử quen thuộc, đi sâu vào lòng người yêu nghệ thuật. Đại diện là bản Dạ cổ hoài lang của soạn giả Cao Văn Lầu, tác phẩm này đã có tuổi đời gần 100 năm, được xem như một “bản nhạc vua” của sân khấu cải lương một lần nữa vang lên qua giọng ca của nghệ sĩ Bích Phượng. Nhưng trên sân khấu của Festival Đờn ca tài tử lần II, tiết mục này gây ấn tượng mạnh mẽ khi có sự tổng hòa giữa những âm thanh của nhạc cụ dân tộc cùng ngôn ngữ hình thể ước lệ kết hợp với thủ pháp dàn dựng mới khi công nghệ trình chiếu ánh sáng nghệ thuật tạo không gian 3 chiều được sử dụng. Phần trình diễn với sự kết hợp của 2 nhóm nhạc đại diện miền Đông và Tây Nam bộ qua bản: “Xàng Xê” nhịp tư, 20 câu cho thấy tình tri âm, tri kỷ giữa các tài tử đàn, tài tử ca. Bên cạnh đó, bản ca ra bộ “Bùi Kiệm – Nguyệt Nga” qua sự thể hiện của NSND Minh Vương, NSND Lệ Thủy gợi nhớ người xem về sự kiện ban nhạc Mỹ Tho do tài tử Nguyễn Tống Triều phụ trách đã được mời sang Pháp trình diễn tại Hội đấu xảo ở thành phố Marceille vào năm 1906. Chính sự kiện này đã góp phần khơi dậy tiềm năng sáng tạo của các nghệ nhân, tài tử để từ đó hình thành lối ca ra bộ và tiếp đó là nghệ thuật Cải lương. Phần 3 của chương trình với chủ đề “Chắp cánh cho hồn nhạc bay xa” dành sân khấu cho các tài tử đờn, tài tử ca thế hệ trẻ, là những người tiếp nối truyền thống của cha ông, giữ gìn, phát huy những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc. Sau đêm khai mạc, Festival Đờn ca tài tử Quốc gia lần II – Bình Dương năm 2017 sẽ kéo dài đến hết ngày 12/04 với nhiều hoạt động sôi nổi như: Không gian Đờn ca tài tử Nam bộ, Không gian ẩm thực và đặc sản Nam bộ; Hội thi Nghệ thuật Đờn ca tài tử; Cuộc thi sáng tác ảnh nghệ thuật khoảnh khắc Đờn ca tài tử quốc gia lần thứ II – Bình Dương 2017; Đêm hội giao lưu các soạn giả, nghệ nhân, nghệ sĩ đã có đóng góp vào việc hình thành và phát triển loại hình nghệ thuật Đờn ca tài tử và Cải lương Nam bộ. Đêm bế mạc Festival Đờn ca tài tử Quốc gia lần II – Bình Dương năm 2017 sẽ diễn ra lúc 20h ngày 12/04, tại Trung tâm hội nghị và triển lãm tỉnh Bình Dương. Minh Nguyễn Ảnh: Triều Phạm