Những ngày Sài Gòn mưa, không gì sướng hơn cái chuyện vừa ăn phá lấu cô Ba, vừa nghe cô tám chuyện trên trời dưới đất. Chất như người Sài Gòn: Đem đồ nghề ra bãi đất hoang cắt tóc miễn phí cho người lao động Gặp người đàn ông 23 năm cắt tóc vỉa hè: “Người Sài Gòn vẫn đơn giản vậy thôi!” Mấy bữa nay trời Sài Gòn mưa hoài. Mây kéo bầy đen thui rồi đổ mấy đợt mưa cà chớn, hơi đất bốc lên cứ luẩn quẩn níu chân người đi đường. Hàng quán vỉa hè nghe mưa cũng cuống cuồng dẹp đi phân nửa. Cái trời này, không biết sà vào chỗ nào ngồi ăn cho đỡ ướt áo. Mưa, Sài Gòn nhiều đồ ăn cho thiệt hạp lắm, bánh xèo nè, bún bò nè, hủ tiếu nè, cháo nè… mà hạp nhứt có lẽ là phá lấu. Phá lấu ở Sài Gòn có những năm rất thịnh, quán vỉa hè, quán sang, quán cà tàng, hoặc một cái gánh rong ven đường cũng có thể có phá lấu ngon, mà giờ ít hơn, chắc vì nhiều món ăn vặt mới lạ xuất hiện “lấn đất”. Nhưng những hàng phá lấu cỡ hai ba chục năm vẫn còn tồn tại ở đất này, thì bao ngon. Có đám nhỏ dắt díu nhau, lúi húi chạy dưới mưa, như bầy vịt chạy đồng xông vào đường đình Phú Thạnh, Cách Mạng Tháng Tám, ghé tiệm phá lấu cô Ba, quyết ăn bằng được cái món “lẩm cẩm” này. Trời mưa lành lạnh vầy, vừa ngồi ăn, vừa tám chuyện trên trời dưới đất với cô Ba thì số dzách rồi! Trời mưa mưa, qua ăn phá lấu cô Ba ngon phải biết. Trời mưa, cô Ba ngồi bó gối trên cái ghế nhựa, phe phẩy cái quạt, chốc chốc lại lấy quạt vỗ cái bẹp lên tay đuổi mấy con muỗi đói háu ăn. Nồi phá lấu đầy ắp, thơm lừng đang sôi sùng sục bên cạnh. Mấy ổ bánh mì giòn đang rệu rã vì hơi mưa cũng được cô Ba hơ nóng lại. Vừa hơ, bả vừa ngó mắt lên trời, vừa thầm thì cái gì nghe như: “Mưa hoài, mưa riết!”. Cô Ba có nụ cười giòn tan, đứng đầu hẻm mà bả cười chắc cuối hẻm cũng nghe thấy. Mấy vị khách hí húi ăn, đang tập trung vô chén phá lấu mà nghe cô Ba càm ràm cũng chen ngang: “Mưa cho mát cô ơi, phá lấu nóng quá chừng, đổ hết mồ hôi mồ kê rồi nè”. “Thì ờ, cô nói vậy chứ mưa nắng là chuyện của ông trời, hổng lẽ cô nói ổng nghe luôn sao bây! Mà mưa này cô buôn bán cũng được, dân Sài Gòn thích ăn phá lấu khi trời mưa” – cô Ba vừa nói vừa cười, tiếng cười giòn tan rất hợp với dáng người to, béo tròn của cô. Cô Ba là dân Sài Gòn gốc, rất thích kinh doanh nên từ hồi còn mười mấy tuổi đã tập tành buôn bán. Ai dè đâu cái nồi phá lấu bán chơi chơi năm hăm mấy tuổi theo cô đến tận bây giờ. Ăn mấy lần thì chắc ai “nhiều chuyện” cũng biết, cô Ba là người Sài Gòn chính hiệu, nào giờ sinh ra, lớn lên, lấy chồng cũng ở đất này. Hồi năm 15, 16 tuổi, cô Ba đã tập tành bán hàng phụ mẹ, sau này lớn lên xíu thì tự nấu phá lấu bán. Nghe đâu, cô bắt đầu bán phá lấu từ năm 1989, tính đến giờ cũng ngót 30 năm. “Cô tên thiệt là Phương, hồi đó, hai mươi hơn là cô bán phá lấu rồi. Ai hỏi, sao tự dưng con gái tuổi đôi mươi đẹp gần chết hổng kiếm cái gì làm mà đi bán phá lấu, cô chỉ trả lời: Tại thích. Mà thích thiệt. Bán buôn hoài quen, chắc cái nghiệp phải kinh doanh đó con, chứ cô hổng thích nghề gì khác”. Cô Ba nói, phá lấu muốn ngon là phải chọn nguyên liệu thiệt tươi, làm thiệt kỹ, nấu thiệt cẩn thận, chứ không phải như mọi người nghĩ, làm bằng lòng bò thì nấu tùm lum vô, hoặc ẩu ẩu cũng ra phá lấu. Rồi “nhiều chuyện” sâu hơn nữa cô cũng kể luôn cho nghe: “Sau cô lấy chồng, theo chồng về tận An Sương (quận 12), xa lắc xa lơ. Tưởng bỏ nồi phá lấu rồi. Mà bỏ sao được bây! Đang buôn bán được, khùng ha mà bỏ. Vậy là sáng 4 giờ cô dậy, chạy từ quận 12 qua quận 8, vô lò mổ lấy lòng bò. Mà không lấy bậy nghen, đó là chỗ quen, chuyên đổ mối thịt bò cho siêu thị á, tin tưởng lắm. Xong cô chạy ngược về chỗ này nấu nướng, chuẩn bị bán. Hết hàng, dọn dẹp xong về tới nhà ở An Sương cũng 9 – 10 giờ tối”. Nói xong, cô Ba có thói quen cười khà khà. Rồi bả tự hào kể cho khách nghe chuyện cái nồi phá lấu này nuôi 6, 7 miệng ăn trong gia đình, từ con dâu con trai, tới hai cháu, tiền sắm đồ… cũng từ nồi phá lấu mà ra. Bán phá lấu gần 30 năm, cuối cùng cô dành dụm cũng mua được căn nhà để mở thêm một chi nhánh cho con dâu nối nghiệp. “Cô vừa mua được căn nhà bên Lê Đại Hành 3 tỷ đó con. Trời ơi, buôn bán hơn 20 năm có được căn nhà mừng muốn chết. Giờ nhà cô từ An Sương chuyển về đây hết rồi, mở thêm chi nhánh bên Lê Đại Hành cho con dâu bán nữa. Bán lần lần cho quen, chứ cô cũng có ý định dẹp chỗ này để con dâu bên kia bán thôi, đủ tuổi về hưu rồi bây, không lẽ bắt cô bán hoài?”. “Ủa ghê, mua nhà 3 tỷ luôn! Chắc cô biết ơn nồi phá lấu lắm hen” – có anh chàng đang ngồi ăn cũng ngóc mỏ lên hóng chuyện, rồi hỏi đùa theo. Cô Ba lấy cây quạt phe phẩy tiếp rồi nháy mắt, hất tóc ra vẻ kiêu sa, chanh chảnh, mà chảnh kiểu cô Ba Sài Gòn rất dễ thương: “Biết ơn gì! Tại cô Ba của bây bán ngon thôi. Cô không có quảng cáo rầm rộ trên mạng đồ đâu, có cái quán chút xíu mượn mặt tiền nhà má cô nè, trong hẻm hốc nữa mà người ta cũng tìm vô ăn đây đông nghẹt”. Cô Ba nấu phá lấu hoàn toàn bằng nước dừa, với thêm vài gia vị “bí mật” chỉ riêng cô Ba biết nên ăn mấy miếng là thấy khác mấy chỗ mới nổi mà được quảng cáo hà rầm liền. Mà thiệt, phá lấu cô Ba ăn hoài không ngán. Cái gì cũng có từ lá mía, ruột non, khăn lông, gan… (mấy từ này là danh từ chỉ bộ phận nội tạng bò trong món phá lấu, cô Ba nói phải kêu vậy cho đỡ ghê, chứ không lẽ giờ kêu phèo, phổi, lá lách… thì có khi khách ăn mất ngon vì… sợ). Cô Ba nấu kiểu cũ, nước lèo hoàn toàn bằng nước dừa tươi và vài gia vị “bí mật” nên hương vị rất khác. Xiên miếng phá lấu, chấm nước mắm chua ngọt, cắn thêm miếng bánh mì thì ai cũng muốn tan ra vì… ngon. Khăn lông ăn sực sực, giòn giòn trong miệng, nhai thú vị vô cùng. Còn lá mía thì mềm, thơm lại, cũng có mấy chỗ cắn thấy giòn, mấy chỗ thấy ngậy ngậy, nuốt vô là muốn ăn thêm miếng thứ hai. Gan cũng mềm dẻo như kẹo kéo, mà lại béo thơm như mỡ bò. Phèo non thì khỏi bàn, ai ăn cháo lòng chắc cũng biết, thứ khiến phèo non trở nên đặc sắc nhất là phần cơm béo bên trong, nhưng không phải ai cũng biết làm cho phèo ăn thiệt ngon mà không hôi đâu, cô Ba nhà ta thì là chuyên gia lành nghề rồi. Phèo phá lấu của cô dám chắc, ăn một miếng nhớ hoài không quên… Nồi phá lấu của cô Ba lúc nào cũng nóng hổi đầy ắp và thơm thật thơm. Một chén phá lấu đầy đủ ở chỗ cô bán chỉ có giá 20.000 đồng, thêm ổ bánh mì thật bự thì 5.000 đồng nữa. 25.000 đồng cho một phần ăn no căng bụng là không mắc chút nào. “Mà bây, bữa Trấn Thành nó có ghé vô ăn nè, nó dựng xe hơi đâu ngoài đầu hẻm rồi đi với mấy cô người mẫu vô ăn. Bữa đó, con nít xúm lại chụp hình, nó không kịp ăn phải bỏ bịch đem về, ta nói, tức cười gần chết” – cô Ba chợt vui miệng kể nghe chơi. Anh chàng hóng hớt hồi nãy, ăn nãy giờ chưa xong cũng “đâm xuồng bể” lần nữa: “Ghê vậy, bán cho người nổi tiếng luôn”. Vậy là cô Ba được thể lại hất tóc, quạt quạt rồi đủng đỉnh nói: “Thì kể nghe chơi vậy, chứ nổi tiếng hay không ăn xong cô cũng tính nhiêu đó tiền, có giàu hơn đâu. Nói vậy chứ người nổi tiếng vô quán cô ăn cũng nhiều (cười sung sướng). Phải buôn bán ngon tụi đó mới tin tưởng vô ăn chứ. Ăn phá lấu của cô là khỏi sợ lúc đóng phim, làm giám khảo trên truyền hình bị chột bụng ha”. Cô Ba rất tự tin với phá lấu do chính tay mình nấu. Đảm bảo ngon, bổ và rẻ nữa! Nói xong mặt cô Ba tươi rói, lấy cái vá múc nước phá lấu cho thêm anh chàng kia đầy chén. “Bả chỉ mê mấy người nổi tiếng thôi, chứ khách bình dân như tụi tui, với bả như vô hình” – một cô gái mặc váy, áo sơ-mi chỉnh tề từ đâu xuất hiện sà vô ghế ngồi nói. Cô Ba nhận ra ngay khách quen, nên cười thiệt lớn rồi hỏi: “Đó, gặp tui là kiếm chuyện chọt à. Đi đâu lâu quá không thấy ghé vậy Trà Vinh”. “Với cô ai cũng như ai, bình dân hay mối manh như Trà Vinh, cô cũng cho thêm nước chấm bánh mì, thêm miếng lá mía chứ không có khinh khi gì hen”. – “Tui nói bà đừng có kêu tui bằng cái tên đó nữa, nghe quê chết” – cô gái cau mày nói với cô Ba. – “Thì giỡn chơi chút, sao khó vậy? Mà tên nghe dễ thương mà, ai biểu nói với tui chi để tui kêu”. “Thôi mệt quá, bỏ qua bỏ qua, lấy chén phá lấu u như kỷ (y như cũ) đi”. Cô Ba lấy chén múc, vừa múc vừa nói chuyện với vị khách quen lâu ngày mới ghé: “Mà Trà Vinh nói cô khinh khách bình dân là cô không chịu nghe. Với cô ai cũng như ai, bình dân hay mối manh như Trà Vinh cô cũng cho thêm nước chấm bánh mì, thêm miếng lá mía chứ không có khinh khi gì hen. Lâu lâu có tụi người nổi tiếng vô ăn, có chuyện kể mấy đứa nghe vậy, chứ cô có ké nổi tiếng được miếng nào đâu” Ngoài phá lấu, cô Ba còn có món khô bò đen. Cái này chấm với bánh mì cũng ngon đáo để. Ngoài buôn bán có tâm, cô Ba còn rất biết cách thu hút khách hàng bằng giọng nói ngọt ngào, dễ thương của mình. “Thôi ăn lẹ, nói hoài, hết mưa rồi kìa, bộ tính ăn hết nồi mới chịu về hén?” – cô Ba bảo anh chàng vui chuyện. Mấy người khách giật mình nhìn lên, hóa ra trời nãy giờ đã tạnh mưa mà không ai hay. Có lẽ mọi người bị hút vào những tràng cười và câu chuyện hề hước của cô Ba nên chả ai để ý mưa nắng giờ giấc gì nữa. Đó, nói đâu có sai, ăn phá lấu cô Ba là quên sầu, quên mưa luôn! Mấy vị khách tiếc nuối đứng dậy tính tiền ra về. Trong quán chỉ còn Trà Vinh đang cặm cụi ăn. Chợt cô nàng Trà Vinh nhìn đồng hồ rồi hốt hoảng: “Chết cha, trễ giờ. Lẹ lẹ, múc cho tui 3 bịch đem về công ty cho mấy bà ở trỏng ăn coi”. Phá lấu cô Ba, ăn là quên sầu, quên mưa. Cô Ba vừa đóng bịch, vừa háy mắt nói nhỏ: “Phá lấu ngon quá, ăn quên giờ quên giấc hen. Lần nào lần nấy y chang, vô thì chọc tui, về thì la làng lên hối”. Cô nàng thè lưỡi, trề môi kiểu biết rồi, nói hoài, rồi cũng xách ba bịch phá lấu dong mất đất. Còn mình cô Ba, bả lại lấy cây quạt ra phẩy phẩy, co gối một bên rồi hát theo bài cải lương đang vọng ra từ ngôi nhà đối diện. Giọng ca bả cũng giòn như giọng cười, loang xa như mùi thơm nồi phá lấu, làm dậy động cả một xóm hẻm Sài Gòn giữa trưa. Theo afamily