Ai ăn cơm bình dân Sài Gòn chắc cũng biết chữ này, cơm tháng, đơn giản là ăn cơm chỗ nào đó một tháng, được đóng tiền trước hoặc giữa tháng, hoặc quen thì đóng sau cũng được… dần nó thành một thành ngữ, để chỉ thứ gì đó bình dân, quen thuộc, thân thiết dữ lắm, ừ cái hẻm đó tao ăn cơm tháng mấy năm trời, hoặc như, ai chớ bà Năm La hả, tao ăn cơm tháng nhà bả luôn… Sinh viên càng phải biết chữ này, đời sinh viên khó khăn nên thường đóng trước tiền ăn nguyên tháng, rồi lấy cái phiếu, ăn bữa nào xé phiếu bữa đó. Cái lợi của cơm tháng là yên tâm, không lo đói nguyên tháng đó, lúc có tiền cứ trích tiền đóng tiền cơm tháng, rồi yên chí lớn. Sinh viên, dân lao động xích lô ba gác, dân bốc xếp, chợ búa mấy khu càng bình dân càng chuộng cơm tháng, đến bữa cứ ra ăn, chỗ dễ dãi quen biết cho chọn món thoải mái, cơm canh bao no còn tặng trái chuối ly trà đá, chỗ khó khăn thì qui định món được kêu, nhưng nói chung ai quan tâm, chỉ cần có cơm, có cái gì mằn mặn, yên bụng qua bữa là được. Cái bất lợi là phải ăn riết một chỗ, có đi đâu cũng ráng về chỗ quán cơm ruột mà ăn, vậy thôi. Có quán này, cơm bình dân, nghe kêu tên chị chủ, là quán chị Phượng. Quán chị bán cơm bình dân, một phần trong nhà và ba phần là ngoài hẻm, ghế bàn nhựa, chén dĩa cũng nhựa, ngoài lề đường thì che bậy bạ bằng mấy cây dù khuyến mãi, toàn thấy sinh viên, bán báo, vé số, xích lô, xe ôm vô ăn. Cơm chị Phượng nấu ngon, cơm không trắng nhưng gạo nở thơm phức, canh chua rau giá xanh um, cá lóc từng khứa hay cá rô mề nguyên con kho tộ đúng kiểu miền tây, cá trê chiên dòn mắm gừng hay canh cải thịt băm không thua mấy nhà hàng, trà đá để một bình lớn, sạch sẽ mát mẻ, một phần cơm có mười bảy ngàn, món nào mắc lắm chừng hai chục ngàn, giữa trung tâm Sài Gòn thì giá đó là quá rẻ, mà cơm tháng 30 ngày chỉ tính có 25 ngày thôi, ai mà không thích chớ. Buổi trưa buổi chiều khách đông lắm, chị Phượng luôn tay luôn miệng, mẹ chồng chị và đứa con gái lớn đi học về cũng ra phụ quyết liệt mà vẫn không ngớt việc, mấy khách cơm tháng phải vô phụ dọn bàn, dọn dĩa, tự múc cơm, múc canh… Người cơm tháng nhiều quá, thành ra quen biết nhau hết, gặp nhao xôn xao, bữa nay chạy khá không mậy, sáng giờ được trăm vé chưa con, cô ba bữa nay mua trúng lô vỏ lon ngon lành hén… rào rào như cái chợ nhỏ, chị Phượng mặt đỏ phừng vì mệt vẫn chào hỏi, cười tươi với khách, anh Ba hết tháng rồi nha anh Ba, Tú ơi tháng này em dư hai bữa, để mai ăn luôn hay sao cưng ơi… Có quán này, cơm bình dân, là quán chị Phượng, chị Phượng chồng chết, có hai đứa con, gái lớn đâu mười sáu mười bảy, trai nhỏ mới chừng mười tuổi, đều đang tuổi ăn học, cái nhà quán cơm nhỏ xíu, chừng chục thươc vuông, được cái mặt tiền, chị mướn lại của người ta, bà chủ nhà thấy chị buôn bán không lời mấy nên coi như cho chị bán không, tính tháng có hai triệu với trả tiền điện nước thôi. Chị cất cái gác nhỏ, đem mẹ chồng về ở chung, mẹ con bà cháu có nhau. Mẹ chồng chị cũng già lắm rồi, chắc đã ngoài tám mươi, cũng hơi lẫn lẫn, gặp ai cũng nói, biểu con Phượng lấy chồng khác, đi bước nữa đi, mà nó hổng chịu, buôn bán một mình cực quá. Có bữa nọ, đâu hơn hai giờ chiều, chị Phượng lục đục dọn rồi mà có khách cơm tháng mới lừng lững đạp chiếc xích lô về ăn, chú Năm ơi đi đâu về trễ dữ, con hết đồ ăn, thôi chú ngồi đây con chiên bậy mấy cái trứng ăn nha chú. Chú Năm xích lô không đi một mình, ông chở theo một anh tây to béo, làm hai phần luôn cô Phượng, cho thằng này ăn với, tui bao nó, tính vô tháng cho tui. Anh chàng Tây có vẻ đói lắm, quất sạch dĩa cơm trứng chiên, trái chuối với ly trà, lúc nghe nói được ông Năm bao, nó cười ha hả, cám ôn cám ôn, xong ra, nó ra dấu biểu ông Năm ngồi lên xe, để nó đạp chở ông Năm đi. Chiều muộn ông Năm đạp xe xích lô không quay về hỏi, tui thiếu cô mấy tháng rồi cô Phượng, dạ có hơn hai tháng mấy, để con lật sổ coi, mà chú có tiền chưa, không có thì để lo tiền thuốc cho thím Năm đi chú ơi, chú cứ ăn rồi vài bữa có trả. Chú năm cười, đưa tờ trăm đô, cái thằng Tây đó, tưởng nó kẹo kéo, trả giá thấy ớn luôn, đi một vòng Sài Gòn mà nó trả có năm đô, vậy mà tui đãi nó dĩa cơm thôi, cái nó cho luôn một trăm đô, tui phải lật đật đi hỏi người ta, chớ sợ đô giả đó cô Phượng, thằng tốt bụng thiệt đó. Chị Phượng cười tươi, khách trong quán ai cũng ra cầm tờ trăm đô săm soi, cha Năm bữa nay trúng mánh quá, được hơn hai triệu bạc cuốc xe, ờ ờ, cô Phượng ơi, tui trả hết tiền cơm tháng, còn dư đãi bà con bữa chiều nay nha, được được chú Năm, bữa nay vui quá xá. Theo Đàm Hà Phú