Nhiều ưu đãi nhưng làm nhà ở xã hội vẫn ì ạch


Chủ trương khuyến khích, ưu đãi ngày càng nhiều nhưng triển khai các dự án nhà ở xã hội vẫn hết sức ì ạch, vì sao?

TP.HCM tăng ưu đãi

Đơn cử như TP.HCM, TP đặt chỉ tiêu đến năm 2030 xây dựng khoảng 69.700 – 93.000 căn nhà ở xã hội (NƠXH). Trong đó, giai đoạn 2021 – 2025 khoảng 26.200 – 33.000 căn, giai đoạn 2026 – 2030 khoảng 43.500 – 58.000 căn. Thế nhưng tính lũy kế từ đầu nhiệm kỳ 2021 đến tháng 6.2024, TP mới hoàn thành 6 dự án, trong đó có 5 dự án NƠXH và 1 dự án nhà lưu trú công nhân, tổng cộng được 2.745 căn hộ.


Dù có nhiều ưu đãi nhưng DN muốn tham gia làm NƠXH vẫn rất khó khăn

ẢNH: ĐÌNH SƠN

Để hoàn thành mục tiêu đề ra, ngoài các ưu đãi hiện hành, Sở Xây dựng mới đây đã đề xuất TP ban hành nghị quyết về cơ chế hỗ trợ chủ đầu tư thực hiện dự án đầu tư xây dựng NƠXH với nhiều ưu đãi vượt trội như: chủ đầu tư được hỗ trợ chi phí thực hiện đấu nối hệ thống hạ tầng kỹ thuật của dự án với hệ thống hạ tầng kỹ thuật của khu vực; được miễn các loại phí, lệ phí liên quan, trong đó bao gồm phí thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, phí thẩm định hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, lệ phí cấp giấy phép xây dựng.

Ngoài ra, Sở QH-KT cũng kiến nghị lập website công khai các dự án NƠXH, định hướng bố trí các dự án NƠXH đang được cập nhật và lồng ghép vào đồ án quy hoạch phân khu. Việc xác định rõ vị trí và chỉ tiêu cụ thể tạo điều kiện thuận lợi hơn cho nhà đầu tư lựa chọn vị trí phù hợp với dự án. Trang web này cũng sẽ công khai các dự án, giúp người dân dễ dàng tra cứu và lựa chọn theo nhu cầu.

Phó chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường thừa nhận, thời gian qua TP gặp nhiều khó khăn trong việc phát triển NƠXH, nhà lưu trú công nhân ở hầu hết các khâu như: quy hoạch xây dựng, xác định nghĩa vụ tài chính, các thủ tục về đất đai, thủ tục đầu tư, xác định giá bán… Do đó, TP đã đưa ra nhiều giải pháp để tháo gỡ, nhằm đẩy nhanh công tác phát triển NƠXH. Thời gian tới, Thành ủy, UBND TP.HCM sẽ tiếp tục chỉ đạo chấn chỉnh các sở, ngành trong thực hiện quy chế phối hợp và quy định về chức năng nhiệm vụ trong thực hiện các thủ tục hành chính, giải quyết các thủ tục đầu tư dự án.

Doanh nghiệp chỉ cần cơ chế

Mang câu chuyện ưu đãi nhiều nhưng dự án vẫn hiếm hoi hỏi doanh nghiệp (DN), câu trả lời hầu hết là chỉ cần cơ chế, thủ tục thông thoáng. Ông Nguyễn Lợi, Tổng giám đốc Công ty Thiên Phát, nói thẳng DN chỉ cần làm sao pháp lý đẩy nhanh để có động lực làm. Bởi với phân khúc NƠXH, ngoài kiếm tiền, DN còn có trách nhiệm cộng đồng, trách nhiệm với người dân, muốn cống hiến cho xã hội và đó còn là chữ tín. Ông Lợi kể, cách đây 2 năm DN của ông đã khởi công một dự án nhà lưu trú công nhân ở TP.Thủ Đức nhưng đến nay vẫn đắp mền vì vướng pháp lý không thể tiếp tục triển khai.

Trong khi đó ở Bình Dương, DN này dự kiến quý 1/2025 sẽ khởi công 1.000 căn NƠXH đầu tiên phục vụ đối tượng là cán bộ công chức, lực lượng vũ trang. Dù làm sau nhưng sẽ về trước dự án ở TP.HCM vì được hỗ trợ thủ tục rất nhiệt tình, hiệu quả. “Chính quyền ở Bình Dương nói ưu đãi cho DN nhưng chúng tôi từ chối nhận mà chỉ mong muốn được hỗ trợ pháp lý thật nhanh. Bởi dự án chậm ngày nào là đội chi phí và tất cả cộng vào giá thành mà người dân là người phải chi trả. Đó là điều DN không muốn, bởi khi làm NƠXH là đặt lợi ích xã hội lên trên hết, không tính toán nhiều đến lời lỗ”, ông Lợi nói.


Một dự án NOXH động thổ cách đây hơn 2 năm nhưng đến nay vẫn trùm mền

ẢNH: ĐÌNH SƠN

Ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty Lê Thành, một DN chuyên làm NƠXH tại TP.HCM, cũng nói rằng các DN mong muốn có những quy định rõ ràng hơn để triển khai dự án được thuận lợi; đồng thời tránh phát sinh bất cập giữa luật cũ và luật mới ở khâu hậu kiểm trong phát triển dự án NƠXH. Hiện các ngân hàng đã hỗ trợ cho vay rất tốt nhưng vấn đề nằm ở chỗ thủ tục thực hiện một dự án quá lâu, thậm chí DN lo sợ dự án có được phê duyệt hay không. Nếu không có sự minh bạch và rõ ràng, việc khuyến khích đầu tư vào NƠXH trong tương lai sẽ gặp nhiều khó khăn. Đồng tình với những chính sách mới mang tính đột phá cho NƠXH nhưng ông Nghĩa cũng mong cơ quan chức năng đẩy nhanh thủ tục để rút ngắn thời gian, giảm chi phí cho nhà đầu tư.

Ông Nguyễn Văn Hoan, Phó trưởng phòng Phát triển nhà và thị trường bất động sản (Sở Xây dựng TP.HCM), cũng phải thừa nhận rằng thủ tục đầu tư dự án NƠXH còn phức tạp, kéo dài. Đơn cử như quy trình chấp thuận chủ trương đầu tư mất 1 – 2 năm do phải lấy ý kiến từ 10 đơn vị liên quan. Do vậy, thay vì thực hiện trình tự các bước về chấp thuận chủ trương đầu tư, phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500, giao đất thì tích hợp 3 bước này làm một, nghĩa là 3 sở (KH-ĐT, QH-KT, TN-MT) làm cùng lúc để rút ngắn thủ tục đầu tư trước khi cấp phép xây dựng. Bộ Xây dựng nghiên cứu, rà soát quy định pháp luật về việc này để có giải pháp hướng dẫn thực hiện.

Nhiều ý kiến cho rằng, những ưu đãi, pháp luật liên quan đến lĩnh vực xây dựng NƠXH đã quá nhiều, quá rõ ràng vướng mắc lớn nhất hiện nay là cách thức triển khai, con người thực thi không dám làm, không quyết tâm làm. Chỉ khi thủ tục hành chính được đẩy nhanh, được rút ngắn, được tinh gọn, tinh thần, trách nhiệm của cán bộ công chức được “khơi thông”, dự án sẽ được đẩy nhanh, giá nhà hạ nhiệt và điều quan trọng là giúp lấy lại niềm tin, kéo được nhiều DN có tâm, có tầm tham gia xây nhà cho người nghèo. Khi đó, nghịch lý nhiều ưu đãi ít NƠXH mới được giải quyết triệt để.

NƠXH làm sao phải phát triển mạnh để dẫn dắt thị trường, để hạ giá bất động sản và để người nghèo có nhà. Phải làm sao tạo cho người lao động có niềm tin để họ có động lực làm việc, cống hiến. Muốn thế thì thủ tục phải nhanh, đừng để DN nhụt chí và cảm giác họ bị loại ra khỏi cuộc chơi. DN cần nhất lúc này là chính quyền đứng sau làm “bà đỡ”. DN không cần nhà nước cho tiền mà chỉ cần cho cơ chế thông thoáng, nhanh gọn để an tâm làm NƠXH. – Ông Nguyễn Lợi, Tổng giám đốc Công ty Thiên Phát

Theo Thanh Niên Online


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: