Có một lớp học ấm tình người như thế giữa Sài Gòn: Sinh viên làm gia sư miễn phí giúp trẻ em nghèo biết con chữ


Giữa cuộc sống nhộn nhịp tại con hẻm ở đường số 18, khu phố 5, phường Linh Trung, đều đặn mỗi chiều tối, người dân nơi đây lại cảm thấy dịu lòng bởi tiếng trẻ thơ đồng thanh đánh vần chữ cái, phép tính vang ra từ lớp học tình thương đơn sơ, giản dị do các bạn sinh viên đứng lớp hoàn toàn miễn phí.

Những nhà giáo không lương và lớp học “bao cấp” giữa Sài Gòn

Có một lớp học xóa mù “đặc biệt” dưới chân cầu Sài Gòn

Tìm đến con hẻm thuộc đường 18, khu phố 5, phường Linh Trung, quận Thủ Đức, TP.HCM), theo lời chỉ dẫn của những người dân tại khu vực này, tôi tìm đến lớp học tình thương dành cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn do anh  Nguyễn Xuân Thạch (27 tuổi) – cựu sinh viên ngành Công Nghệ thông tin trường ĐH Nông Lâm phụ trách đứng lớp.

Lớp học tình thương đơn sơ, không bảng hiệu, chỉ vỏn vẹn 2 gian với vết sơn tường đã hoen ố này được thành lập từ năm 2011, đây là một công trình thanh niên do Đoàn phường Linh Trung đứng ra xây dựng và quản lí.

Lớp học tình thương đơn sơ không bảng hiệu tại đường số 18, khu phố 5, phường Linh Trung.

Lớp học tình thương đơn sơ không bảng hiệu tại đường số 18, khu phố 5, phường Linh Trung.

Lớp học đơn sơ và thầy cô chính là các bạn sinh viên 

Anh Thạch cho biết, quê anh vốn ở Bình Định, ngay từ khi anh còn là một chàng sinh viên năm 3, khi biết đến thông tin lớp học tình thương của phường Linh Trung xây dựng, anh Thạch đã đến tình nguyện xin vào dạy. Cũng theo anh Thạch, lớp học này bao nhiêu tuổi thì ngần ấy thời gian anh Thạch gắn bó với nơi này.

“Thầy giáo” Nguyễn Xuân Thạch.

“Thầy giáo” Nguyễn Xuân Thạch.

Ngoài anh Thạch, “thầy cô” tại lớp học tình thương này toàn bộ đều là sinh viên hoặc cựu sinh viên. CBan đầu, cùng đứng lớp với anh chỉ có ba “cô giáo” tình nguyện khác là: Nguyễn Thị Phương, Trần Thị Diệu, Nguyễn Thị Ngọc Linh. tất cả đều là sinh viên Trường ĐH Nông lâm TP.HCM. Tuy nhiên, khi lớp học ngày càng được biết đến rộng rãi, sinh viên các trường lân cận địa bàn đã tìm đến lớp học và xin được dạy các em, trong đó, nhiều nhất là các bạn sinh viên thuộc ĐH Nông Lâm TP.HCM.

Bạn Nguyễn Thị Thu Hương (Thành viên ban chủ nhiệm đội Công tác xã hội trường ĐH Nông Lâm TP.HCM ) cho biết, nhờ anh Thạch mà các bạn sinh viên trong đội Công tác xã hội trường cô mới biết đến lớp học tình thương. Sau đó, Đội cũng kêu gọi các thành viên đến lớp học hỗ trợ anh Thạch. Mỗi tuần, Đội sẽ cử 3 đến 4 bạn sang lớp học để kèm cặp các em. Hôm nào các bạn bận công việc đột xuất hoặc vướng chuyện thi cử thì mới không đến lớp

“Đây là việc làm vô cùng ý nghĩa, vì thế, bạn sinh viên nào cũng hào hứng đến lớp học để giúp đỡ các em”, nữ sinh nói.

2 cựu sinh viên ĐH Nông Lâm (áo hồng và áo caro) trong buổi phát quần áo Tết cho các em nhỏ tại lớp học.

2 cựu sinh viên ĐH Nông Lâm (áo hồng và áo caro) trong buổi phát quần áo Tết cho các em nhỏ tại lớp học.

Mỗi tuần, lớp học sẽ mở cửa lúc 18h đến 20h từ thứ 2 đến thứ 7, mỗi buổi như vậy sẽ dao động từ 10 đến 15 em. Anh Thạch cùng các bạn trong đội sinh viên tình nguyện sẽ chia nhóm để kèm cặp các em. Các bạn nhỏ chủ yếu được dạy môn Toán, môn Tiếng Việt và dạy tập viết.

Ấm lòng khi thấy các em lớn khôn, ngoan ngoãn từng ngày

Tại lớp học tình thương, học trò của lớp học đa số là những em nhỏ theo cha mẹ từ những vùng quê ở miền Tây: Sóc Trăng, An Giang, Tiền Giang… lên TP. HCM kiếm sống. Cha mẹ các em hằng ngày bận rộn cuộc sống mưu sinh, thế nhưng, số tiền kiếm được còn chẳng đủ trang trải cuộc sống, huống hồ còn lo cho các em đi học. Thậm chí, bản thân các em ban ngày cũng phải bươn chải kiếm sống bằng những việc vặt như lượm ve chai, bán vé số…

Các em nhỏ tại lớp học tình thương đều có hoàn cảnh vô cùng khó khăn.

Các em nhỏ tại lớp học tình thương đều có hoàn cảnh vô cùng khó khăn.

Đó cũng chính là lí do lớp học được mở ra, như một sự đồng cảm, sẻ chia đối với những đứa trẻ có cuộc sống gia đình khó khăn, tạo điều kiện để các em được đến trường, biết đọc biết viết.

Ngoài việc dạy dỗ các em chữ nghĩa, anh Thạch cũng như ban quản lí Đoàn phường cũng tạo điều kiện để các em có những đợt vui chơi, bồi dưỡng tinh thần cho các em. Cụ thể là trong các dịp Trung thu, Noel, Quốc tế thiếu nhi…, các em sẽ được nhận quà hoặc được các anh chị sinh viên tổ chức những bữa liên hoan nho nhỏ.

Có một lớp học ấm tình người như thế giữa Sài Gòn: Sinh viên làm gia sư miễn phí giúp trẻ em nghèo biết con chữ

Một buổi Trung thu dành cho các bạn nhỏ tại lớp học tình thương.

Một buổi Trung thu dành cho các bạn nhỏ tại lớp học tình thương.

Để lớp học được duy trì và phát triển, anh Thạch cùng với bà Nguyễn Ngọc Quỳnh Loan, Bí thư Đoàn phường Linh Trung đã cùng kêu gọi các mạnh thường quân quyên góp, ủng hộ các vật dụng từ bàn ghế, cặp sách, bút phấn, bảng viết… Ngoài ra, một số sinh viên sau khi ra trường, có công việc ổn định, có thu nhập cao đã quay lại đóng góp để xây dựng lớp học.

Vốn là những đứa trẻ đang ở thời kỳ mới lớn, bản tính hiếu động và tinh nghịch, bản thân các “thầy cô” cũng gặp khá nhiều khó khăn.

“Lúc đầu mới tiếp nhận lớp, chưa có kinh nghiệm giảng dạy nhiều, trong khi đó, tụi nhỏ khá lì lợm và nói không nghe lời nên đôi khi tôi cũng chán ngán. Vậy nhưng, gắn bó với các em một thời gian, khi đã hiểu được tụi nhỏ, bản thân tôi hay nhiều bạn sinh viên tình nguyện khác đều cảm thấy thương và quý. Ngược lại, các em cũng ngoan ngoãn và nghe lời hơn”, anh Thạch chia sẻ.

Các bạn nhỏ đang tuổi mới lớn nên tính cách có phần lì lợm. Tuy nhiên, sau một thời gian được học hành, các em đã trở nên ngoan ngoãn hơn rất nhiều.

Các bạn nhỏ đang tuổi mới lớn nên tính cách có phần lì lợm. Tuy nhiên, sau một thời gian được học hành, các em đã trở nên ngoan ngoãn hơn rất nhiều.

Dù đến thời điểm hiện tại, mọi thứ vẫn còn khó khăn và thiếu thốn cả về nhân lực và vật lực, nhưng mỗi ngày, được thấy các em lớn khôn, ngoan ngoãn, những người “thầy cô” như anh Thạch hay các bạn sinh viên tình nguyện đều cảm thấy ấm lòng.

Sau một thời gian ngắn đưa vào hoạt động, lớp học tình thương bước đầu đạt những tín hiệu tốt. Nhận thấy được điều đó, năm 2013, UBND phường Linh Trung đã nâng cấp lớp học tình thương khu phố 5 thành lớp phổ cập giáo dục.

Bên cạnh việc kêu gọi sự đóng góp của các mạnh thường quân, UBND phường Linh Trung cũng chủ động trích kinh phí để duy trì hoạt động của lớp học. Theo anh Nguyễn Xuân Thạch, những em nào học xong chương trình tại lớp sẽ được kiểm tra kiến thức, nếu kết quả đạt đúng theo yêu cầu của Ban quản lí đề ra sẽ tiếp tục được cấp chứng nhận phổ cập để các em tiếp tục đi học ở các lớp bổ túc văn hóa.

Theo saostar


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: