Ngày mát rượi đi ăn chè 22 món, nghe cô Lộc kể chuyện hơn 40 năm bám xe chè để trả ơn Sài Gòn


Với cô Lộc, ngày ngày bán chè là cả một niềm vui, một sự trả ơn với cái đất Sài Gòn “nuôi” cô những ngày khó khăn nhất trong đời. Nên cô vẫn sẽ ở đây, tại góc đường này nhiều hơn con số 40 năm nữa.

Tìm một Sài Gòn xưa cũ, ngọt thơm ở quán chè nhỏ đã 60 năm tuổi

Quán chè Hoa đông khách trên đường Châu Văn Liêm

Sống ở Sài Gòn, hầu như đứa con nít nào cũng có một quán chè ruột, để mỗi trưa đi học về bạn bè rủ nhau sà vô làm vài ly ăn chơi, hoặc những chiều đi học phụ đạo, đứa nào đứa nấy đạp xe ù tè chạy tới quán chè quen, ngồi chênh chao trên mấy ghế cóc xanh đỏ kêu vài loại chè rồi nghe nhau kể chuyện trường lớp, nói xấu ông thầy này, bà cô kia, chê đồ ăn căn-tin, ghẹo mấy con chó của chú bảo vệ…Tâm lý học trò con nít khi đó như thể để cho những cuộc vui thêm phần hào hứng thì kế bên phải có ly chè.

Chiều mát rượi đi ăn chè 22 món, nghe cô Lộc kể chuyện hơn 40 năm giữ xe chè chỉ để... trả ơn Sài Gòn - Ảnh 1.

Chiều nay, một ngày đầu tháng 9, Sài Gòn đón mấy ngọn gió từ mé sông, mát rượi. Tôi chọn tìm về một xe chè quen để nhâm nhi, sẵn tiện hoài niệm một chút về thời học trò áo trắng của mình. Xe chè đó, có mặt ở cái đất Sài Gòn này cũng hơn 40 năm, từ hồi nó chỉ có bán món chè đậu ván vàng mượt đặc sản của xứ miền Trung thì đến nay nó đã có 22 loại chè các loại, loại nào cũng có từ chè đậu đen, đậu trắng, đậu xanh, cho tới chè chuối, chè thưng, thập cẩm, lạ hơn thì chè mè đen, chè bột năng lá dứa.

Hằng bao nhiêu năm xa rời thành phố, tôi cố quên đi bớt những kỷ niệm của mình vì thật tình mà nói, kỷ niệm chỉ là thứ khiến người ta khó lòng mà tha phương đi xứ khác, nhưng những ly chè ở đây, do chính tay cô Lộc múc cho tôi cùng đám bạn mỗi đứa mỗi ly, múc hoài đến mức thấy mặt là cô nhớ liền đứa nào ăn loại nào là thứ khiến tôi vấn vương hoài.

Chiều mát rượi đi ăn chè 22 món, nghe cô Lộc kể chuyện hơn 40 năm giữ xe chè chỉ để... trả ơn Sài Gòn - Ảnh 2.

Hôm nay ghé lại, xung quanh không có bè bạn, không còn như thời học trò nhẻm đen răng sún, tóc cháy vàng vì cái nắng Sài Gòn thiêu đốt nữa, vậy mà cô Lộc vẫn nhận ra tôi, nhận ra rồi hỏi một câu: “Sao lâu không thấy ghé!”, như thể cứ đi đâu thật lâu và thật xa thì Sài Gòn luôn là nhà, cố nhân hoài niệm vẫn thủy chung ngóng chờ, đến ngày gặp lại thì vỗ về nhau, xém chút là thưa gửi với cô như người trong nhà: “dạ, thưa má con mới về”.

Dù xung quanh đã không còn như cũ, hàng quán đã lên đời bằng những tòa cao ốc mỹ diệu, những quán cà phê sang chảnh, những trung tâm mua sắm sầm uất kẻ vào người ra, xe chè của cô Lộc vẫn ở đây, nép mình bên góc đường Nguyễn Bỉnh Khiêm – Nguyễn Đình Chiểu, nhỏ nhẻ đội nắng hứng mưa bán cho những thị dân Sài Gòn “hảo ngọt” và những thế hệ con nít, học trò năm này qua năm khác.

Chiều mát rượi đi ăn chè 22 món, nghe cô Lộc kể chuyện hơn 40 năm giữ xe chè chỉ để... trả ơn Sài Gòn - Ảnh 3.

“Ui! Thì kệ thôi, bán cho tụi nó ăn, ăn hoài cũng ngán, giờ thì nhà hàng sang chảnh đủ thứ, cô sao bì lại. Cô chỉ mong là tụi nó nhớ cô Lộc này từng bán cho tụi nó ăn, xoa đầu tụi nó như con mình, giữ cho tụi nó biết bao nhiêu kỷ niệm, là cô vui rồi” – cô Lộc cười, giải thích cho những “đứa con” từng là mối ruột ăn chè của mình mà nay mãi đâu đâu không thấy về thăm.

Tôi kêu cho mình ly chè đậu đen cốt dừa, ngồi xuống, thủng thẳng bắt chuyện với cô

– “Cô không buồn hả cô Lộc?”

– “Buồn chuyện gì con?”

– “Ờ thì bán cho mấy đứa nhỏ ăn, thương như con cháu mà hoài không đứa nào nhớ tới mình?”

– “Cần gì con ơi! Cô quen rồi mà, cuộc đời cô đi qua bao cuộc chia ly thì thêm vài cái có sao, cô vẫn ở đây thôi, ai nhớ thì về, không thì thôi”.

Chiều mát rượi đi ăn chè 22 món, nghe cô Lộc kể chuyện hơn 40 năm giữ xe chè chỉ để... trả ơn Sài Gòn - Ảnh 4.

“Cô quen rồi”, câu trả lời của cô hắt ra cái buồn bã mà hình như nó đã ướp sâu trong ký ức chỉ đợi đến lúc tôi hỏi, nó vùng vằng bật ra, khiến cô rưng rưng nước mắt. Tôi hiểu gì, biết gì về những cuộc chia ly của cô Lộc?

Cô Lộc sinh năm 1959 tại Quảng Ngãi, trong một gia đình cũng khá giả. Đến năm 1968, khi cô Lộc 9 tuổi thì cô vào Sài Gòn ở với người thân để đi học, trong lúc học cô cũng hay phụ bán ống khóa, cửa tủ các kiểu của Đài Loan ở chợ cũ Huỳnh Thúc Kháng. Thi thoảng vào những ngày có xổ số, cô cũng hay bán thêm vé số cho những người thích chơi trò may rủi để kiếm thêm, mặc dù lúc đó gia cảnh cũng không đến nỗi bắt cô phải bươn chải như vậy. Lý giải cho điều này, cô Lộc nói chỉ nói “chắc do cái nghiệp thích buôn bán nên từ nhỏ đã tập tành”.

Chiều mát rượi đi ăn chè 22 món, nghe cô Lộc kể chuyện hơn 40 năm giữ xe chè chỉ để... trả ơn Sài Gòn - Ảnh 5.

Chiều mát rượi đi ăn chè 22 món, nghe cô Lộc kể chuyện hơn 40 năm giữ xe chè chỉ để... trả ơn Sài Gòn - Ảnh 6.

Đến khoảng giữa thập kỷ 70, cô bị mẹ bắt về Quảng Ngãi, mẹ cô nói, về quê ở với gia đình cho chắc ăn, lúa thóc, ruộng đồng không lo đói khổ. Vậy mà cũng năm đó, khi cô về thì nhà cô gặp phải tai ương.

Cô Lộc kể những gì mình nhớ về, tất thảy đều cay đắng, cô gắn kết với cái xe chè hơn 40 năm tuổi này đều là vì khi đó gia đình cô sa cơ. Cô còn nhớ như in, cái năm “hỏa hoạn” thiêu rụi hết mớ ruộng đồng nhà. Đêm đó, cánh đồng hóa bãi lửa, lúa cuối mùa cháy nổ lốp bốp rồi tan ra thành khói bụi. Mẹ cô gạt nước mắt, mím môi bật máu nằm im thin thít trong nhà, bởi bà biết có ra đó thì chỉ đau lòng hơn. Từ một điền chủ, gia đình cô trở thành kẻ trắng tay.

Chiều mát rượi đi ăn chè 22 món, nghe cô Lộc kể chuyện hơn 40 năm giữ xe chè chỉ để... trả ơn Sài Gòn - Ảnh 7.

Từ đó, cuộc đời cô bước sang trang mới, một trang đời lam lũ cơ cực mà khi ngồi kể lại với tôi, cô rơm rớm nước mắt. Sau vụ cháy ruộng, cô phải tự mình kiếm sống, cô xin vào làm công nhân đường sắt, công việc khá nặng nhọc so với một thiếu nữ chưa tròn đôi mươi như cô. Nhưng cô vẫn cố gắng cho đến một ngày, cô bị tai nạn rơi xuống dòng sông cạn nước ở quê nhà, cô xin nghỉ việc. Sau đó, cô có chồng, chồng cô cũng là người cùng quê, cô có thai, nhà thì thiếu thốn, cô phải chạy vạy khắp nơi để tìm miếng ăn.

Năm 1979, khi con cô sinh ra, cô nhớ tới Sài Gòn, mảnh đất lành của những con người sa cơ lỡ vận khi đó, thế là đánh liều, cô bán hết tất cả vật dụng từ bình thủy, ấm nước, cái áo, cái quần, để chỉ đủ tiền mua một cái vé tàu lửa vô Nam. Ngày cô leo lên tàu lửa, trên tay cô là đứa con nhỏ, trong cái túi vải rách bươm không có gì ngoài một bộ đồ.

Chiều mát rượi đi ăn chè 22 món, nghe cô Lộc kể chuyện hơn 40 năm giữ xe chè chỉ để... trả ơn Sài Gòn - Ảnh 8.

Vào Sài Gòn, cô chỉ là kẻ trắng tay, không nhà không cửa, nghề ngỗng cũng không. Cô nói cô ở định ở nhờ nhà người thân, mà ngại, vì thời đó, ai muốn lên thành phố ở nhờ cũng phải đem theo bao gạo 10kg coi như quà, “chứ ai đâu nuôi mình hoài được hả con?”, cô Lộc nói. Nhưng cô nghĩ ra một cách để mình có thể ở nhờ:

“May mắn là hồi nhỏ mẹ cô có dạy cho cô nấu chè, thời đó Sài Gòn cũng ít ai bán chè, ít người biết nấu luôn. Nên cô nói dì cô là cô sẽ dạy cho nhà dì nấu chè, còn dì thì cho cô ở ké ít hôm trong khi tìm việc” – cô Lộc cười nói. Xong cô tìm mãi chẳng có việc gì, thôi thì cô nghĩ về cái nồi chè mẹ dạy, cô thử làm một nồi bán coi sao.

Chiều mát rượi đi ăn chè 22 món, nghe cô Lộc kể chuyện hơn 40 năm giữ xe chè chỉ để... trả ơn Sài Gòn - Ảnh 9.

Những ngày đầu mang nồi chè đi bán đây đó khắp Sài Gòn, cô có bán được đâu, vì người ta chưa quen, lại thời thế khó khăn, ai dư giả lắm mới ăn chè tráng miệng cho vui. Những khi ế, về nhà cô chỉ biết ăn bánh bèo chứ không có tiền mua gạo nấu cơm ăn, ăn bánh bèo hoài tới ngán.

Chiều mát rượi đi ăn chè 22 món, nghe cô Lộc kể chuyện hơn 40 năm giữ xe chè chỉ để... trả ơn Sài Gòn - Ảnh 10.

Cô nói, sau những lần như thế, cô chỉ biết cầu xin trời đất, cho cô buôn bán được, sống được với nghề. Cô lộc kể, hồi đó khó khăn, nhiều dân buôn rủ cô mổ heo giết thịt bán cho được giá, mà cô không dám, vì sợ sát sanh tội nghiệp. Cô cứ bán chè hoài, ngày nào cũng đẩy xe đi bán. Chẳng biết sau những lần khóc lóc quỳ chân mòn hai đầu gối để vịn niềm tin vào các “bậc vô hình”, hay vì sự bền bỉ của người đàn bà miền Trung đã làm lay động khách hàng, cô liền buôn bán được.

Cô kể với vẻ mặt háo hức: “Lúc cô bán được, cô đi chút xíu là hết nồi chè rồi. Cô biết ơn người Sài Gòn, vì người Sài Gòn lúc đó, thật sự họ không biết về cô nhiều nhưng ai ai cũng yêu thương mẹ con cô. Cô coi đó là may phước và một phúc phần rất lớn của mình”.

Chiều mát rượi đi ăn chè 22 món, nghe cô Lộc kể chuyện hơn 40 năm giữ xe chè chỉ để... trả ơn Sài Gòn - Ảnh 11.

Chiều mát rượi đi ăn chè 22 món, nghe cô Lộc kể chuyện hơn 40 năm giữ xe chè chỉ để... trả ơn Sài Gòn - Ảnh 12.

Vậy là từ đó đến nay cô gắn bó với nghề bán chè, ngót cũng 40 năm. Những ngày đầu cô chỉ bán chè đậu ván chuẩn vị xứ Quảng, nhưng sau đó cô vào nhà văn hóa phụ nữ thành phố học thêm các loại chè Nam Bộ khác làm phong phú hơn xe chè của mình. Hiện tại xe chè của cô có 22 loại, ai muốn ăn chè gì cũng có, chè gì cũng ngon mà được chính tay cô Lộc làm chỉn chu sạch sẽ.

Chiều mát rượi đi ăn chè 22 món, nghe cô Lộc kể chuyện hơn 40 năm giữ xe chè chỉ để... trả ơn Sài Gòn - Ảnh 13.

Chè đậu ván “huyền thoại” của cô thì dẻo thơm, ăn cùng nước cốt dừa béo béo bùi bùi, chè bột năng lá dứa thì miễn chê, ăn một muỗng nghe mùi lá dứa ôm trọn khứu giác, bột năng thì giòn giòn dai dai, nhai như nhai kẹo dẻo. Các loại chè đậu thì khỏi nói nhiều, 40 năm qua cô Lộc vẫn xuất sắc bảo toàn đúng hương vị như những ngày đầu tiên, đậu nào cũng mềm mịn, thấy trong nồi nó còn hình dáng từng hạt, chứ thử bỏ vô miệng thì nó tan ra trên đầu lưỡi, mát lành. Bánh lọt thì dai dai, lại màu xanh màu đỏ con nít thích mắt, ăn cũng rất thơm, vị ngọt lại vừa phải…

Chiều mát rượi đi ăn chè 22 món, nghe cô Lộc kể chuyện hơn 40 năm giữ xe chè chỉ để... trả ơn Sài Gòn - Ảnh 14.

Chiều mát rượi đi ăn chè 22 món, nghe cô Lộc kể chuyện hơn 40 năm giữ xe chè chỉ để... trả ơn Sài Gòn - Ảnh 15.

Đến bây giờ, khi ngồi lại để kể về những thăng trầm đã qua, cô Lộc nói cảm xúc vui buồn có đủ. Nhưng hơn hết, bây giờ cô đã và đang vẫn ở đây, tại ngay góc đường này, ngày ngày bán chè là cả một niềm vui, một sự trả ơn với đất Sài Gòn nuôi cô những ngày khó khăn nhất trong đời. Cô đã từng hứa với lòng, những gì mà cô mang ơn, cô sẽ trả bằng cách này hay cách khác.

Người Sài Gòn giúp cô những ngày đó, cô sẽ trả cho thế hệ hôm nay, ai đi ngang nghèo khổ như cô lúc đó, cô cho không lấy tiền, học trò xa quê lên Sài Gòn đi thi đi học, thấy nghèo cô thương cô cũng cho, ngày rằm người ta hay cúng ông bà, cô giảm giá bán cho những ai không có điều kiện, mấy người già tảo tần như ba má cô, phải đi buôn gánh bán bưng, xin ăn, bán vé số tạt ngang xe chè, cô cũng cố rủ họ ngồi xuống ăn ly chè cho mát lòng, ngọt miệng rồi đi đâu thì đi. Với cô, bán chè bây giờ không còn là một công việc kiếm tiền đơn thuần nữa, nó là một công cuộc trả ơn, trả nghĩa.

Chiều mát rượi đi ăn chè 22 món, nghe cô Lộc kể chuyện hơn 40 năm giữ xe chè chỉ để... trả ơn Sài Gòn - Ảnh 16.

“Giờ với cô, bán chè không phải là cái nghề nữa, nó là cái nghiệp của cô luôn rồi. Cô vẫn sẽ bán, bán cho tới khi nào không còn sức thì cô giao lại cho con gái. Cô nói với các con mình, nhờ chè mà lớn, nhờ Sài Gòn mà lớn nên bằng mọi giá phải là người lương thiện, phải biết thương những người như cô hồi đó. Có vậy, cô mới coi là mình đáp đền đúng những gì mà khi xưa mình quỳ xuống nguyện ước với trời đất” – cô Lộc nói.

Chiều mát rượi đi ăn chè 22 món, nghe cô Lộc kể chuyện hơn 40 năm giữ xe chè chỉ để... trả ơn Sài Gòn - Ảnh 17.

Quay lại chuyện tôi ghé thăm xe chè cô Lộc lúc này, hai cô cháu lo nói chuyện đến lúc mặt trời rụng xuống mất tăm sau mấy tòa cao ốc thành phố thì mới nhận ra, buổi đêm đang sà xuống và ánh đèn đường bắt đầu chớp chớp chuẩn bị thắp lên. Cô Lộc bảo tôi, tối rồi, thôi về đi để lát kẹt xe khó về nhà, cô còn bán tới 10 giờ đêm mới nghỉ.

Tôi ậm ừ gật đầu luyến tiếc vì vẫn muốn nghe chuyện từ cô. Trời nổi cơn gió hất vào xe chè, mấy bịch chè xanh đỏ va vào nhau lạch bạch như thể chào tôi ra về, tôi thầm thì nhả vào trong gió mấy chữ: “Dạ, thưa má con đi! Cảm ơn má vì má thương Sài Gòn”.

Theo afamily


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: