Từ tháng 1/2022, một số luật đã được Quốc hội thông qua sẽ chính thức có hiệu lực. Ngay trong tháng đầu tiên của năm 2022, nhiều luật chính thức có hiệu lực sẽ tác động đến nhiều lĩnh vực trong đời sống xã hội. Trong số này có Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi 2020, Luật Bảo vệ môi trường 2020, Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, Luật Biên phòng Việt Nam 2020… Vi phạm giao thông bị phạt tối đa 75 triệu Đây là một trong những điểm mới của Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi 2020, có hiệu lực từ 1/1/2022. Luật sửa đổi quy định nâng mức phạt tiền tối đa của 10 lĩnh vực như giao thông đường bộ, thủy lợi, kinh doanh bất động sản, báo chí. Điển hình, mức phạt tối đa trong lĩnh vực giao thông đường bộ là 75 triệu đồng thay vì 40 triệu như hiện hành. Mức phạt trong lĩnh vực báo chí cũng tăng từ tối đa 100 triệu lên 250 triệu. Nguyên tắc xử phạt hành chính cũng được sửa đổi theo hướng một người thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính hoặc vi phạm hành chính nhiều lần thì bị xử phạt về từng hành vi vi phạm, trừ trường hợp hành vi vi phạm hành chính nhiều lần được Chính phủ quy định là tình tiết tăng nặng. Mức phạt tối đa trong lĩnh vực giao thông đường bộ là 75 triệu đồng thay vì 40 triệu như hiện hành. Ảnh: Việt Linh. Trong khi đó, luật hiện hành vừa quy định nguyên tắc một người thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính hoặc vi phạm hành chính nhiều lần thì bị xử phạt về từng hành vi vi phạm, vừa quy định vi phạm hành chính nhiều lần là tình tiết tăng nặng. Cũng từ 1/1/2022, luật này bổ sung thêm nhiều chức danh có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính như: Kiểm toán Nhà nước, Ủy ban Cạnh tranh quốc gia, Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh quốc gia, thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp, thủ trưởng cơ quan quản lý thi hành án thuộc Bộ Quốc phòng. Về lĩnh vực được sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện vi phạm hành chính cũng được mở rộng. Thay vì chỉ áp dụng với lĩnh vực trật tự, an toàn giao thông và bảo vệ môi trường như hiện hành, luật sửa đổi bổ sung thêm các lĩnh vực như: Phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, phòng, chống ma túy, phòng, chống tác hại của rượu, bia và lĩnh vực khác do Chính phủ quy định sau khi được sự đồng ý của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Được đơn phương chấm dứt hợp đồng nếu bị quấy rối tình dục ở nước ngoài Có hiệu lực từ 1/1/2022, Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng quy định rõ về nội dung này nhằm bảo vệ quyền lợi của lao động Việt Nam ở xứ người. Cụ thể, Luật quy định cho phép người lao động được đơn phương chấm dứt hợp đồng khi bị người sử dụng lao động ngược đãi, cưỡng bức lao động hoặc bị quấy rối tình dục trong thời gian làm việc ở nước ngoài. Bên cạnh đó, Luật cũng quy định người đi xuất khẩu lao động không phải đóng bảo hiểm xã hội hoặc thuế thu nhập cá nhân hai lần ở Việt Nam và ở nước đến làm việc, nếu hai nước đã ký hiệp định về bảo hiểm xã hội hoặc hiệp định tránh đánh thuế hai lần. Đáng chú ý, Luật nghiêm cấm việc thu tiền môi giới đi xuất khẩu lao động của người lao động, trong khi luật hiện hành vẫn cho phép doanh nghiệp thu tiền môi giới của người lao động. Luật này cũng quy định khi người lao động về nước phải thông báo với cơ quan đăng ký cư trú nơi trước khi đi làm việc ở nước ngoài hoặc nơi ở mới sau khi về trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhập cảnh. Không phân loại rác có thể từ chối thu gom Thay thế Luật Bảo vệ môi trưởng 2014, Luật Bảo vệ môi trường 2020 sẽ có hiệu lực thi hành từ 1/1/2022 với nhiều điểm mới. Trước hết, Luật quy định“không phân loại rác thải có thể từ chối thu gom”. Cụ thể, cơ sở thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt có quyền từ chối thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân không phân loại, không sử dụng bao bì đúng quy định. Một điểm mới khác được đề cập trong luật là tính giá thu gom rác sinh hoạt theo khối lượng/thể tích chất thải đã được phân loại. Tức là hộ gia đình, cá nhân nào càng xả nhiều rác càng phải trả nhiều tiền. Theo quy định mới của Luật Bảo vệ môi trường 2020, không phân loại rác có thể từ chối thu gom. Ảnh: Việt Linh. Ngoài bổ sung đối tượng phải đánh giá sơ bộ tác động môi trường là dự án đầu tư có nguy cơ tác động xấu đến môi trường mức độ cao, luật này còn quy định cụ thể về đối tượng phải có giấy phép môi trường, nội dung, thẩm quyền và trình tự, thủ tục cấp giấy phép cũng như quyền, nghĩa vụ của chủ dự án được cấp giấy phép môi trường. Bổ sung chính sách ưu tiên giao đất ở cho bộ đội biên phòng Đây là một trong những điểm mới của Luật Biên phòng Việt Nam 2020. Luật bổ sung chính sách được ưu tiên giao đất ở khi có nhu cầu đối với bộ đội biên phòng khi đáp ứng đủ điều kiện là có thời gian từ 5 năm trở lên và có nhu cầu chuyển gia đình đến định cư ổn định cuộc sống lâu dài ở khu vực biên giới, hải đảo. Luật Biên phòng Việt Nam 2020 cũng đưa ra 7 chính sách của Nhà nước về biên phòng, trong đó bổ sung chính sách đặc thù phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học, công nghệ, đối ngoại ở khu vực biên giới. Về nhiệm vụ biên phòng và nguyên tắc thực thi, do hiện nay hoạt động trên biên giới, khu vực biên giới, cửa khẩu có nhiều chủ thể thuộc nhiều bộ, ngành Trung ương tham gia vào xây dựng, quản lý nên Luật Biên phòng Việt Nam chỉ quy định các nhiệm vụ chung cho cơ quan, tổ chức, cá nhân trong thực thi nhiệm vụ biên phòng mà không quy định cụ thể cho từng lực lượng. Ngoài ra, Luật bổ sung các trường hợp hạn chế hoặc tạm dừng hoạt động ở vành đai biên giới, khu vực biên giới, qua lại biên giới tại cửa khẩu, lối mở biên giới đất liền như: Xung đột vũ trang; xảy ra khủng bố; bắt cóc con tin; khi có đề nghị hoặc thông báo của Chính phủ, chính quyền địa phương hoặc lực lượng quản lý, bảo vệ biên giới của nước có chung đường biên giới về việc hạn chế hoặc tạm dừng qua lại biên giới… Người lần đầu nghiện ma túy được quyền lựa chọn biện pháp cai nghiện Từ 1/1/2022, khi Luật Phòng chống ma túy chính thức có hiệu lực, nhiều quy định mới nhằm kiểm soát chặt chẽ các hoạt động có liên quan đến ma túy, tiền chất và quản lý người sử dụng trái phép ma túy ngay từ lần phát hiện đầu tiên… Luật Phòng chống ma túy cho phép người lần đầu được xác định là nghiện ma túy có quyền lựa chọn biện pháp cai nghiện ma túy phù hợp; đồng thời cho phép cơ sở cai nghiện ma túy, tổ chức, cá nhân đủ điều kiện theo quy định của luật được cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng nhằm góp phần hỗ trợ, khắc phục hạn chế của công tác này thời gian qua. Luật cũng quy định cụ thể trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân, gia đình, cộng đồng trong phòng, chống ma túy và bổ sung quy định để quản lý chặt chẽ người sử dụng trái phép chất ma túy và người nghiện ma túy. Đồng thời, luật bổ sung quy định các trường hợp phải xét nghiệm chất ma túy trong cơ thể và xác định tình trạng nghiện ma túy nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho công tác phân loại, quản lý đối tượng và việc áp dụng các biện pháp quản lý, cai nghiện phù hợp. Theo luật này, việc quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy không phải là biện pháp xử lý vi phạm hành chính. Theo Zing News