Một người mẹ sát cánh cùng 2 người con LGBT vượt qua sự kỳ thị của xã hội; một người cha 28 năm giúp con trai chiến thắng hội chứng Down. Và một ông bố với tình yêu thầm lặng với dòng chữ “Xin đừng đánh” trên lưng áo cậu con trai thiểu năng… Chuyện nghề cảm động của MC điển trai nổi tiếng Sài thành Tình yêu cảm động của người chồng cụt chân bán vé số nuôi vợ mù Về người cha già 28 năm lặng lẽ đứng bên ngoài cửa lớp Tôi vẫn nhớ đêm Gala WeChoice Awards 2015 ở Sài Gòn, khi bác Mạc Văn Mỹ chậm rãi bước lên bục nhận giải thưởng Top 10 Người truyền cảm hứng của năm, cậu con trai Mạc Đăng Mừng đã cười tít mắt và vỗ tay hạnh phúc từ hàng ghế khán giả. Bề ngoài anh Mừng có thể ngờ nghệch, hội chứng Down khiến anh chậm phát triển, suy nghĩ vẫn như một đứa trẻ, nhưng trong trái tim đứa trẻ ấy, anh vẫn hiểu rõ những hy sinh mà người cha già đã dành cho 1/3 cuộc đời mình. Người cha già luôn cần mẫn theo chân con đến lớp học. Vì sự hy sinh không mệt mỏi đó, Mừng đã trở thành sinh viên giỏi toàn năng khi anh biết đàn, biết võ Akido, hiểu cơ bản vài từ tiếng Anh và có chứng chỉ tin học của trường Đại học Văn Lang. Câu chuyện của ông Mỹ và anh Mừng đã từng được kể đi kể lại rất nhiều lần trên báo đài, sau này, chúng tôi có dịp quay trở lại căn nhà trọ nơi gia đình ba người đã sống cùng nhau gần 30 năm qua. Đó là một ngôi nhà nhỏ bình yên nằm cạnh Nhà thờ Xóm Chiếu, quận 4. Khi chúng tôi đến, bà An đang cặm cụi nấu ăn dưới bếp trong khi ông Mỹ đứng bên cạnh nhìn anh Mừng cần mẫn ngồi trước màn hình. Ở giải thể thao dành cho người khuyết tật TPHCM năm 2014, Mừng đạt huy chương vàng cá nhân, huy chương đồng tập thể môn bóng gỗ và huy chương bạc đồng đội môn bóng đá kết hợp dành cho người thiểu năng trí tuệ và người không bị thiểu năng trí tuệ. Trong ngôi nhà nhỏ treo rất nhiều huy chương thể dục thể thao mà Mừng đạt được. Nụ cười hạnh phúc của người cha già Mạc Văn Mỹ. Để Mừng đạt được thành tích như bây giờ, hơn 20 năm qua người cha già Mạc Văn Mỹ luôn theo chân con đến lớp học. Một ngày của hai cha con bắt đầu từ sáng sớm, ông Mỹ thức dậy, chuẩn bị mọi thứ rồi chở con trai đến lớp. Ngày Mừng còn đi học ở trường ĐH Văn Lang, ông Mỹ cũng dự thính bên cạnh con mình, ghi chép cẩn thận để có thể truyền đạt khi con cần. Những môn học như tiếng Anh, thể thao, võ Akido… thì ông luôn đứng bên ngoài dõi theo từng bước đi của con, chưa một lần rời mắt. Biết mình đã già, không thể theo con đến lớp cả đời, nên thỉnh thoảng trong lúc chở con đi học, ông Mỹ nhỏ nhẹ nói với anh Mừng: “Nếu sau này, ba không còn đi với con được nữa, con phải mạnh mẽ lên, đừng buồn, con phải tự mình phấn đấu…”. “Nếu sau này, ba không còn đi với con được nữa, con phải mạnh mẽ lên, đừng buồn, con phải tự mình phấn đấu…” Ông nói vậy, chứ ông đâu muốn, và ông thật sự rất sợ nếu một ngày nào đó phải bỏ Mừng lại cuộc đời này một mình. Vì vậy ông luôn dạy con phải cố gắng học tập để kiếm được cái nghề, cố gắng rèn luyện thân thể để bảo vệ chính mình. Người mẹ vượt qua trầm cảm để đồng hành cùng 2 người con LGBT Cũng trong đêm Gala đáng nhớ ấy, cô Cao Thị Minh Nguyệt – người phụ nữ được mệnh danh là “mẹ của hàng trăm đứa con LGBT” cũng đã vinh dự nhận giải Đại sứ truyền cảm hứng 2015. Cô Nguyệt có 2 người con bình thường, không bệnh tật, nhưng vẫn chịu rất nhiều cay đắng từ sự kỳ thị của xã hội chỉ vì cả 2 đều thích người đồng giới. Những người trẻ trong cộng đồng LGBT thường gọi cô Nguyệt bằng cái tên thân thuộc: Mẹ Nguyệt! “Mẹ Nguyệt” của họ, vốn không phải là một tổng đài viên tư vấn giới tính cho bất kỳ ai, nhưng trong cộng đồng những người đồng tính, song tính và chuyển giới, thì cô là một người mẹ chung cho tất cả. Một người luôn lắng nghe người trẻ, chia sẻ, động viên, thậm chí sẵn sàng can thiệp khi thấy các gia đình có dấu hiệu bạo hành những người con mà họ cho rằng đã “mắc bệnh” đồng tính. Cô Cao Thị Minh Nguyệt – “người mẹ của hàng trăm đứa con LGBT”. Cô Nguyệt đã từng đến nhà những cô cậu bé chẳng máu mủ ruột rà gì với mình, chỉ để xin ba mẹ các em mở trái tim và học cách hiểu những gì đang diễn ra với con mình. Với những phụ huynh hà khắc không muốn hiểu chuyện, cô Nguyệt bị xem là “bà khùng”, “dở hơi”, nhưng với cộng đồng LGBT, cô Nguyệt đơn giản là một người mẹ. Cô Nguyệt có 3 người con thì 2 trong số đó đã là người LGBT. Cô con gái đầu tên Vy Vy, 30 tuổi, là người dị tính và đã về nhà chồng. Người con giữa tên Nguyễn Trúc Vy, 27 tuổi, là người chuyển giới nam. Và người con trai út tên Minh Nhật, 20 tuổi, là người đồng tính nam. Cô sống cùng 3 người con tại một ngôi nhà được tận dụng làm quán café sân vườn ở huyện Cam Lâm, Nha Trang. Ngôi nhà thiếu vắng bàn tay chăm sóc của người đàn ông do chồng cô đã đi thêm bước nữa. Mọi việc trong nhà, mọi nỗi đau, bao lâu nay chỉ một mình cô gánh chịu. Trong ngôi nhà đó, cô Nguyệt vừa làm mẹ, cũng vừa làm cha. Cả một khoảng thời gian dài dõi theo từng đứa con cho đến khi phát hiện cả hai đứa đều là người LGBT, chỉ một mình cô tự nhủ lòng mình phải vượt qua, chấp nhận và đi tìm hạnh phúc cho con mình. “Tôi rất đau đớn và đã có một thời gian bị trầm cảm, luôn luôn tự trách mình rằng tại sao lại sinh ra những đứa con như thế để rồi tương lai sau này của chúng nó sẽ đi về đâu? Tôi tự nhủ lòng mình hãy cố làm thật nhiều để bù đắp cho các con. Là một người mẹ đã theo con mình gần nửa cuộc đời, trải qua quá nhiều sự kỳ thị và khó khăn, tôi nghĩ, hạnh phúc của con quan trọng hơn rất nhiều so với cái được gọi là chuẩn mực của xã hội. Phải, tôi từng rất sốc nhưng chưa bao giờ nỡ làm tổn thương các con và cũng không muốn làm điều đó”, cô nói. Cô Nguyệt nói, cô không thích ai gọi mình là “người mẹ vĩ đại”, vì cô thấy mình chẳng làm gì để gọi là vĩ đại cả. “Tôi chỉ làm theo bản năng của một người mẹ, đó là bảo vệ và đem đến cho các con một cuộc sống hạnh phúc, còn hạnh phúc thế nào là do con mình lựa chọn”. Lời thỉnh cầu đằng sau chiếc áo của “Minh Hấp” Những ngày cuối tháng 3 năm nay, ở Hà Nội, chúng tôi bắt gặp một chàng trai có bộ dạng như đứa trẻ lên 3 đang ngơ ngác nhìn đường, thỉnh thoảng lại nói chuyện lầm bầm, lại giơ các ngón tay ra và say mê chơi đùa một mình. Anh khoác chiếc áo màu xanh da trời có lời thỉnh cầu với vỏn vẹn ba từ “Xin đừng đánh!”. Người ta gọi anh chàng đó là Minh “hấp”. Minh “hấp” lân la phố phường chán chê thì trở về nhà ở một ngõ nhỏ Trường Chinh. Từ đằng xa, chúng tôi đã thấy một người đàn ông lớn tuổi, gầy gò, lằng lặng dõi theo những bước chân của Minh từ xa. Tôi không biết ông ấy đã đứng trước cửa nhà chờ Minh quay về từ lúc nào, và cả cuộc đời khắc khoải của ông đã đứng ở nơi ấy bao nhiêu lần, chứng kiến bao nhiêu thương tích mà con mang về? Ông ấy là ba của Minh “hấp” – ông Nguyễn Văn Bình (SN 1953, Trường Chinh – Hà Nội). Chiếc áo khoác của Minh “hấp” với dòng chữ “Xin đừng đánh”. Minh có tư duy khác mọi người, cậu hay thích trêu chọc người khác bằng cách đánh nhẹ vào người họ. Minh cũng hay thích đi bấm chuông các gia đình hàng xóm hoặc lấy những hòn đá nhỏ ném vào bên trong. Dù không gây nguy hiểm gì nhưng những hành động đó của Minh đã khiến cậu bị nhiều người ghét bỏ. Họ không hiểu về bệnh tình của Minh và thường hay la hét, chửi bới, đánh đập thậm chí còn làm nhục cậu. Thương con và gần như bất lực khi không thể đi theo kè kè canh chừng, ông Bình đã nảy ra sáng kiến ghi số điện thoại và dòng chữ “Xin đừng đánh” vào lưng áo của Minh. “Chiếc áo nào mua về, tôi cũng phải ghi dòng chữ ấy cùng số điện thoại vào, ngay cả những chiếc áo mà Minh còn chưa mặc lần nào”. Khi Minh bước chân ra đường, tâm trí của ông Bình vẫn luôn dõi theo con. Số điện thoại ghi sau lưng áo cũng giúp Minh 4 lần tìm thấy đường về sau khi đi lạc. Điều ấy khiến ông Bình tin rằng, trên đời này vẫn còn nhiều người tốt, vẫn ấm áp tình người. Nhờ có những chiếc áo như thế, ông cũng đỡ lo khi để cho Minh một mình lang thang theo ý thích. Bây giờ cuộc sống của ông Bình gắn chặt với việc chăm lo cho Minh. Mọi công việc ông làm đều là vì Minh. Mỗi ngày, ông đều lặp đi lặp lại các công việc nấu ăn, tắm giặt, cho con uống thuốc và mát xa, bấm huyệt cho Minh. Khi Minh đi chơi, bao giờ ông cũng mặc áo cho cậu và nhắc con đi nhớ về sớm, đi lại cẩn thận. Ông Nguyễn Văn Bình – người cha luôn mong muốn điều tốt đẹp cho đứa con đáng thương của mình. Ông luôn nhìn theo bước chân Minh, dù bước chân ấy chỉ là thói quen thôi nhưng người cha vẫn mong rằng, biết đâu đấy, nó sẽ khiến Minh, từ một con người “hồn nhiên”, được “bình minh” thật sự. Theo Trí thức trẻ