Chủ tịch VWS David Dương: Tôi theo đuổi VWS vì tâm huyết và trách nhiệm


Có quan niệm cho rằng, muốn kinh doanh nhiều lợi nhuận thì không nên đầu tư vào những lĩnh vực có chi phí cao, thời gian thu hồi vốn lâu, nhưng với việc xử lý rác thải mà ông David Dương theo đuổi tại Việt Nam, trước mắt không vì lợi nhuận mà là tâm huyết, trách nhiệm của một công dân có kinh nghiệm trong lĩnh vực thu gom và xử lý rác thải ở Hoa Kỳ gần 30 năm.

Shark Đặng Hồng Anh: Nhiều tiền làm gì nếu bên cạnh không có gia đình

CEO Sài Gòn Food Nguyễn Quang Tường: Đến vì công việc, ở vì tình yêu

Chủ tịch HĐQT kiêm CEO Công ty TNHH Xử lý chất thải Việt Nam – doanh nhân David Dương

Có lẽ, chuyện ông David Dương, một doanh nhân Việt kiều Mỹ về nước thành lập Công ty TNHH Xử lý chất thải Việt Nam (Vietnam Waste Solutions) không ít người dân TP.HCM không biết. Năm 2007, ông David Dương triển khai xây dựng Khu Liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước, kế hoạch tiếp theo là xây dựng khu công nghệ môi trường xanh tại huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An với diện tích gần 2.000ha. Sau gần 20 năm thực hiện, Khu Liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước trải qua không ít khó khăn, vướng mắc. Thế nhưng, gần đây khi trao đổi với báo chí, ông David Dương khẳng định vẫn tiếp tục đầu tư công nghệ mới để xử lý rác, góp phần cải thiện môi trường TP.HCM.

* Mới đây, VWS tặng cho TP.HCM, tỉnh Long An và tỉnh Kiên Giang 6 chiếc xe vận chuyển rác, việc này có nằm trong kế hoạch kinh doanh sắp tới của VWS không, thưa ông?

– VWS không hoạt động trong lĩnh vực thu gom, vận chuyển rác nhưng trước thực tế hiện nay, xe vận chuyển rác phần lớn là cũ, xe rác di chuyển trên đường chảy nước, bốc mùi, gây ô nhiễm môi trường và cũng xuất phát từ mong muốn chung tay cải thiện môi trường, chúng tôi đã nghĩ đến những xe vận chuyển rác hiện đại. Năm 2015, tôi mời một số chuyên gia nghiên cứu và đặt hàng sản xuất xe vận chuyển rác riêng từ hãng Peterbilt thuộc tập đoàn Paccar, Mỹ.

Dù giá xe rất cao, cả giá trị xe và chi phí vận chuyển một chiếc khoảng 500.000 USD. Nhưng với những ưu điểm chấp nhận được của loại xe vận chuyển rác này, chúng tôi đã đặt một số xe mẫu tặng TP.HCM và tỉnh Kiên Giang, tỉnh Long An. Sau thời gian sử dụng loại xe này, nếu hiệu quả, có thể đặt các công ty trong nước sản xuất hoặc hợp tác với đối tác, đề nghị họ đưa công nghệ lắp ráp về Việt Nam, như vậy giá thành sẽ rẻ. Mặt khác, nếu Việt Nam lắp ráp được loại xe vận chuyển rác này thì còn có thể xuất ra các nước lân cận.

* Ưu điểm cụ thể của loại xe này thế nào, thưa ông?

– Loại xe rác này được thiết kế rất hiện đại, công suất vận chuyển khoảng 10 tấn. Ngoài những tính năng cơ bản của xe vận chuyển rác, xe còn có bộ phận ép rác tại chỗ, có hai thùng chứa nước rỉ thải hai bên để tránh vương vãi ra đường phố. Xe có camera 3600, giúp tài xế dễ dàng quan sát nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông. Đặc biệt, trong quá trình vận chuyển, khi thắng hoặc dừng, xe sẽ tự động phun nước khử mùi, tránh gây khó chịu cho người đi đường. Xe sử dụng nhiên liệu khí nén thiên nhiên CNG, không gây ô nhiễm, thân thiện với môi trường.

* Đứng ở góc độ của người làm công việc trong lĩnh vực môi trường, ông đánh giá thế nào về lượng rác thải của TP.HCM?

– Trong nhiều lần trò chuyện, chia sẻ về vấn đề môi trường, bà Mary Tarnowka – Tổng lãnh sự Hoa Kỳ tại TP.HCM đã cho biết, tại Mỹ, các chuyên gia ước tính có hơn 8 triệu tấn rác nhựa bị thải ra đại dương hằng năm. Rác nhựa không được kiểm soát đổ vào đại dương khiến ngành công nghiệp du lịch và hàng hải của khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương thiệt hại hàng trăm triệu USD mỗi năm. Để giải quyết vấn đề môi trường trong khu vực, Hoa Kỳ cam kết quảng bá các giải pháp kiểm soát ô nhiễm và năng lực về quản lý chất thải, từ đó giải quyết nạn ô nhiễm rác thải nhựa trên biển.

Tại Việt Nam, cùng với việc phát triển kinh tế và dân số, thành phần rác và khối lượng rác thải hằng ngày tăng cao và đa dạng. Nhưng hiện nay, người dân chưa có thói quen phân loại rác nên những nhà đầu tư như chúng tôi phải nghiên cứu để ứng dụng công nghệ thích ứng với từng công đoạn phân loại, xử lý rác. Công nghệ để xử lý rác thải y tế, rác thải độc hại tại Việt Nam vẫn đang triển khai rất chậm. Vì thế, chúng tôi đã nghiên cứu và sẽ sớm đưa công nghệ mới nhất để xử lý các loại rác thải này.

* Nhưng việc thu gom rác vẫn chưa được đồng bộ, điều này có gây khó khăn cho việc xử lý rác?

– Từ kinh nghiệm riêng, tôi cho rằng cần phải có sự đồng bộ trong thu gom và xử lý rác. Ở Hoa Kỳ, chúng tôi thực hiện luôn việc thu gom rác từ dân cư, nên ngoài việc vận động phân loại rác từ nguồn, doanh nghiệp có quyền đề nghị xử phạt những người bỏ rác hoặc phân loại rác không đúng quy định. Theo tôi, TP.HCM cần phải tuyên truyền nhiều hơn về việc nếu phân loại được rác thải thì sẽ mang lại lợi ích ra sao. Quan trọng nữa, phải có biện pháp để thu gom được 100% rác thải. Qua tìm hiểu được biết, hiện lượng rác thu gom của TP.HCM mới đạt khoảng 80 – 90%, có nghĩa còn rất nhiều rác thải tự do ở khu ven đô, trên các kênh rạch, gây ô nhiễm trầm trọng.

Trong nhiều cái khó khiến một số nhà đầu tư không an tâm đầu tư, làm ăn tại Việt Nam là sự không nhất quán trong các chính sách. Cứ mỗi lần có thay đổi lãnh đạo hay luật lệ gì đó, thì một sự việc cũ cứ bị xới lên, rồi báo chí vào cuộc, nên chúng tôi lại phải chứng minh hết lần này đến lần khác. Mà dư luận thì chưa cần biết đúng sai, hễ cứ có tin công ty nào đó bị thanh tra là ngay lập tức bị tiếng xấu.

* Công nghệ xử lý rác đang theo xu hướng đốt, VWS chắc hẳn có chuẩn bị để theo xu hướng này?

– Khi TP.HCM có chủ trương thay đổi công nghệ xử lý rác, hạn chế chôn lấp rác là rất đáng mừng vì cho thấy tình hình kinh tế đã khá hơn. Tuy nhiên, cái khó nhất là chọn công nghệ nào không chỉ phù hợp với các loại rác, thành phần rác mà còn phù hợp với nền kinh tế. Ông bà ta có câu “Tiền nào của nấy”, nhiều khi công nghệ có giá rẻ, sẽ hấp dẫn ban đầu, nhưng về lâu dài, chất lượng công nghệ kém, lại thành đắt.

Đặc biệt, nếu TP.HCM đã đề cao vấn đề môi trường và quyết tâm bảo vệ môi trường thì càng không nên đặt nặng vấn đề giá cả mà phải lưu ý xem công nghệ xử lý rác có tiên tiến hay không, đã sử dụng bao lâu. Trên thế giới có hàng trăm công ty sử dụng công nghệ đốt, nhưng công nghệ nào phù hợp với loại rác nào và giải quyết được số lượng rác lớn là vấn đề cần xem xét kỹ, quan trọng hơn là công nghệ đó đã thực hiện được bao lâu và giá thành ra sao.

TP.HCM có rất nhiều lò đốt rác 200 tấn, giá trị đầu tư không lớn nhưng khi số lượng rác lên tới hàng ngàn tấn, chục ngàn tấn thì không còn phù hợp vì đòi hỏi công nghệ xử lý phải cao hơn. Có nhiều công ty đưa công nghệ đến Việt Nam nhưng không biết thành phần rác Việt Nam và cũng không hề có nghiên cứu nào về những biến chuyển thành phần rác của Việt Nam trong 20 – 30 năm tới sẽ thay đổi như thế nào, những loại rác nào trong tương lai sẽ có mà thành phần rác hôm nay chưa có.

Đây là những vấn đề cần phải đánh giá và xem xét rất kỹ trước khi đầu tư thì mới có thể đưa công nghệ vào phục vụ và bảo vệ được môi trường. Bài học từ Trung Quốc là một ví dụ. Do không xem xét, chọn lọc kỹ, cứ thấy công nghệ nào mới là áp dụng nên bây giờ họ phải trả giá cho môi trường đang bị ảnh hưởng về không khí, sông rạch, nước mặt, nước ngầm và phải bỏ ra bạc tỷ để khắc phục hậu quả.

Với hai công nghệ cụ thể là đốt rác và chôn lấp, theo quan điểm của tôi, công nghệ nào cũng có ưu điểm và khuyết điểm, vấn đề là tìm công nghệ phù hợp. Qua nghiên cứu, chúng tôi thấy lượng rác ở Việt Nam có độ ẩm rất cao, lên tới 50 – 60% nên nếu sử dụng công nghệ đốt rác thì chi phí rất cao, chưa kể hiện nay lượng rác nhựa rất nhiều, làm ô nhiễm môi trường, thậm chí chỉ đốt loại rác cần phải đốt để giảm tối thiểu rác chôn lấp.

Với kinh nghiệm nhiều năm xử lý rác ở TP.HCM, tôi hiểu khá rõ thành phần và khối lượng rác và suốt 2 năm qua cũng đã nghiên cứu những cách thức, công nghệ xử lý có thể tái chế rác để giảm giá thành. Song, đáng nói là hiện nay, thành phần rác của TP.HCM có tới 70% là rác hữu cơ, đây là một lợi thế để tái chế thành sản phẩm có lợi cho xã hội, nếu đem đốt hết thì chi phí vừa cao lại không đảm bảo môi trường và lãng phí.

Chúng tôi đang nỗ lực để trong khoảng 10 năm tới sẽ chỉ còn khoảng 15% rác phải dùng công nghệ chôn lấp, còn lại đưa vào lò đốt làm ra điện. Và, công nghệ mới mà VWS đang thuê các chuyên gia ở Đức, Ý, Hoa Kỳ nghiên cứu phải theo tiêu chí vừa phù hợp, hiệu quả, chi phí lại rẻ và được nghiên cứu dựa trên thành phần rác đang có và thông số thành phần rác sẽ thay đổi dự kiến trong tương lai. Công nghệ này không cần đốt bằng lửa mà ủ nhiệt, nhưng vẫn lấy được khí để sản xuất điện, khí nén lỏng, sản xuất phân hữu cơ, và nước rác sau quá trình ủ sẽ có độ dưỡng chất dồi dào và tạo thành loại phân hữu cơ dạng lỏng. Ở Hoa Kỳ, phân hữu cơ dạng lỏng có giá bán khoảng 25 USD/lít.

* Ông mới nói đến tiêu chí “rẻ”, liệu có mâu thuẫn với quan điểm “tiền nào của nấy” mà ông vừa đề cập?

– Vì sao rẻ? Vì nếu công nghệ ứng dụng sản xuất ra nhiều sản phẩm thì sau khi bán sản phẩm, phần lớn nguồn thu lại được đưa vào chi phí vận hành. Thay vì các công nghệ khác chỉ có một sản phẩm là điện thì chúng tôi có nhiều sản phẩm như phân hữu cơ dạng lỏng, khí nén lỏng…, nên vừa  giảm được giá thành lại có nhiều sản phẩm cho thị trường.  Ví dụ phân hữu cơ dạng lỏng sẽ giúp thị trường giảm nhập phân hóa học.

* Sắp tới, VWS còn có chương trình gì giúp giảm ô nhiễm môi trường cho TP.HCM?

– Lượng rác hiện nay có độ  ẩm quá cao, đã khiến việc thu khí ga không đạt được theo ý muốn. Vì vậy, chúng tôi lại tiếp tục nghiên cứu để đưa ra công nghệ thu gom khí ga và đang chờ lắp đặt nhà máy. Dự kiến, trong tháng 3/2019, nhà máy phát điện sẽ hoàn thành.

* Tại một chương trình Cà phê Doanh nhân do Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM tổ chức, ông chia sẻ VWS luôn sống chung với “khủng hoảng truyền thông” kể từ khi thành lập. Ông có thể chia sẻ “kinh nghiệm” vượt qua khủng hoảng đó?

– Trong nhiều cái khó khiến một số nhà đầu tư không an tâm đầu tư, làm ăn tại Việt Nam là sự không nhất quán trong các chính sách. Cứ mỗi lần có thay đổi lãnh đạo hay luật lệ gì đó, thì một sự việc cũ cứ bị xới lên, rồi báo chí vào cuộc, nên chúng tôi lại phải chứng minh hết lần này đến lần khác. Mà dư luận thì chưa cần biết đúng sai, hễ cứ có tin công ty nào đó bị thanh tra là ngay lập tức bị tiếng xấu. Vậy nên, để có thể “sống sót”, chúng tôi có 2 nguyên tắc. Thứ nhất, bình tĩnh kiểm tra kỹ sự việc và cho rà soát, nghiên cứu lại tất cả. Thứ hai, không được nôn nóng mà phải tỉnh táo để đánh giá mức độ “khủng hoảng truyền thống” rồi mới lên các phương án cụ thể để xử lý.

* Động lực nào để sau rất nhiều trắc trở, ông vẫn “đủ lửa” để tiếp tục với bãi rác Đa Phước?

– Phải nói rằng, trong quá trình hoạt động, chúng tôi phải đối mặt với nhiều thủ tục hành chính rườm rà, phức tạp, những quy định quản lý chồng chéo giữa các bộ, sở, ngành. Đặc biệt là từ năm 2016, liên tục trong ba tháng, bãi rác Đa Phước và VWS bị công kích dữ dội vì cho rằng Đa Phước đã gây mùi hôi cả Nam Sài Gòn, rằng VWS sử dụng công nghệ chôn lấp thô sơ thay vì công nghệ phân loại và tái chế rác tiên tiến từ Mỹ như hứa hẹn ban đầu.

Lúc đó, không chỉ riêng tôi mà cả các chuyên gia, công nhân viên đều hoang mang, mọi hoạt động của các phòng ban đều xáo trộn, không còn tinh thần để làm việc chuyên môn. Rồi liên tiếp trong một năm, công ty phải tiếp bốn đoàn thanh tra. Chưa kể trong thời gian diễn ra thanh tra, đại diện pháp luật của công ty, các chuyên gia không được ra nước ngoài vì phải dành thời gian làm việc với cán bộ của đoàn thanh tra. Tuy nhiên, sau khi gửi đơn đến chính phủ, việc xử lý rác ở Đa Phước đã được Thủ tướng kết luận theo chiều hướng tích cực nên chúng tôi có niềm tin bước tiếp.

Thời gian đầu, khi làm việc với lãnh đạo TP.HCM, tôi đưa ra nhiều công nghệ xử lý rác. Thời điểm đó chính quyền thành phố quan tâm nhất là làm sao việc xử lý rác không gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt giá thành phải rẻ nên công nghệ được chọn lúc đó là chôn lấp và chúng tôi đã sử dụng công nghệ chôn lấp tiên tiến nhất. Điều cần lưu ý là bãi rác Đa Phước mà công ty tôi quản lý chỉ rộng 128ha. Trong khi đó, toàn khu vực rộng tới 800ha, có nhiều công ty khác hoạt động, như công ty sản xuất phân bón, xử lý hầm cầu, cống rãnh…, nhưng hễ có mùi là đổ hết cho Đa Phước.

* Cảm ơn ông về những chia sẻ!

Theo doanhnhansaigon


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: