Nói đi nói lại cũng từng này chuyện, nhưng không làm sao kể hết những chuyện dễ thương của người Sài Gòn. Đôi điều về người Sài Gòn Đã là người Sài Gòn, dù có rời xa bạn cũng không thể quên 10 điều “độc nhất vô nhị” này Nói về cái hào sảng của người Sài Gòn thì ai từng đến thăm hoặc sống ở mảnh đất này cũng biết: có nói hoài, nói hoài cũng không hết chuyện. Vùng đất gì mà toàn những chuyện dễ thương, ngay cả lúc tương trợ khúc ruột miền Trung cũng thế – vẫn giữ nguyên cái sự mộc mạc, chân chất mà thương ơi là thương ấy. Sài Gòn mùa này hay mưa bất chợt, đi ra đường một tí là “lãnh đủ” rồi. Nhưng sau khi đọc những chia sẻ vào một buổi sáng Sài Gòn mùa ẩm ương của anh Trần Triều, thì ai nấy đều cảm thấy ấm lòng ngay… “Sài Gòn thì vầy, có hai chuyện đáng yêu vầy. 1. Đợt trước, Hội Chữ Thập Đỏ TP.HCM có sáng kiến thu quỹ cứu trợ ngay ngoài lề đường, đề rõ to dòng chữ ‘cứu trợ khẩn cấp’. Đặt ba chốt như vậy trước cổng Hội, đường Nguyễn Thị Minh Khai, mỗi chốt đều có cờ Chữ Thập Đỏ phấp phới mời gọi. Rất nhiều người dừng xe lại móc tiền cho vào thùng. Có những đứa bé được cha mẹ chở đến bỏ tiền vô thùng. Có người đi xe lăn cố leo lên lề để với tay bỏ vào được chút tiền lẻ. Có chị công nhân dừng xe rác lại và móc ra những tờ tiền cáu bẩn cho vào. Xe bus dừng đèn đỏ gần đó, có bà cô bà thím kìm lòng không đặng đã móc tờ tiền ra huơ huơ ở cửa xe để nhân viên Chữ Thập Đỏ chạy ra thu. Cưng hông! NGƯỜI SÀI GÒN CỨU TRỢ ĐỒNG BÀO. (ẢNH: TRẦN TRIỀU) Lúc mình đến chụp hình để đăng báo, có anh kia bỏ tờ năm chục vô rồi, mình nói chụp chưa đạt anh ơi, anh bỏ lại đi, cái anh móc tờ một trăm ra bỏ vô, cái mình nói em xin lỗi em canh sai nét rồi anh bỏ lại lần nữa đi anh ơi, cái anh móc ra tờ hai trăm bỏ vô, cái mình nói anh ơi cho em thêm lần cuối, em chụp rung tay quá, cái anh gãi gãi đầu nói anh hết tiền mất rồi. Rồi lại gãi đầu và cười rồi đi. Cưng quá chớ. Cứ vậy đó, ai cũng lẳng lặng tạt vô bỏ tiền vào thùng rồi rồ ga đi. Chắc là lúc đi thì lại nghĩ đến cảnh đồng bào miền Trung đang màn trời chiếu đất rồi tự rưng rưng trong lòng. 2. Đợt trước có chương trình cứu trợ cho người miền Trung, có chị phụ trách chương trình từ thiện bên Đài tiếng nói TP.HCM gom được quá trời quà, mà ngặt phải tìm xe tải 5 tấn để vài bữa nữa chở ra cho bà con miền Trung. Chỉ vừa hô lên, à quên, vừa la lên trên FB thì có chục ông tài xế xe tải ở Sài Gòn nhất tề xung phong chở 5 tấn hàng cứu trợ từ Sài Gòn ra Quảng Bình. Cuối cùng anh Ân ở Hóc Môn được chọn. Ảnh có chiếc xe tải – cần câu cơm duy nhất của gia đình – mà ảnh dám bỏ ra cả tuần để chạy công không, chuyển hàng cứu trợ ra miền Trung đó. Có một bác tài khác, không quen biết anh Ân mà cũng xung phong đi cùng để đổi tài và phụ bốc hàng. Một số bác tài khác thì xung phong góp xăng, cứ một người vài chục lít xăng vậy đó. Vài bữa nữa hai ảnh xuất phát. Hỏi anh Ân: ‘Sao anh xông pha đi chuyến không công dài hơi vậy?’, ảnh nói gọn bâng: ‘Ngó thấy đồng bào mình không chớ ai, nghĩ xót xót trong dạ là làm thôi, có nghĩ gì nhiều đâu’”. Tài sản của người Sài Gòn thì có gì nhiều đâu, chỉ có mỗi tấm lòng thôi. Ai cần, ai khó, ai khổ gì, mặc dù bản thân cũng không giàu có, nhưng người Sài Gòn có bao giờ ngại đưa tay ra giúp đỡ đâu. Bởi người Việt Nam nói chung và đặc biệt là người Sài Gòn có châm ngôn sống đơn giản mà đậm nhân nghĩa, gói gọn trong hai chữ “làm phước”. Làm phước để nhận lại phước. Làm phước cho đời con cháu không khổ. Làm phước để tránh tai ương bệnh tật. Mà đôi khi, làm phước cũng chỉ để… làm phước, mình giúp được người ta cái gì thì mình giúp thôi! Đã sống ở Sài Gòn thì kiểu gì cũng chân chất, hào sảng, tốt bụng như nhau thôi. Như chị công nhân vệ sinh, mấy anh tài xế xe tải, một ai đó không may mắn gắn liền cuộc đời cùng chiếc xe lăn… họ đâu giàu có dư dả gì, nhưng có chút lòng thành, lòng thương người thì góp vào thôi. Người không có của thì sẽ góp công, như những anh tài xế xe tải “dễ cưng” trong chia sẻ của anh Trần Triều. Vậy đó, sống ở Sài Gòn, người ta nhìn nhau mà làm việc tốt, không bằng cách này thì cũng bằng cách khác. Đúng là “dễ cưng” không biết để đâu cho hết! Người Sài Gòn đó, “thấy xót xót trong dạ là làm thôi, có nghĩ gì nhiều đâu”… Theo thethaovanhoa