Một buổi chiều mưa dầm tháng bảy năm 1982. Vân ngồi trong nhà nhìn lên mái ngói của dãy nhà đối diện. Nước mưa chảy lăn tăn trên lớp mái rêu phong cũ kỹ. Những câu chuyện nhỏ, rất thật ở Sài Gòn Thêm một lần yêu Sài Gòn! Chiều về qua hẻm Tô Châu – Ảnh: HOÀI LINH A Hỏi ngồi bên, cắm cúi viết chính tả trên cuốn tập Vân đưa cho. Tuy lớn hơn Vân một tuổi, A Hỏi chỉ mới học chữ đây thôi. A Hỏi nói: “Lâu nay không biết viết, biết đọc tiếng Việt. Giờ học được thấy vui quá!”. A Hỏi viết mải miết cho đến khi có tiếng mẹ kêu to từ bên nhà: “A Hỏi, mày ở đâu?”. A Hỏi ngừng tay, băng qua màn mưa chạy về nhà. Vân nhìn theo, thấy thương đứa bạn người Hoa nhà bán mì hoành thánh xá xíu quá. Đó là lúc mới về sống ở hẻm Tô Châu. Ông chủ hẻm không ai biết mặt Hẻm Tô Châu ở số 47 đường Trần Hưng Đạo B, xưa là đường Đồng Khánh. Đây là nơi cư ngụ lâu đời của một cộng đồng nhỏ người Hoa gốc Quảng Đông. Gia đình Vân dọn về hẻm này năm 1981, lúc Vân mới 12 tuổi. Cả nhà trước kia sống ở đường Hàm Tử, sống chung với người Hoa đã quen nên cảm thấy thoải mái khi về đây. Nhà Vân số 23, nằm trong nhánh trái của con hẻm hình chữ T. Mới về, vài người xúm lại hỏi: “Tên gì, nghĩa là gì?”. Mẹ Vân trả lời: “Vân, nghĩa là đám mây!”. Họ bảo: “Vậy gọi là A Hoành!”. Hoành, tiếng Quảng Đông nghĩa là “đám mây”. Từ đó, Vân có tên riêng chỉ trong hẻm Tô Châu mới gọi: “A Hoành”! Hẻm Tô Châu là hẻm cụt. Ai hỏi: “Nhà ở đâu?”, Vân chỉ cần nói ở hẻm đối diện lò bánh mì Đồng Khánh thì ai cũng biết, vì bên kia đường là lò bánh mì chụm củi nổi tiếng. Hẻm có 31 căn, có bảy nhà người Việt. Người Hoa ở đây biết nói tiếng Việt nhưng nói chuyện với nhau bằng tiếng Hoa. Nghe họ nói với nhau riết, lại nói lớn tiếng nên người Việt hiểu dần, thấy không đến nỗi khó lắm. Đám con nít người Việt học tiếng Hoa càng nhanh vì chơi chung với nhau. Ông Tô Châu là chủ của toàn bộ nhà hẻm này, nghe kể lại vậy chứ đám trẻ lớn lên không ai biết mặt mũi ông ra sao. Gia đình ông đã rời đi từ mấy năm trước năm 1975, nghe đâu về lại Đài Loan. Ông để lại cả hai dãy phố người ta đang thuê của ông, để lại cả cái tên Tô Châu trên bảng hiệu đầu hẻm. Toàn bộ nhà trong hẻm đều xây theo một kiểu nhà ống, ngang 4 mét, dài 20 mét, cửa sắt kéo, cửa sổ lá sách bên trong có chấn song. Cuộc sống tuy ổn định nhưng người cố cựu trong hẻm đôi khi nhắc nhớ một món nợ âm ỉ. Họ bảo nhau: “Ông chủ đã đi từ đời tám hoánh. Bây giờ muốn trả tiền thuê nhà cũng chẳng biết trả cho ai. Thôi thì cứ ở vậy!”. Họ thầm biết ơn ông, nhắc lại như một huyền thoại ngày càng lùi xa trong ký ức. Ban đầu, vì là nhà cho người nghèo thuê, ít có căn nào chỉ có một gia đình ở. Căn nào cũng ở ghép ít nhất là hai gia đình. Có căn chỉ có một bà xẩm ở ghép, sống một mình, ở riêng một phòng. Người trong nhà nương tựa lẫn nhau, ở chung nhưng phòng chỉ che bằng tấm vải nhỏ, chẳng sợ mất mát gì. Tấm vải che cửa phòng lâu ngày xuống màu. Người trong nhà ngồi buồn nhìn tấm vải, nhìn hoài cũng không định được lúc ban đầu nó được in bông gì hay có màu gì, cũng không biết nó có từ khi nào. Ở chung, xài bếp chung, sân chung nhưng người Hoa biết cách chia sẻ, không ai phiền ai. Họ chỉ đôi lúc cãi nhau vì xót ruột chuyện con nít đánh nhau. Mới cãi cọ hôm qua, hôm nay thấy đám trẻ chơi với nhau, người lớn cũng làm hòa. Hầu như nhà nào cũng phơi đồ trước nhà. Con nít đi từ nhà này sang nhà kia chơi phải chui qua những sợi dây phơi đồ rỉ nước, riết rồi cũng quen. Sau này đi xa lại nhớ những chuyện như vậy. Những ngày vui Nhà đông người, tính người Hoa lại thích cất giữ đồ cũ nên nhà nào cũng đầy đồ đạc, lối đi chật hẹp vì khắp nơi nhét đồ cũ, cả dưới gầm giường, gầm tủ. Họ không bỏ thứ gì, mua cái tivi về xài mấy năm, sửa mấy bận nhưng vẫn giữ cái thùng. Nhà cửa nhiều đồ nên tối tăm và bụi bặm. Do vậy, mỗi năm một lần vào khoảng sau rằm tháng chạp ta, không cần hẹn trước, cả xóm có một ngày cùng bừng dậy buổi sáng sớm. Nhà nhà không thiếu một ai, gọi nhau í ới khiêng hết đồ đạc ra sân làm tổng vệ sinh. Lũ trẻ trong xóm thấy cảnh khiêng tủ giường chiếu, chén dĩa chất đầy lối đi là biết Tết sắp về, lòng lâng lâng vì sắp được nghỉ dài dài. Mấy người đàn ông cởi trần, bận xà lỏn lấy vòi nước xịt vào bàn ghế tủ, miệng xí xô xí xào. Từ đầu hẻm, lần lượt xuất hiện những người mua ve chai với quang gánh trên vai. May ra họ mua được ve chai của mấy nhà người Việt, chứ người Hoa sau khi rửa ráy, lau chùi đồ đạc xong lại đem cất vô. Riết rồi ngày cả xóm làm vệ sinh nhà cửa ăn Tết trở thành tập quán vui mỗi cuối năm, đến độ những người Việt trong hẻm cứ chờ, cứ đợi. Cứ gần Tết thì ngồi canh, đợi bà con người Hoa hò hét nhau thì cũng réo con: “Bữa nay tới ngày dọn dẹp, đi học về là dọn sạch nhà cửa nha con, sắp tới Tết rồi!”. Trước năm 1994, Nhà nước chưa cấm đốt pháo nên Tết mang sắc thái khác bây giờ. Giao thừa, cả hẻm đầy mùi thuốc pháo. Bài tứ sắc với những lá nhỏ xíu đủ màu được mang ra chơi. Ai cũng bận áo mới để may mắn cả năm, người qua kẻ lại tạo thành bức tranh vui và sinh động trong hẻm. Dù ai cũng thích Tết, nhưng đáng nhớ nhất lại là dịp Trung thu. Vì gần khu chế biến và bán bánh trung thu Đồng Khánh nổi tiếng, cả xóm lãnh gia công tách nhân hạt dưa. Một người lãnh mấy bao hạt từ lò bánh về chia cho cả xóm. Người trong hẻm ngồi theo từng nhóm, vừa gõ hạt dưa vừa trò chuyện tới tận khuya, càng khuya càng vui. Lúc đó còn mỗi đám thanh niên vừa gõ vừa hát hò, chọc ghẹo nhau. Đến lúc lãnh công, chủ còn đãi đám trẻ một bữa há cảo. Ngày Tết và Trung thu còn tùy vào sự xoay vần của thời gian, nhưng con hẻm còn có những ngày vui khác. Đó là ngày cưới. Vân được quan sát những ngày cưới rất vui của người Quảng Đông trong hẻm. Có mấy đám cưới mà hai nhà đều sống trong hẻm. Lúc đó, bên chú rể không cần phải thuê xe rước dâu, chỉ đi bộ. Điều lạ là khi rước dâu, bên nữ hai nhà dồn về phía cô dâu, bên nam hai nhà dồn qua phía chú rể, dù là chị chú rể hay anh cô dâu. Khi đàng trai tới, người lớn vào nhà hết và phía đàng gái bắt đầu trò chơi của mình. Họ ra điều kiện, muốn rước dâu, phía đàng trai phải làm theo các yêu cầu của họ. Các trò đưa ra: hít đất với số lần tùy đàng gái, hát một bài, chú rể phải cõng một người đi quanh sân vài vòng. Đàng trai làm theo các yêu cầu trong tiếng reo hò ầm ĩ của mọi người. Ai nấy mồ hôi nhễ nhại trong nắng, chú rể và các anh con trai diện láng coóng bị tung áo, sút cà vạt, thở phì phò, hoa cầm tay héo rũ rượi. Bên đàng gái còn sẵn sàng bày ra nhiều trò tai quái nữa cho đến khi người lớn giục sắp đến giờ rước dâu, họ mới tha cho nhưng ra yêu cầu về tiền lì xì. Số tiền cắc cớ, có thể là 9.999.999 đồng, không thiếu không thừa một đồng. Có khi chú rể nổi cáu: “Mệt quá, không rước dâu nữa!”. Có lúc đàng gái không mở cửa, chú rể nổi khùng lắc cửa rầm rầm. Cuối cùng, có tay trong là cô dâu, mọi chuyện diễn ra suôn sẻ, như trong bao đám cưới từ thời xa xưa ở cố hương của họ, được tái hiện trong cái hẻm nhỏ vùng Chợ Lớn này. Trong hẻm có một phụ nữ ở một mình nhưng thuê nguyên căn nhà. Cô bày biện trong nhà sáng sủa, sạch sẽ, nhìn vô ai cũng thích. Điều đáng nhớ là mỗi lần muốn ăn há cảo, cô mở rộng cửa, đặt cái bàn rộng giữa phòng khách. Cả xóm biết ý, ai rảnh thì đến nhà cô phụ nhào bột quanh cái bàn, nặn từng cái há cảo. Người hấp bánh, người nhào bột tưng bừng cả xóm. Xong việc, cô chia mỗi người một phần mang về. Từ nhỏ, Vân đã biết cô sống khá giả, nhưng không biết vì sao thui thủi không chồng không con, coi hàng xóm như người trong gia đình! Hẻm Tô Châu ở số 47 đường Trần Hưng Đạo B, xưa là đường Đồng Khánh – Ảnh: HOÀI LINH A Hỏi, A Hoành và những ngày thương nhớ Nhà A Hỏi sát vách nhà Vân. “Hỏi” gọi theo người Việt là Hải. Hai mẹ con đến đây thuê một phòng nhỏ trong con hẻm này khi mẹ ẵm con trên tay. Câu chuyện riêng của người phụ nữ này chỉ có ông chủ Tô Châu mới biết. Ông đi rồi thì bí mật mãi giữ trong lòng người đàn bà ấy. Bà và con trai âm thầm sống, sáng đẩy xe mì đi khắp nơi, mẹ bán, con rửa chén. Tới chiều nếu còn ế vài tô, bà đến lay cánh cửa sắt nhà Vân, giọng lơ lớ: “A Hoành đói không? Ăn mì không?”. Vân chỉ chờ có thế thôi, gật lia lịa. Mì hoành thánh của bà ngon lắm, không biết vì tuổi thơ háu đói hay vì tô cuối trong nồi, nước lèo đặc quánh và ngọt tê lưỡi, có cọng xà lách được rưới nhẹ nước lèo. A Hỏi phụ mẹ bán từ nhỏ khá vất vả, bán xong về rửa chén, dọn dẹp mà cứ bị la hoài. Mẹ A Hỏi luôn mắng con là ham chơi, nhưng Vân biết A Hỏi chỉ thích đi học như Vân. Vân tặng cho A Hỏi cuốn vần tiếng Việt, bắc ghế ra sân, chỉ từng chữ. Mười một, mười hai tuổi, A Hỏi bắt đầu học a bờ cờ như vậy đó, từ cô giáo Vân nhỏ hơn một tuổi. Thời gian trôi qua, A Hỏi vẫn ngày ngày đẩy xe mì hoành thánh đi bán. Có những ngày cúp điện lại mưa tầm tã, con hẻm Tô Châu biến thành sông, đồ đạc trôi lổn ngổn. Vân đi học về lội bì bõm vào nhà, vẫn thấy xe mì của hai mẹ con đẩy ra khỏi hẻm. Vân hỏi: “Mưa mà vẫn đi bán sao?”. A Hỏi cười: “Có để sẵn một tô cho A Hoành trong bếp, vô ăn liền đi nha!”. Vân lấy chồng, rời hẻm Tô Châu năm 1993 sau 12 năm sống ở đó, nếm trải đủ vui buồn trong cộng đồng người Hoa Chợ Lớn hiền hòa này. Ngày xuất giá, cổng nhà Vân dán hoa gắn lá. Trước ngày đó, Vân thấy A Hỏi buồn buồn, hỏi: “A Hoành lấy chồng hả?”, rồi… khóc. Vân chợt nhận ra, lâu nay từng tô mì hai mẹ con mời mình ăn có chứa rất nhiều tình nhiều ý. Theo TTO