Nhà thờ Đức Bà: Tuyệt tác kiến trúc Pháp giữa lòng Sài Gòn


Được coi là một trong những biểu tượng về văn hóa, kiến trúc đại diện cho Sài Gòn, nhà thờ Đức Bà chính là linh hồn của nơi đây với vẻ đẹp lộng lẫy, trường tồn, vượt thời gian.

Nhà thờ cổ nhất Sài Gòn lộng lẫy mùa Giáng sinh ​

Bí mật ngôi nhà thờ cổ trên “đất vàng” giữa Sài Gòn

Nằm ngay giữa trung tâm Sài Gòn, trong khuôn viên quảng trường Công xã Paris. Nhà thờ Đức Bà chính là một địa điểm du lịch không thể bỏ qua của du khách khi đặt chân tới đây.

Mặt chính của nhà thờ quay về hướng Đông Nam, phía đường Nguyễn Du, mặt lưng quay về phía đường Lê Duẩn.

Có thể nói nhà thờ Đức Bà chính là công trình kiến trúc đẹp từ mọi phía khi ngắm nhìn. (Ảnh: Mõ Làng)

Được xây dựng năm 1877 và khánh thành năm 1880, do kiến trúc sư người Pháp Bourad thiết kế có chiều dài 93m, rộng 35m và cao 75m.

Trải qua gần 140 năm với nhiều đổi thay và biến động, nhà thờ Đức Bà vẫn hiện lên sừng sững, uy nghiêm thu hút mọi ánh nhìn. Đây cũng chính là minh chứng sống cho một thời kỳ kháng chiến lịch sử trường kì của đất nước, là công trình thuộc nền văn hóa Phương Tây nhưng xây dựng ở phương Đông; với những kết cấu và vật liệu mới, nhưng lại phù hợp với các điều kiện xã hội và khí hậu của bản xứ.

Nhà thờ Đức Bà nhìn từ trên cao xuống. (Ảnh: Nhịp Sống)

Nhà thờ Đức Bà là kết quả của sự kết tinh giữa kiến trúc hậu Roman (Romanesque) và kiến trúc Gothic. Kết hợp với cấu trúc tổng quan ấy lại là lối trang trí cửa sổ, cửa chính, vòm và chóp mái dày đặc theo đường lối Gothic chính thống. (Ảnh: Công Giáo Việt Nam)

Ô cửa tròn và đồng hồ trên mặt đứng chính công trình. (Ảnh: VOV)

Nội thất thánh đường được thiết kế thành một lòng chính, hai lòng phụ, tiếp đến là hai dãy nhà nguyện. Thánh đường có sức chứa khoảng 1.200 người, với hai hàng cột chính hình chữ nhật gồm tổng cộng 12 chiếc tượng trưng cho 12 vị thánh tông đồ.

Đằng sau những cột chính là hành lang với các khoang đặt khoảng hơn 20 bàn thờ với các tượng thánh nhỏ làm bằng đá trắng tinh xảo. Hệ thống chiếu sáng của thánh đường được thiết kế bằng điện. Ban ngày được chiếu sáng bằng ánh sáng mặt trời, thông qua các cửa kính màu và các lỗ thông gió.

Chính điện có chiều cao 21m, ngăn cách với hai không gian phụ bằng hàng cột cuốn vòm kết hợp với trụ thép đỡ vòm mái. (Ảnh: Jethuynh Photography)

Hai bên tường được thiết kế 10 góc cầu nguyện, nơi đây còn có Thánh Giá bằng đá cẩm thạch trắng được điêu khắc tinh xảo. Không gian phía sau cung thánh có 5 phòng nguyện nhỏ với 5 bàn thờ bằng đá cẩm thạch dành cho các linh mục dâng lễ.

Các bàn thờ ở bên trong đều được khắc tinh tế bằng đá cẩm thạch nguyên khối. 56 ô cửa kính nhiều màu sắc ghép lại với nhau tạo nên hình ảnh rất đẹp. Tất cả các đường nét, gờ chỉ, hoa văn đều tuân thủ theo hình thức Roman và Gothic tôn nghiêm và trang nhã.

 Một góc Thánh đường là nơi đặt ban thờ Thánh, với những ô cửa kính màu

Nét kiến trúc độc đáo của Thánh đường đã tạo nên một hiệu ứng ánh sáng tuyệt vời trong nội thất, đem đến cho du khách cảm giác tĩnh lặng, bình yên và trang nghiêm.

Tường xây bằng gạch trần (không tô, phết) màu nâu đỏ được đưa từ Marseille (Pháp) sang đây. Tường được thiết kế khá dày, khoảng 65cm, để cách âm và cách nhiệt cho không gian bên trong nhà thờ. (Ảnh: kenh14)

Hoa văn trang trí bằng gạch trên tường được xử lý rất tinh tế và công phu. Hình thức hoa văn đối xứng hai bên, nhưng không đối xứng trên dưới. Bộ hoa văn bên ngoài lệch với hoa văn bên trong giúp đối lưu không khí tối ưu. (Ảnh:Gody)

Tượng Đức Mẹ ở công viên trước Nhà thờ. (Ảnh:Gody)

Ngoài những nét độc đáo trên, nhà thờ Đức bà còn có 2 tháp chuông, 6 quả chuông đồng lớn nặng đến 28,85 tấn được chuyển từ Pháp về. Trước nhà thờ Đức Bà là tượng Đức Mẹ Hòa Bình, được làm bằng đá cẩm thạch trắng quý từ Ý gởi về theo yêu cầu của linh mục GiPham Văn Thiên.

Cận cảnh quả chuông với nhiều họa tiết tinh xảo theo thiết kế của kiến trúc sư Gardes.

Không chỉ là một kiến trúc nghệ thuật nổi tiếng mà nhà thờ Đức Bà còn là nhân chứng lịch sử của Sài Gòn. Nơi đây xứng đáng là biểu tượng của một thành phố có bề dày lịch sử. Tồn tại từ những năm kháng chiến chống Pháp, trải qua biết bao biến cố, thăng trầm, tuyệt tác kiến trúc này vẫn sừng sững, uy nghiêm giữa thành phố, trở thành nơi tụ họp quen thuộc và là điểm du lịch thu hút hàng triệu du khách trong và ngoài nước.

Theo thoidai


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: