Khi thèm phở, bạn chỉ việc đến trước chiếc máy tự động, chọn mua mấy tô, trả tiền và chờ khoảng một phút, máy sẽ ‘bưng’ cho bạn tô phở thơm ngon nóng hổi. Cô gái Sài Gòn trở thành nữ phi công trẻ tuổi nhất Việt Nam Giới trẻ Sài Gòn rộ trào lưu đi học làm son tươi, nước hoa handmade Sinh viên thưởng thức phở do máy bán tự động bán – Ảnh: T.TH. Chiếc máy do thầy và trò khoa cơ khí chế tạo máy Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM nghiên cứu, chế tạo theo đặt hàng của một doanh nghiệp, là máy bán phở tự động đầu tiên tại Việt Nam. Người hướng dẫn các bạn SV là TS Nguyễn Trường Thịnh – trưởng khoa cơ khí chế tạo máy. Phở, bánh mì, trà sữa: bán – mua tự động! Ba chiếc máy bán hàng tự động do thầy và trò khoa cơ khí chế tạo máy Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM nghiên cứu, chế tạo – Ảnh: T.TH. Ba sinh viên Phạm Ngọc Diện, Vòng Lỷ Phu, Nguyễn Hào Quang cho biết đã mày mò trong gần nửa năm để cho ra đời chiếc máy trên. Máy cao 2,1m, bề ngang 1,5m, sâu 0,8m. Tại ngăn giữ lạnh nhiệt độ 5oC, các bạn thiết kế đủ chứa 50 tô phở đã chuẩn bị sẵn, mỗi tô gồm 330g bánh phở, thịt, hành. Ngăn giữ nóng gồm có hai bình: một để chứa nước dùng, một để chứa nước trụng phở, hai bình này luôn ở nhiệt độ từ 70 – 90oC. Khi khách bấm nút chọn mua phở và đưa tiền vào máy, tô phở sẽ được chuyển từ ngăn giữ lạnh sang ngăn kế bên để trụng nóng và rót nước dùng, sau đó tô phở được chuyển ra khay cho khách cùng với muỗng, đũa tương ớt, chanh… Khi sắp hết nước dùng hoặc sắp hết tô, hệ thống sẽ nhắn tin cho người quản lý để bổ sung. Nếu có sự cố hay trục trặc, máy sẽ tự ngắt điện, đồng thời tin nhắn cảnh báo cũng được gửi về người quản lý. Để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, các bộ phận trong máy đều được làm từ inox, riêng bình chứa và ống dẫn nước dùng có thể tháo ra vệ sinh một cách dễ dàng. Ngoài phở, có thể dùng máy để bán bún, hủ tiếu… đều phù hợp. Ngoài máy bán phở, TS Nguyễn Trường Thịnh cũng hướng dẫn hai nhóm sinh viên chế ra máy bán bánh mì tự động và máy bán trà sữa, chè tự động. Trong đó, máy bán bánh mì tự động do nhóm các sinh viên: Nguyễn Minh Khoa, Nguyễn Anh Luật, Võ Minh Chí nghiên cứu chế tạo. Máy có thể chứa 120 ổ bánh mì có nhân. Sau khi người mua bấm lựa chọn loại bánh, loại nhân, số lượng và thanh toán tiền, máy sẽ chuyển bánh từ ngăn giữ lạnh qua lò nướng, nướng trong vòng một phút. Sau đó, chiếc bánh nóng giòn được tự động cho vào túi giấy cùng với gói nước tương, tương ớt và chuyển ra khay cho người mua. Máy bán trà sữa tự động do ba sinh viên Huỳnh Mạch Anh Ninh, Trần Duy Thành, Lưu Đức Trọng Nhân chế tạo. Máy có thể bán bốn loại trà với hai loại thạch khác nhau với số lượng 120 ly. Khách mua trà sẽ tự chọn loại trà, loại thạch trên màn hình, số lượng ly muốn mua sau đó đưa tiền vào máy và trong vòng một phút, yêu cầu của khách được thực hiện. Nghiên cứu theo đặt hàng doanh nghiệp: bệ phóng vào tương lai Sinh viên kiểm tra máy bán trà sữa tự động – Ảnh: Hồng Nhung TS Nguyễn Trường Thịnh cho biết vào khoảng quý 3-2016, một doanh nghiệp tại Hà Nội đã đến khoa cơ khí chế tạo máy ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM đặt vấn đề chế tạo ra ba chiếc máy nêu trên. Kinh phí để nghiên cứu và chế tạo thử nghiệm ba chiếc máy này vào khoảng 200 triệu đồng do doanh nghiệp tài trợ. TS Thịnh đã chọn các sinh viên năm cuối để lập nhóm nghiên cứu, chế tạo ba chiếc máy cũng chính là đồ án tốt nghiệp của các sinh viên. Cũng theo TS Thịnh, mỗi năm khoa cơ khí chế tạo máy nhận được từ 30-40 đặt hàng của doanh nghiệp để thiết kế, chế tạo giúp họ những chiếc máy phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh như máy gọt vỏ nha đam, máy xắt hạt lựu cho sản xuất nước giải khát, bánh kẹo, máy làm bánh giò, máy lau lá chuối, máy bóc hạt điều… Rất nhiều sinh viên đã được doanh nghiệp mời về làm việc sau khi dự buổi bảo vệ đề tài, cũng có những sinh viên khởi nghiệp từ các nghiên cứu này…