Chính sách hỗ trợ lãi suất 2%/năm thông qua các ngân hàng thương mại trong 02 năm 2022-2023 mang đến nhiều hy vọng phục hồi mới cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh của một số ngành, nghề. Tuy nhiên, hiệu quả của chính sách hỗ trợ chỉ thực sự có khi đến được đúng đối tượng nên vẫn cần thời gian để tính toán cẩn trọng trên mọi phương diện. Cơ hội tiếp cận nguồn vốn ưu đãi Một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) là triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất 2%/năm trong 02 năm 2022-2023 thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại đối với các khoản vay thương mại cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có khả năng trả nợ, có khả năng phục hồi trong các ngành vận tải, kho bãi, du lịch, ăn uống, giáo dục, công nghiệp chế biến chế tạo, cho vay cải tạo chung cư cũ… Chính sách hỗ trợ lãi suất sớm được triển khai là điều mong mỏi của nhiều doanh nghiệp hợp tác xã, hộ kinh doanh trong thời gian này. Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Đức An, Giám đốc HTX rau sạch Tân Đức (Bắc Giang) cho biết, đơn vị đã cung cấp đa dạng các loại rau ra thị trường từ đầu năm 2020 tới các bếp ăn trường học, chung cư, siêu thị trên địa bàn. Để mở rộng sản xuất, kinh doanh, hợp tác xã đã vay vốn ngân hàng một số vốn với lãi suất 7,5 – 8%/năm nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19, vốn đầu tư chưa biết khi nào có thể thu về. Nghe thông tin các ngân hàng triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất 2%/năm ông và nhiều đơn vị khác đều rất vui mừng vì tháo gỡ được một phần khó khăn. Tương tự, bà Đỗ Vinh Kim, Giám đốc HTX Vinh Kim (Đắk Lắk) chia sẻ, chính sách hỗ trợ lãi suất 2%/năm đi vào cuộc sống sẽ là động lực giúp cơ sở vượt qua giai đọan khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Bà Kim tính nhẩm, cơ sở của bà đang vay gần 1 tỷ đồng, mỗi năm phải trả lãi ngân hàng 84 triệu đồng, nếu được hỗ trợ lãi suất 2% cũng tiết kiệm được phần đáng kể. Số tiền tiết kiệm được cơ sở dự tính sẽ trích quỹ hỗ trợ các hộ sản xuất mua cây giống, phân bón vì giá các mặt hàng đang tăng lên quá cao, làm giảm thu nhập của bà con. Đảm bảo hỗ trợ đúng đối tượng Theo PGS.TS Trần Huy Hoàng, Trường Đại học Tài chính – Marketing, chính sách hỗ trợ lãi suất 2%/năm là giải pháp cần thiết phải có để phục hồi và phát triển bền vững kinh tế. Do đó, dù là doanh nghiệp, hợp tác xã hay hộ kinh doanh thì họ đều đang rất kỳ vọng và mong chờ chính sách này sớm đi vào cuộc sống. Tuy nhiên, việc hỗ trợ lãi suất cần tránh kiểu dàn trải, nhỏ giọt, đối tượng được hưởng lãi suất ưu đãi vẫn cần được các ngân hàng chọn lọc kỹ lưỡng, tập trung hơn vào các doanh nghiệp có quy mô và sức ảnh hưởng, qua đó lan tỏa động lực phát triển mạnh mẽ đến các khu vực khác trong nền kinh tế. Ngoài ra, các tổ chức tín dụng cần giảm chi phí hoạt động để tiếp tục giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, một vị chuyên gia chia sẻ, mức hỗ trợ lãi suất 2% được đánh giá là phù hợp với khả năng của ngân sách Nhà nước. Sau quá trình chọn lọc các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh đủ điều kiện cho vay, các ngân hàng cũng cần đơn giản hóa các thủ tục cho vay, thủ tục hành chính để tăng khả năng tiếp cận vốn, tăng hiệu quả của chính sách. Quá trình này nếu làm không tốt, chính sách hỗ trợ có thể không đến được với những doanh nghiệp có nhu cầu thực sự và còn nguy cơ tác động đến hoạt động của các ngân hàng thương mại, gây áp lực lạm phát hoặc rủi ro nợ xấu… Dưới góc nhìn chuyên gia, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Tài chính – Ngân hàng cho rằng, nếu được triển khai minh bạch, công tâm thì chính sách hỗ trợ lãi suất chắc chắn đảm bảo thành công. Tuy nhiên, các ngân hàng phải đảm bảo đúng đối tượng thụ hưởng, tránh hiện tượng “xin – cho” để nguồn vốn hỗ trợ chảy đúng hướng, không đi vào những lĩnh vực không đóng góp cho sự phục hồi kinh tế. Đối tượng được tiếp cận chính sách hỗ trợ lãi suất bao gồm các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong các lĩnh vực được ưu tiên có đủ điều kiện cho vay hoặc không đủ điều kiện cho vay nhưng có khả năng phục hồi tốt. Bên cạnh đó, lãnh đạo một ngân hàng cho biết, ngân hàng cũng đang rất mong chờ các văn bản hướng dẫn cụ thể để nhanh chóng triển khai chính sách hỗ trợ để doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh tận dụng được thời cơ phục hồi theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc thích ứng linh hoạt, an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19. Tuy nhiên, cũng cần phải rõ quan điểm là không phải vì nhanh mà đánh đổi hiệu quả và chất lượng với tốc độ triển khai chính sách. Bởi, hiệu quả của chính sách hỗ trợ chỉ thực sự có khi đến được đúng đối tượng, có trọng tâm trọng điểm, khắc phục hạn chế của các gói hỗ trợ trước. Vì vậy, gói hỗ trợ lãi suất lần này cần tính toán cẩn trọng trên mọi phương diện, “chậm mà chắc” vẫn là trên hết. Theo TBNH