“Ở Sài Gòn cả đời chưa chắc thành người Sài Gòn đâu” – nhiều bạn đọc khẳng định, vì theo một bạn đọc Sài Gòn gốc (ba, bốn đời ở Sài Gòn), “người Sài Gòn sống đơn giản, hồn nhiên lắm, có khi quê hơn nhà quê” . Chỉ mấy câu chuyện vụn vặt thôi đã thấy người Sài Gòn dễ thương quá chừng! Chuyện người Sài Gòn “quỡn” 12g trưa 12-12, khu vực ngã tư Hàng Xanh nắng chang chang, các hàng xe vẫn đậu xe ngay ngắn ngay vạch đèn đỏ – Ảnh: M.C Đại lộ Mai Chí Thọ (Q. 2, TP.HCM) lúc 23g đêm hoàn toàn không có xe qua lại, một bạn trẻ bảng số F (Q. 3, TP.HCM) vẫn đứng chờ đèn đỏ rất nghiêm túc, ngay vạch – Ảnh: M.C Ngã tư Đinh Tiên Hoàng – Phan Thanh Giản (nay là Điện Biên Phủ) nhưng năm 60 thế kỷ trước, dù đường vắng, không có vạch chờ đèn đỏ nhưng xe cộ dừng đèn đỏ rất đàng hoàng – Ảnh tư liệu Bạn Nguyễn Trọng Minh: “Ở miền Bắc vào, tôi thú vị nhất là các quán ăn vỉa hè khu trung tâm TP.HCM rất sạch sẽ, gọn ghẽ và giá cả không hề phân biệt người ở đâu, trong hay ngoài nước đều giá như nhau” – Trong ảnh dãy quán vỉa hè bên hông chợ Tân Định, một chợ Sài Gòn xưa trưa 12-12 – Ảnh: M.C Một khu chợ Sài Gòn xưa (không rõ khu vực nào) cuối thế kỷ 19 bày hàng rất gọn ghẽ, văn minh – Ảnh tư liệu Có lẽ cơ sở để bạn Sài gòn gốc có nick (biệt danh) Nhà Quê này ngạc nhiên khi phát hiện “một số không ít các bạn trẻ hiện nay ở miền Tây nam bộ, không biết ca cổ vì sợ xem là nhà quê”. Người Sài Gòn sống hồn nhiên như bà con miền quê Nam bộ Xin bắt đầu từ chuyện đơn giản nhất là chỉ đường. Nếu không hồn nhiên Nam bộ vậy thì sao như bạn Xe Ôm lại cho rằng: “Chỉ cần ai hỏi địa chỉ số nhà, đường nào mà chở, hướng dẫn người đó đến đúng địa chỉ thì có thể nói là người Sài Gòn rồi”. Từ đó, theo bạn nguyen thuan, “trở thành người Sài Gòn đơn giản thôi: 1. Nếu ai hỏi đường thì chỉ cho đúng đường chứ đừng chỉ ngược (hỏi đường đến Hòa Hưng lại chỉ về Bà Quẹo). 2. Không soi mói việc người khác. 3. Không ngụy quân tử”. Không ít người nói bây giờ khó mà kiếm ra một người Sài Gòn gốc vài trăm năm thì TTO xin giới thiệu bạn Nguyễn Dung. Chắc chắn không ai có thể phủ nhận người bạn này không phải dân Sài Gòn khi dù người bạn vốn “quê” đã là một cái gì đó xa lạ khi “ngày Tết các con cháu cứ thắc mắc sao không về quê giống bạn bè của nó” bởi “gia đình, họ hàng tôi sinh ra và lớn lên ở đây từ mấy trăm năm, trước khi Pháp đánh thành Gia Định 1859”. Bạn Nguyễn Dung thú thiệt “Sài Gòn trong lòng chúng tôi là một Sài Gòn thật xưa dù là hòn ngọc biển Đông vẫn chân chất hồn nhiên chớ không xô bồ hỗn độn. Người Sài Gòn gặp khách lạ thì hỏi “quê anh (chị, em …) ở đâu” chớ không hỏi “anh (chị, em…) có phải người Sài Gòn không?” vì “người Sài Gòn không quan tâm đến việc mình có phải dân Sài Gòn hay không. Chỉ cần sống sao coi cho được”. Đó không phải là ý kiến cá biệt mà nhiều bạn cũng nhận định như vậy, như bạn hohuuduc: “Theo tôi, người Sài Gòn không bao giờ tự nhận mình là người Sài Gòn, bởi đơn giản họ là người Nam bộ. Do đó, thời gian bao lâu không quan trọng, điều cần thiết là phải thực sự sống, cư xử và hành động hào hiệp như những cư dân Saigon,Gia định xưa đã từng thể hiện”. Bạn Tran Th Hien nói cụ thể hơn về sư giản dị của người Sài Gòn: “Từ ngữ sử dụng đơn giản, nói năng giản dị, phong cách giản dị, ăn uống giản dị vì giản dị là tột cùng của sự từng trải mà cũng là cốt cách, chất văn hóa của người miền Tây Nam bộ nói chung mà người Sài Gòn cũng là một thành phần trong đó”. Hồn nhiên nhà quê nhưng sang trọng vì sống văn minh đô thị Đó là sự sang trọng mà theo bạn Người Sài Gòn ít nhất có 7 tiêu chí: 1. Nghĩa hiệp, phóng khoáng, không tính toán, không so đo; 2. Cho và biết cách cho, ít khi nhận; 3. Hào hoa, phong nhã, văn minh, lịch thiệp; 4. Không tham lam, không ích kỷ; 5. Không để ý đến chuyện riêng tư của người khác; 6. Không oán trách, không hận thù; 7. Không mua gian bán lận, không mưu mô… Một bạn gái té xe trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (Q.1, TP.HCM) được nhiều người xung quanh vội vã đỡ xe, kiểm tra thương tích cẩn thận – Ảnh: M.C Ý kiến này được Nguyen Long, một người bạn miền Trung, cho biết “12 năm (1978-1990) ở Sài Gòn để học tập và làm việc, tôi nhận thấy người Sài Gòn đúng như bạn nhận xét. Sống ở Sài Gòn, tôi thấy rất thoải mái vì mình cũng giống người Sài Gòn tới 90%. Bây giờ về sống và làm việc ở quê hương miền Trung, đọc bài này nhớ Sài Gòn quá chừng luôn!”. Thành người Sài Gòn phải như thế nào? Là “nhà quê” với lối sống làng quê? Bạn Thanh Bình bảo: “Người Sài Gòn sống hồn nhiên như dân quê, thậm chí ngồi ghế uống cà phê, ăn uống có người còn co chân lên ghế như dân miền Tây Nam bộ ngồi chống lũ. Cái vẻ quê này không hại ai, nhưng ra ngoài xã hội, người Sài Gòn thứ thiệt rất tuân thủ những quy tắc, hành xử xã hội nơi công cộng”. Chẳng hạn như bạn Phạm Thị Tú cho rằng “Người Sài Gòn đi xe đúng luật và nhất là ra đường không khạc nhổ bừa bãi” vì với bạn Người Dân, “thành phố chứ đâu phải trong rừng, ngoài ruộng mà muốn làm gì thì làm”. Một quán cà phê trên đại lộ Lê Lợi năm 1961- Ảnh: LIFE Bạn Thạc Lê thì nói rõ hơn những cư xử trên đường phố thời buổi kẹt xe Sài Gòn này: “Người Sài Gòn cũng có người này người kia nhưng đa số tôn trọng luật giao thông; không vượt đèn đỏ, leo lề, chen lấn, bóp kèn inh ỏi một cách vô cớ, vô tư mở đèn pha chiếu thẳng vào mắt người khác, chửi nhau, đánh nhau khi va quẹt”. Phải chăng vì vậy, Sài Gòn đã thành nỗi nhớ, thành quê hương thứ hai của nhiều bạn khắp các vùng miền, như bạn Nguyen Nga: “Gia đình tôi (ba mẹ,con cái) sống ở Sài Gòn hơn 40 năm. Ba đứa con sau cùng cũng sinh ở Sài Gòn nhưng hình như vẫn còn mang một phần hơi hướm quê cũ miền trung, mặc dù đã có nhiều điều hòa nhập với dân Sài Gòn”. Theo người bạn này, “không nên trăn trở thế nào là người Sài Gòn vì mỗi người sẽ có một ý kiến khác nhau,nhưng có lẽ cái chung nhất là họ xem đây là nơi chốn để sinh sống, vui với những điều tốt đẹp và trăn trở, không thờ ơ với những cái xấu còn diễn ra hằng ngày trong thành phố gần chục triệu dân này.Tôi cũng rất vui vì sau vài chục năm bôn ba xứ khác, cuối cùng cũng trở lại mảnh đất đã cưu mang một phần đời, và xin làm “người Sài Gòn” trong phần đời còn lại”. Top 5 câu trả lời được bấm nút “thích” nhiều nhất Tính đến 18g tối 12-12-2015, đã có hơn 110.000 lượt bạn đọc truy cập câu hỏi Ở Sài Gòn bao lâu thành người Sài Gòn? Gần 300 bạn đọc đã trả lời câu hỏi này. Dưới đây là top 5 câu trả lời được bạn đọc bấm nút “thích” nhiều nhất: Người Saigon (750 bạn bấm nút “thích): Muốn trở thành người Sài Gòn phải có tính cách của người Sài Gòn. – Nghĩa hiệp, phóng khoáng, không tính toán, không so đo. – Cho và biết cách cho, ít khi nhận. – Hào hoa, phong nhã, văn minh, lịch thiệp. – Người Sài Gòn không tham lam, không ích kỷ. – Không để ý đến chuyện riêng tư của người khác. – Không oán trách, không hận thù. – Không mua gian bán lận, không mưu mô… Người Saigon bây giờ không còn nhiều, một phần sống ở nước ngoài, một phần đã chết, một phần lập nghiệp ở các vùng kinh tế mới, một phần đã thay đổi theo lối sống thiếu văn hóa, không lành mạnh. Phần còn lại vẫn giữ tính cách người Sài Gòn không sống xô bồ mà vẫn giữ đúng phong cách của người Sài Gòn. Phong Vu (294 “thích”) : Bạn vào Sài Gòn và trở thành người Sài Gòn có thể chỉ sau vài tuần nhưng có thể cả đời. Theo tôi thì bạn trở thành người Sài Gòn khi nào bạn hội đủ ba yếu tố: – Một là về ngôn ngữ bạn nói tiếng vùng miền của bạn với âm hưởng Sài Gòn thí dụ như giọng Bắc 54 rất thân quen với Sài Gòn nhưng giọng Bắc 75 thì chưa Sài Gòn lắm. – Hai là về nội tâm, bạn hào hiệp bất khuất như người Sài Gòn, không tự đại háo danh, không dòm ngó ganh tị, không luồn cúi nịnh hót người giàu mạnh, không khinh rẻ ăn hiếp kẻ nghèo yếu, sẵn sàng lao vào bắt trộm cướp nhưng không bao giờ bu lại đấm đá tên trộm đã bị khống chế. – Ba là về tài chính bạn xài tiền như người Sài Gòn: thong dong tự tại không ký cóp, không thích ăn không của ai, không siết bóp vơ vét của ai khi có cơ hội, thích bao bạn bè. thunguyet (267 “thích”): Bạn đúng là người SG khi đưa ra những phân tích này. Nói như bạn thì có vẻ hầu như sẽ chẳng người miền nào cho dù ở SG bao nhiêu năm cũng vẫn không thể là “người Sài Gòn” được chỉ vì tính cách quá khác biệt. Nhưng là người ở đâu cũng tốt thôi, tuy nhiên nếu là người Sài Gòn hoặc đậm chất Sài Gòn thì tốt hơn. Tôi không thể bổ sung thêm điều gì vào ý kiến của bạn. Hangminh (179 “thích”): Không cần biết bạn ở Sài Gòn bao lâu, bạn trở thành người Sài Gòn khi bạn cư xử như một người Sài Gòn. Bằng không bạn có ở bao lâu cũng bằng thừa! Hoa Thành (160 “thích”): Trở thành người Sài Gòn thực thụ là mỗi khi đến dịp Tết Nguyên Đán đến bạn không còn cảm giác nôn nao chuẩn bị đi về quê! Theo TTO