Gia đình khó khăn, Lít không được đến trường. Bởi thế, mới 11 tuổi, cậu phải bán bánh dạo để các em có thể viết tiếp ước mơ dang dở của cậu. Chúng tôi tình cờ gặp cậu bé này khi đang dừng xe ở ngã 3 đèn đỏ đường Phan Văn Trị, quận Gò Vấp, TP. HCM. Thời gian này, Sài Gòn đang là mùa mưa, nhưng sáng nay, trời bỗng đổ nắng chói chang. Cái nắng bất thường như muốn cháy da cháy thịt người đi đường, thế nhưng, dường như nó không là gì với cậu bé 11 tuổi này. Cậu vẫn ung dung bưng thùng bia kềnh càng chất đầy bánh. Hình ảnh đó làm chúng tôi vô cùng cảm động. Dừng xe lại, chúng tôi hỏi mua bánh và ngỏ ý bắt chuyện với cậu. Cậu bé Nguyễn Lít kể về cuộc sống và mơ ước giản đơn của cậu Sau một lúc nói chuyện với cậu, tôi được biết cậu tên là Nguyễn Lít, 11 tuổi. Bảy thành viên nhà cậu hiện đang tá túc ở một khu nhà trọ chật hẹp ở quận Bình Thạnh, TP. HCM. Lít là con thứ hai trong gia đình có 5 anh em. Anh trai Lít cũng chỉ mới 13 tuối, sau Lít còn có 3 đứa em nhỏ lần lượt là 10 tuổi, 7 tuổi, đứa nhỏ nhất vừa mới lên 5. Bố cậu làm nghề lái xe ôm, còn mẹ thì lo cho một đàn con thơ chẳng thể đi làm gì được. Hoàn cảnh khó khăn, một mình bố không thể gánh hết mọi chuyện trong gia đình. Thế nên, từ nhỏ, Lít và anh trai đã không được đến trường mà phải đi bán bánh dạo để san sẻ phần nào gánh nặng với bố. “Hằng ngày, khoảng 6 giờ sáng, em đã phải dậy để chuẩn bị đồ đạc, chất bánh đầy vào bùng bia rồi đi bán xung quanh các con đường ở quận Gò Vấp với quận Bình Thạnh. Lê thê theo những con đường lớn, những con đường quen thuộc để bán, cho đến khi trời chập choạng tối em mới về”, cậu bé ngồi giữa quán café chia sẻ về công việc của mình. Dần dần hình ảnh một cậu bé thân hình gầy gò, hai tay ôm một thùng bánh đi bán dạo đã trở nên quen thuộc với người dân nơi đây. Nghe chúng tôi hỏi chuyện bé Lít, chị Thanh, 35 tuổi, chủ quán cà phê trên đường Phan Văn Trị, quận Bình Thạnh cho biết: “Chúng tôi biết cậu bé, bán ở đây đã gần 2 năm, nó lanh lợi, thông minh lắm. Nhiều lúc mệt, nó vào quán nghỉ một tí rồi tiếp tục đi bán”. Cứ thế mỗi ngày, dù mưa hay nắng cậu bé Lít vẫn đi bán bánh dạo. Có những lúc được người dân thương tình mua giúp hay chỉ đơn giản là cho một chai nước thôi cậu bé mừng lắm. “Nhiều lúc cô bác thấy con mệt cũng mua ủng hộ cho con; hay đến bữa, cô bán hủ hiếu, cô bán phở thấy con không bán được cũng cho con ăn mà không lấy tiền. Những lúc vậy, con cảm ơn cô chú lắm”, giọng cậu bé chùng xuống. Ngoài những người có tấm lòng thơm thảo như vậy, nhiều khi cậu bé vẫn bị người ta gạt mua bánh mà không trả tiền. Có lúc, cậu gặp phải những “côn đồ nhí” tầm hơn tuổi cậu, thế là, chồng bánh lại bị “giật” đi một ít. Những lúc vậy, cậu chỉ còn cách ngồi thút thít một mình. Bởi vì, không những không có tiền để phụ giúp gia đình, số vồn để lấy hàng cho ngày hôm sau cũng mất luôn. Ngoài việc phụ bố mẹ những sinh hoạt thường ngày, thùng bánh của Lít còn gánh cả một ước mơ của cậu. Đó là để mấy đứa em được học hành tử tế. Cậu bé ngây thơ kể lại, ngày trước cậu và anh trai mơ ước được đến trường như những đứa trẻ khác, thế nhưng, ước mơ đó mãi còn dang dở. Bởi, đến ăn còn chưa đủ no thì nói gì đến việc học hành. Bản thân không được tới trường nên bao mơ ước cậu dành hết cho ba đứa em nheo nhóc: “Con chỉ mong rằng, mấy đứa em của con được đi học không phải khổ như hai anh em con là con vui rồi. Vì thế nên dù thời tiết thế nào, con cũng cố gắng bán thêm để kiếm tiền phụ các em đi học”. Ước mơ giản đơn của cậu làm tôi ứa nước mắt. Một ước mơ giản đơn nhưng lại rất cao thượng của một người anh trưởng thành trước tuổi. Tôi mở ví đưa cho cậu mấy đồng uống nước, nhưng cậu nhất quyết không nhận. “Chú mua cho con bao nhiêu bánh thì con xin cảm ơn, còn tiền thì…”. Mua cho cậu mấy bịch bánh rồi ra về, thế nhưng, hình ảnh cậu cứ làm tôi nhớ mãi. Ngẫm lại, tôi cũng thấy ấm lòng cho giới trẻ hôm nay. Bởi ngoài những thanh niên suốt ngày bỏ đời vì tụ tập đua xe, những nam thanh nữ tú từng ngày bán thân cho ma túy. Hay những thiếu niên trộm cắp, chôm chỉa để thỏa mãn ham mê game, Net, bên cạnh đó vẫn còn những em bé có nghị lực, biết chăm lo cho bản thân và gia đình như cậu bé bán bánh dạo này. Cầu chúc cho cậu có nhiều sức khỏe để tiếp tục công việc hy sinh thầm lặng của mình, và mong rằng những đứa em của cậu sẽ được đến trường để viết tiếp ước mơ còn đang dang dở của cậu bé. Nguồn: Thành Giáp