Tạm biệt những bận bịu, căng thẳng của cuộc sống hằng ngày, hãy thả bộ vào ngõ nhỏ ở Võ Văn Tần, ghé hàng cháo vịt Bé Ba để thưởng thức món ngon và lắng nghe âm thanh bình yên của cuộc sống… Cháo trắng Hàng Xanh – điểm ăn đêm thân quen của “cú đêm” Sài Gòn Thưởng thức món ngon sài gòn qua Quán bún vịt phải chờ mới được ăn Dạo gần đây có bộ phim tên là “Sống chung với mẹ chồng” làm xôn xao văn phòng tôi. Mấy chị đồng nghiệp hôm nào cũng bàn luận, kêu gọi nhau xem phim bà mẹ chồng khó tính nọ khắt khe với cô con dâu như thế nào… Thế mà trưa nay đi ăn cháo vịt, vu vơ hỏi chơi thì biết cái tên quán đáng yêu, lạ lùng là tên của cô con dâu bà chủ quán. “Bé Ba”, tên quán cũng chính là tên con dâu bà chủ. Nghe bà chủ gọi cô con dâu: “Bé Ba ơi, mang cho khách hai bát cháo vịt với đĩa gỏi nè con…”, mấy chị em bỗng thấy ấm lòng, gạt đi những suy nghĩ đâu đâu. Vài ba bộ phim mẹ chồng nàng dâu tivi ra rả chiếu mỗi ngày, mấy post nói xấu nhà chồng, kể khổ chuyện làm dâu bỗng trở thành chuyện tầm phào khi nghe tiếng gọi thân thương của bà mẹ chồng chủ quán giữa trưa Sài Gòn nắng oi nắng ả… Quán cháo vịt Bé Ba nằm khuất trong hẻm 175 ở đường Võ Văn Tần. Đi từ đầu ngõ, người ta đã nghe thấy tiếng chặt vịt đều tay của bà chủ quán. Ngõ nhỏ như vậy chẳng có nhiều chỗ để xe, thế mà lần nào đến đây cũng thấy quán đông đúc, nhộn nhịp từ trưa đến tối. Quán cháo vịt nằm khuất trong hẻm nhỏ Võ Văn Tần. Nhìn từ phía ngoài, những thân vịt béo múp míp, da căng, bóng lưỡng được treo sát nhau khiến ta không thể rời mắt, chỉ nhìn thôi đã thấy ngon mắt lắm rồi. Chưa kể, khi tiến lại gần, ngửi thấy mùi cháo vịt béo ngậy đang sôi sung sục trong nồi, bụng ta bỗng đói cồn cào. Cháo vịt được nấu trong nồi lớn từ nước luộc hàng mấy chục con vịt nên chưa ăn ta cũng thấy sự ngậy, ngọt ngào thơm béo. Những thân vịt óng ả bắt mắt gọi mời thực khách. Điều đặc biệt của quán nằm ở nước chấm. Nước chấm món vịt luộc sánh, đậm màu hổ phách, thi thoảng nổi lên những đốm tỏi sinh động. Nước sốt món gỏi vịt có hành tím và đu đủ vàng hoà quyện với nhau thành một màu vàng hấp dẫn ánh nhìn của mọi thực khách ngang qua. Những nguyên liệu ớt, hành phi, lạc rang nằm xếp bên nhau làm ta cảm giác như mình đang xem một bức tranh của nghệ thuật sắp đặt, mọi thứ đều vừa vặn, sạch sẽ và bắt mắt. Đặc sản của quán- món nước chấm sinh động cầu kì. Một góc “ẩm thực” của quán cháo vịt Bé Ba. Nhưng cái làm chúng ta sửng sốt, không chỉ có sự cầu kì, công phu của nguyên liệu món ăn, mà chính là tay nghề của người đầu bếp. Bác chủ quán đã già rồi, ngoài 70 nhưng làm gì cũng nhanh nhẹn đến bất ngờ. Cứ nhìn cái cách bác chặt vịt thì biết, chặt vịt chẳng phải là quen tay mà làm được, mà đòi hỏi bao nhiêu kỹ năng, tinh tế và sự tập trung. Bác chủ quán như một người thợ chuyên nghiệp say mê lách dao vào giữa xương sống của con vịt, một tay giữ, một tay cầm dao phay thành thục, điêu luyện giơ lên rồi đáp xuống thớt. Tay bác như có cỡ sẵn nên mấy mươi nhát chặt đều tay, không nhát nào cao, không nhát nào thấp tạo thành tiếng chặt vịt rất vui tai, nhịp nhàng như nghe tiếng trống khoan thai đều đặn. Tự nghĩ nếu là loài vịt kia mình cũng phải hài lòng sung sướng lắm vì đến cả khi lên mâm rồi, cũng đẹp đẽ, hấp dẫn và gọi mời.. Vịt được chặt đều tay, nằm thẳng thớm trên đĩa chờ đũa gắp. Còn gì hạnh phúc hơn cảm giác được cắn ngập miệng một miếng vịt quê béo mọng, thịt ngọt, không dai mà cũng không quá mềm. Vịt được chủ quán chọn lọc những phần ngon và nạc nhất dành cho khách kêu món luộc, cổ cánh vịt chặt riêng để nấu bún măng. Món vịt này chẳng thể ăn riêng, vịt chặt được ăn kèm với gỏi gồm các loại rau sống, trộn lẫn với nước gỏi cầu kì của chủ quán. Vào một ngày Sài Gòn nóng nực, người ta thật dễ “xiêu lòng” trước món ăn thanh mát, kích thích này. Món gỏi ăn kèm đầy màu sắc sinh động. Một trong những điều níu chân thực khách đến đây không chỉ là món ăn vừa sạch vừa được chế biến công phu, mà còn là cảm giác bình yên, thong thả của chủ quán và “nhân viên” phục vụ. “Nhân viên” trong quán là các bác đã có tuổi, ai cũng ngoài 70 rồi, nhưng mỗi lần khách kêu gì, yêu cầu gì, họ đều nhanh nhẹn và vui vẻ hết sảy. Các bác “nhân viên” của quán ngồi tán gẫu trong một trưa yên ả. Tôi đến quán vào một ngày trưa muộn, khi khách đã vãn và các bác cũng đang ngồi thong dong trước quán tán gẫu, cười đùa với nhau những chuyện vui vui. Họ chẳng có vẻ gì là những người đã có tuổi, họ lao động, họ lạc quan và khoẻ khoắn biết bao. Nhìn những người lao động có tuổi ấy trong cái ngõ nhỏ bên phố thị xô bồ, bỗng cảm thấy chẳng hiểu sao có những lúc ta thật nhỏ bé vì những áp lực, những ganh đua trong cuộc sống hằng ngày. Cuộc sống này bình dị thế thôi, lao động và yêu những gì ta đang làm kể cả khi ta già, thì tâm hồn ta vẫn phơi phới, trẻ trung, cuộc đời ta vẫn bình yên trước những điều vô thường. Và cả những chộn rộn mẹ chồng – nàng dâu cũng như biến mất, qua cách gọi ngọt lịm của bà chủ quán kêu con dâu: “Bé Ba con à…”. Theo ttvn.vn