Năm 1966, trong nhà tôi xuất hiện một vật quý mà cả nhà không thể tưởng tượng được. Đó là một cái Ti vi hiệu Denon thuộc hãng Columbia của Nhật, 19 inch. Khi ba mở ti vi trong thùng ra, anh em ta tôi hét lên vang xóm và lập tức trẻ con trong hẻm chạy đến ngay, bu đầy cửa cái và cửa sổ. Đây là cái ti vi thứ hai của xóm mag ba tôi mua với giá 5.075 đồng tiền lúc đó. Trước đó, chỉ có nhà dượng Hai Mỹ, một ông Chủ sự (trưởng phòng) tại Air Việt Nam làm việc ở sân bay Tân Sơn Nhứt mới mua nổi. Xóm tòan dân lao động nên ti vi là một sân khấu miễn phí được xem hằng tối. Nhà Dượng Hai Mỹ có sân rộng nên số người ngồi trước sân nhìn vào cái ti vi nhỏ cũng phải tới sáu, bảy hàng. Dượng Hai phải mở âm thanh hết mức cho tới tai người hàng cuối. Ban đầu chỉ phát mỗi ngày có một giờ, sau lên hai ba giờ. Cái ti vi nhà tôi gánh bớt người xem cho nhà Dượng Hai, luôn đầy ắp người đến xem nhất là tối cuối tuần có cải lương. Họ đến giữ chỗ khi ti vi chưa mở, ngồi cho tới hết chương trình mới lao xao đứng dậy tìm dép. Mỗi ngày đều trôi qua như vậy cho đến mấy năm sau. Đến giờ, tôi vẫn nhớ những chương trình thật hay của đài truyền hình Sài gòn trong suốt tuổi thơ của mình. Đó là chương trình ca nhạc thiếu nhi Tuổi Xanh của kịch sĩ Kiều Hạnh, chương trình Quê ngoại đậm đà tình quê hương của Nhạc sĩ Bắc Sơn. Về ca nhạc có chương trình của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ với nhạc kịch Ả đào say, ban hợp ca Thăng Long với các ca khúc Ly Rượu Mừng, Ngựa phi đường xa, ban diễn tấu AVT. Cải lương thì ban Dạ Lý Hương, ban Thanh Minh- Thanh Nga… Xem qua đài Mỹ thì có các phim Wild wild west, Combat, Lạc trong không gian, Lỗ tai lừa…Thời sự chiến tranh hay các chương trình của người lớn thì lứa chúng tôi còn nhỏ nên không màng tới. Mấy năm sau đó, báo Thế Giới tự do phát không cho dân chúng có đăng loạt bài nói về lịch sử phát triển của đài truyền hình Sài Gòn. Ba tôi cất giữ chúng trong tủ sách. Gần đây, tôi tìm thấy chúng, kẹp bên trong tờ báo là cái hóa đơn mua ti vi của ông. Ảnh: báo Thế Giới Tự Do. Theo thông tin trên báo, kế hoạch phát triển truyền hình tại miền nam đã có từ rất sớm, cách nay nửa thế kỷ rồi. Đầu năm 1963, vài hãng doanh thương Nhật Bản đã đề nghị với chính quyền VNCH ký hợp đồng để được quyền khai thác vô tuyến truyền hình (VTTH) một thời gian và sau đó sẽ trao lại cho chính quyền. Nhưng đề nghị này không được chấp thuận. Sau cuộc lật đổ ông Ngô Đình Diệm tháng 11, người Mỹ thiết lập hệ thống VTTH cho quân đội của họ tại Việt Nam. Đồng thời họ giúp thành lập một đài truyền hình và đào tạo chuyên viên Việt Nam để tự điều hành các hoạt động. Năm 1966, chính phủ VNCH khánh thành đài vô tuyến truyền hình đầu tiên, đồng thời thành lập Nha vô tuyến truyền hình Việt Nam đặt tại Trung tâm điện ảnh. Nhiệm vụ của Nha là hằng ngày cung cấp các chương trình cho Đài VTTH Sài Gòn trên băng tần số 9. Về tổ chức, Nha này thuộc Bộ Thông tin, có Giám đốc điều hành, 4 Sở , một Đài Trung ương và 2 đài địa phương (Huế và Cần Thơ). Trực thuộc Nha có các Sở Quản trị, Sở Chương trình, Sở Thời sự và Sở Kỹ thuật. Lúc đó, tuy ngành truyền hình tương đối mới mẻ nhưng đã thu hút người xem vì đã có một số máy đặt nơi công cộng và các nhà khá giả đã mua máy thu hình kể cả một số nhà trong hẻm sâu như nhà tôi. Để đào tạo chuyên viên, chính phủ VNCH cử tám người sang Đài Loan thụ huấn trong 6 tháng cùng hai học viên khác do cơ quan Viện trợ Văn hóa Á Châu cử đi, tổng cộng là 10 người. Trong đó có một người là Tổng thư ký Bộ Quốc gia Giáo dục và hai cô nhân viên thuộc Bộ học về chương trình giáo dục bằng VTTH, hai người thuộc Thông tin Công giáo. Phía Nha VTTH có các nhân viên học về kỹ thuật, về làm chương trình và về đạo diễn. Đến Đài Bắc, các học viên được tập huấn tại Quang Khải Xã, đài truyền hình lớn nhất Đài Loan lúc ấy. Họ được làm quen với tất cả các công đoạn làm chương trình truyền hình như lập kế hoạch, viết bản tóm lược, phân cảnh, đạo diễn, quay phim, thu hình, âm thanh, bày trí phông, hướng dẫn diễn viên và hóa trang. Người hướng dẫn là chuyên viên thuộc Quang Khải Xã và từ hai đài truyền hình ở Đài Trung và Đài Nam. Họ được sử dụng máy móc giống như dàn thiết bị mới được trang bị ở Sài Gòn. Trong khi lưu lại, họ được dự các buổi phúc khảo hoặc việc sản xuất thực tế của các chương trình thường xuyên của Quang Khải Xã. Khóa huấn luyện kết thúc vào cuối tháng 3 năm 1967. Sau khi về nước, họ đã có thể sản xuất trọn vẹn một chương trình và nhanh chóng bắt tay vào việc. Ảnh: báo Thế Giới Tự Do. Cần nhắc lại, trước đó, từ tháng 1 năm 1966 đến tháng 12 năm 1967 hệ thống VTTH Sài gòn chỉ có một phim trường rất nhỏ tại Trung tâm Điện ảnh số 15 Thi Sách, Sài Gòn. Trong thời gian này, các chương trình kể cả tin tức đều được thu vào băng từ hình (Video tape) rồi được chuyển lên hai máy bay Constellation để phát theo hệ thống Flying station, vì thế hình ảnh thường bị rung, mờ , không rõ. Buổi truyền hình đầu tiên phát vào ngày 29 tháng 1 năm 1966. Trong buổi phát, máy bay vận tải Super Constellation 4 động cơ đặt tên là Ô-xanh 2 bay ở độ cao ổn định là 3.150 mét. Mỗi tối máy bay này chở 56 ,5 tấn máy móc rời phi trường Tân Sơn nhất lên tới độ cao nhất định tại một địa điểm phía đông nam Sài Gòn khoảng 32 km rồi từ đó bay theo một lộ trình không thay đổi, lập lại mỗi đêm với tốc độ ổn định là 271 km/giờ. Máy bay bay suốt 4 giờ liên tục từ 7 giờ đến 11 giờ đêm mới hạ cánh lại Tân Sơn Nhất. Từ 8 giờ máy bay phục vụ cho chương trình truyền hình thứ nhì loan tin và giải trí cho quân đội Mỹ đến 11 giờ. Trong máy bay có 2 máy truyền hình mạnh 2000 kw, 2 máy thu hình và tiếng vào băng, 2 hệ thống kiểm sóat âm thanh, 2 hệ thống vô tuyến điện ảnh dùng phim 16 ly, tất cả đặt trong một không gian nhỏ hẹp trên máy bay. Phía sau phi cơ có một máy chạy dầu cặn để chạy một máy phát điện 100 kw dùng cung cấp điện cho hệ thống máy lạnh nặng trên 10 tấn. Ngoài thân máy bay còn đưa ra 8 ăng ten để phát các làn sóng điện vô tuyến truyền hình. Các máy móc ấy trị giá nửa triệu đô la thời ấy. Các làn sóng điện đem theo hình ảnh và âm thanh có thể được tiếp nhận tới các nơi xa Sài gòn như Cam Bốt (cách 120 km), Đà Nẵng (608 km), Cà Mau (206 km). Tuy nhiên Sài Gòn và 7 tỉnh lân cận mới tiếp nhận hoàn hảo. Vào khoảng cuối năm 1967, hệ thống này được mở rộng hơn, hai máy bay Constellation được thay bằng máy bay Blue Eagle. Sau đó, kế hoạch xây cơ sở truyền hình quốc gia bắt đầu được thực hiện. Gồm 34 tòa nhà: một tòa dành cho 2 máy truyền hình mạnh, mỗi máy 25.000 watt và 2 cái dùng đặt tại văn phòng, phòng thu hình và thu thanh, kho vật dụng…dựng một trụ sắt cao 90 mét, trên nóc trụ gắn 1 ăng ten cao 24 mét phát đi các làn sóng điện. Chi phí lúc đó là 28 triệu đô la Mỹ một phần do nước Mỹ đài thọ. Đến tháng 3 năm 1968, khi đài truyền hình mới đã được xây xong tại số 9 Hồng Thập Tự, Sài Gòn (nay là trụ sở Đài Truyền hình TPHCM) thì nhờ có trụ phát tuyến cao nên hình ảnh được rõ ràng, không còn mờ rung như khi phát hình bằng máy bay nữa. Từ đó các chương trình đầy đủ và phong phú hơn với thời lượng phát là 3 giờ mỗi đêm, trong khi trước kia chỉ khỏang 1 đến 2 giờ. Ảnh: báo Thế Giới Tự Do. Năm 1968 xảy cuộc Tổng tiến công Mậu Thân, nhà tôi đưa ti vi vào phòng trong, cả nhà chui xuống bộ ván dày có chất bao cát phía trên để tránh đạn pháo và ló đầu ra theo dõi màn hình ti vi đang chập chờn. Tôi không nhớ gì về chương trình truyền hình lúc đó nhưng ti vi vẫn có ca nhạc có lẽ được thu trước và tin chiến sự đang xảy ra trong thành phố. Tuy mục đích là phục vụ chính trị, thông tin tuyên truyền cho nhà nước VNCH, Đài Vô tuyến Truyền hình Sài gòn đã xây dựng nhiều chương trình văn nghệ và giáo dục hấp dẫn với rất nhiều tiết mục hay của các ban nhạc, đoàn cải lương, đoàn kịch tư nhân với nhiều tâm huyết trong việc cổ súy lối sống lành mạnh, không lai căng và hướng về dân tộc. Đặc biệt, hầu hết các ca sĩ thời đó được yêu cầu nghiêm ngặt trong trang phục, đa số nữ ca sĩ bận áo dài khi ca hát hay diễn kịch trong vai phụ nữ Sài gòn hiện đại. Nhiều vở kịch phản ánh rõ đời sống của người dân nghèo thành thị trong hòan cảnh tao loạn chiến tranh, những cảnh đời bi đát và những nhân vật cố chống lại sự tha hóa trong đạo đức, đó là các vở kịch của Đòan Kim Cương, Dạ Lý Hương như Dưới hai màu áo, Lá sầu riêng, Tấm lòng của biển, Con gái chị Hằng…làm rớt nước mắt từ già đến trẻ. Có lẽ đó chính là những dấu ấn tốt đẹp không phai mờ mà người Sài Gòn còn nhớ về một thời xem truyền hình trước kia ở thành phố này. Theo Phạm Công Luận – Sài gòn, chuyện đời của phố tập 2.