Bỏ lại quê hương phía sau, những con người này bám trụ lại thành phố và những công trường xây dựng với nghìn niềm hi vọng về một tương lai tươi sáng hơn. Sài Gòn chuyện đời của phố: Cuộc sống ven đô thời Pháp thuộc Cuộc sống trong chung cư cũ nát ở TP.HCM Sài Gòn – thành phố hoa lệ với những tòa cao ốc chọc trời và những dự án bất động sản mọc lên từng ngày. Nhưng đằng sau những công trình đồ sộ và đẹp đẽ đó là rất nhiều câu chuyện, có cả chuyện đời của những gia đình công nhân mưu sinh xa quê trong một khu trọ tạm bợ. Làm việc trong những công trường xây dựng, không có chỗ ở, họ tự dựng lên những lán trại từ tôn và gỗ. Khu trọ vốn dĩ đã đơn sơ đến mức chẳng có gì, nay gặp mùa Sài Gòn thường xuyên mưa gió, nước ngập khắp nơi khiến môi trường sống càng trở nên tệ hơn. Sống nơi đây là họ đã chấp nhận bị bao quanh bởi những vũng nước mưa đọng lại đen ngòm, bầu không khí pha lẫn mùi rác và nguy cơ nhiễm bệnh vì một môi trường không hề sạch sẽ. Khi những cơn mưa nặng hạt kéo đến, cuộc sống chật vật càng thêm khó khăn khi nước ngập tràn vào tận nhà. Đồ đạc thu vén rồi để lên cao, có những đêm mưa to nước dâng cao lên tận chỗ ngủ, những người công nhân thức trắng đêm và đi làm ngay khi trời sáng. Nguồn nước sạch duy nhất của cả xóm là đường ống nước xin từ công trường. Mấy hôm nay trời mưa, xóm có thêm nguồn nước sạch để sinh hoạt. Chiều tan ca, cánh đàn ông trong xóm tập trung về bồn nước mưa để cùng tắm rửa, chẳng có chút gì ngại ngùng. Hầu hết những người trọ trong xóm này đều có quê ở An Giang. Họ rủ nhau đi làm xa và ở gần nhau để cùng cưu mang, đùm bọc, chia sẻ buồn vui. Đường vào từng nhà trở nên lầy lội sau mưa, các tấm gỗ bỏ đi bỗng nhiên trở nên hữu dụng. Bên trong “nhà tập thể”, khu vực sinh hoạt riêng của mỗi gia đình chỉ đơn giản ngăn cách nhau bằng những tấm màn che. Đồ đạc cũng đơn sơ và giản dị với những vật dụng thiết yếu để phục vụ bữa cơm, bao gạo, chăn gối… Ngoài ra, chẳng còn gì. Anh Phạm Văn Hậu (27 tuổi, An Giang) đã có vợ và hai con. Trước đây, hai vợ chồng cùng sinh sống và làm việc tại công trường, nhưng do vợ bệnh nặng không còn đủ sức nên anh phải ở lại một mình, chị về quê chăm sóc cho hai con. Anh chỉ dám tiêu xài tằn tiện để gửi về cho vợ chăm lũ nhỏ. Anh bảo, đời anh lỡ khổ rồi nên đâu thể cho con anh khổ, giá nào cũng phải cho chúng nó ăn học tới nơi tới chốn. Còn anh Lâm Quang Tuấn (em họ anh Hậu) lại mang theo một mối tình sâu đậm khi mưu sinh nơi đất khách. Ngồi ôm món quà của người yêu cũ tặng khi còn ở quê, anh ngậm ngùi: “Nhiều khi buồn vẫn nhớ nhưng biết sao giờ, vì người ta đã có gia đình rồi”. Gia đình của em Phạm Hoàng Minh (8 tuổi, An Giang) đang quây quần bên nhau. Cha em mất sớm trong một lần đi làm ở núi Cấm, mẹ đang làm công nhân tại công trường Quận 2. Hôm nay, vì nhớ mẹ, em đã cùng cha dượng lên thăm. Tối, vài người trong xóm tập trung ra trước hóng gió, kể chuyện đi làm, chuyện nhà chuyện cửa cho nhau nghe. Đằng xa, ánh đèn của công trường soi sáng một vùng, là nơi mà những con người xa xứ này gửi gắm hết hi vọng. Rồi cả xóm cũng nhanh chóng chìm vào giấc ngủ để lấy sức cho một ngày mới. Trong nhà chật quá, một số người mắc võng nằm ngay bên ngoài. Vậy mà lại ngủ tròn giấc, mặc kệ đám côn trùng và ruồi muỗi bay xung quanh. Tuy cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng nụ cười chưa bao giờ tắt. Niềm vui lắm lúc đơn giản là xin được số điện thoại của một cô gái công nhân nào đó, là tiếng cười con trẻ chờ đợi mỗi khi đi làm về hay bữa cơm chiều nay có thêm một vài lạng thịt. Công trường này hoàn thành, họ lại dọn đi, tới những công trường khác, tới những bãi đáp khác. Phận đời lênh đênh nay đây mai đó, thu nhập chỉ vừa đủ trang trải cuộc sống, cuộc đời những người con tha hương này rồi sẽ đi về đâu…? Theo Thế Giới Trẻ