Chi hội trưởng Hội phụ nữ khu phố 2, phường 3, quận 5 (TP HCM) tự tay dọn rác, vận động trồng cây xanh, giúp người tàn tật có điều kiện chữa bệnh. Bà đã được Thành phố tuyên dương. Người dân khu phố 2, phường 3, quận 5, TP HCM thường gọi bà Trần Tú Nga là “bao đồng” vì đã hơn 7 năm nay người phụ nữ tóc đã muối tiêu thường tự nguyện dọn dẹp rác để làm sạch phố phường. Người phụ nữ 67 tuổi ngày đêm cầm chổi đi khắp hẻm 351 An Dương Vương quét dọn. Nhiều người thời gian đầu cho rằng, bà rảnh việc đi làm chuyện dở hơi nhưng lâu dần thấy quen lại tỏ ra khâm phục và luôn phải cảm ơn. “Nhờ có chị Nga mà khu phố ngày càng sạch đẹp hơn, người già trẻ con nhờ đó cũng có chỗ vui chơi”, chị Nguyễn Thị Hường, một người dân trong khu phố nói. Bà tâm sự: “Rác đầy đường mà để vậy thì kỳ lắm. Tôi tự nguyện dọn dẹp cho mọi người cùng sạch sẽ, cũng là nâng cao nhận thức cho cư dân trong xóm”. Không chỉ đều đặn dọn rác, bà Nga còn đến từng hộ dân để vận động mọi người cùng trồng cây xanh trước nhà, giữ gìn môi trường xung quanh. Đi ngoài đường, thấy tờ quảng cáo, rao vặt nào dán nhem nhuốc trên tường bà lập tức bóc bỏ. Bà được tin tưởng bầu làm Chi hội trưởng Hội phụ nữ khu phố. Vốn là người có trách nhiệm, mọi công việc người phụ nữ 67 tuổi đều cố gắng hoàn thành tốt để không phụ sự kỳ vọng của cư dân. Tóc đã bạc, chân tay hay nhức mỏi lại không biết lái xe máy nên mỗi lần đi họp trên phường hay đến từng hộ dân giao giấy tờ bà đều đi bộ. Bà Nga luôn quan tâm, tìm hiểu đời sống của mọi người trên địa bàn. Hễ ai gặp khó khăn, bà đều chạy khắp nơi để xin hỗ trợ. Điển hình là trường hợp của anh Lương Tô Nam bị tật nguyền, đi bán vé số dạo nuôi con. Bà đã đề xuất với chính quyền hỗ trợ cho anh Nam tiền thuốc men chữa bệnh, cấp học bổng để các con anh đến trường. Mỗi lần anh đi khám, bà lại dúi vào tay ít tiền để người đàn ông tật nguyền có kinh phí thuê xe ôm, mua thuốc. Bà Nga từng là nữ sinh của Trường Văn khoa Sài Gòn những năm 60. Nhưng vì kinh tế khó khăn bà đã ra trường lấy chồng rồi nghỉ dạy. Năm 1991, hai vợ chồng bà mở hàng tạp hóa ở chợ Bàu Sen buôn bán. Chồng bà Nga vốn hiền lành, thương vợ. Một mình ông gánh vác việc nhà và buôn bán để bà có thể yên tâm làm các công việc xã hội. Niềm vui mỗi buổi tối trong gia đình của bà là sum vầy bên gia đình, cùng học bài với cháu gái 5 tuổi. Hoạt động năng nổ trong mọi hoạt động ở cái tuổi chạm ngưỡng 70, những cống hiến của bà đã được Thành phố tuyên dương “Tấm gương người tốt việc tốt”. Nguồn: zing.vn