Chưa kịp phân loại, nhà cổ Sài Gòn… 
biến mất


Chưa kịp phân loại, nhà cổ Sài Gòn... 
biến mất

Hàng trăm biệt thự, nhà cũ ở TP.HCM biến mất và hàng trăm cái khác đang xuống cấp, trong khi Nhà nước còn loay hoay tìm cách phân loại để quản lý.

Hiện trạng của biệt thự 6C Tú Xương, Q.3, TP.HCM. Ảnh: HỮU THUẬN

Hiện trạng của biệt thự 6C Tú Xương, Q.3, TP.HCM.
Ảnh: HỮU THUẬN

Theo Trung tâm nghiên cứu kiến trúc (thuộc Sở Quy hoạch – kiến trúc TP.HCM), TP có gần 1.300 biệt thự xây dựng trước năm 1975. Ngoài ra, còn nhiều cụm nhà liên kế khác có kiến trúc tiêu biểu, là thông điệp của thời kỳ đầu của đô thị Sài Gòn.

Tuy nhiên thực tế nhiều biệt thự đã bị tháo dỡ, khuôn viên biệt thự nay là bãi đất trống hoặc bị chia năm xẻ bảy. Nhiều khu nhà liên kế cũng xuống 
cấp nghiêm trọng.

Hàng trăm biệt thự 
biến mất

Biệt thự 6C Tú Xương nằm trong danh sách các biệt thự xây dựng trước năm 1975. Nguyên thủy căn biệt thự rộng khoảng 300m2, tọa lạc trong khuôn viên đất khoảng 2.000m2. Sau năm 1975, nhiều nơi trong biệt thự bị cơi nới, lấn chiếm.

Trong khuôn viên biệt thự này có 6 hộ dân đang sinh sống (chưa kể những phòng trọ). Khi bán nhà thuộc sở hữu nhà nước, cơ quan chức năng chia luôn diện tích đất khuôn viên quanh biệt thự để bán hóa giá cho các hộ dân.

Các hộ dân trong khuôn viên biệt thự đã nhiều lần khiếu nại chính quyền về việc xây dựng trái phép trên phần sân vườn của biệt thự.

UBND P.7, Q.3 đã thực hiện việc cưỡng chế từ tháng 3-2016. Nhưng đến nay việc cưỡng chế mới thực hiện được một phần. Song một lãnh đạo Q.3 thừa nhận nếu cưỡng chế hết những phần xây dựng trái phép cũng khó trả lại nguyên trạng khu biệt thự, vì nhiều phần kiến trúc đã bị phá hỏng.

Trên địa bàn Q.1, Q.3 có gần 1.000 biệt thự xây dựng trước năm 1975 và nhiều biệt thự không còn nguyên trạng. Ngày trước, trên những tuyến đường như Tú Xương, Lê Quý Đôn, Võ Văn Tần, Nguyễn Đình Chiểu… biệt thự nối tiếp nhau san sát.

Tuy nhiên theo số liệu khảo sát gần đây của Trung tâm nghiên cứu kiến trúc, có đến 50% số biệt thự không còn tồn tại. Ví dụ trên những con đường ở Q.1, Q.3 như đường Hai Bà Trưng, 40 căn biệt thự được khảo sát chỉ còn khoảng 20 căn, trên đường Lê Quý Đôn khảo sát 20 biệt thự có đến 14 biệt thự không còn, khảo sát 18 biệt thự trên đường Mạc Đĩnh Chi biến mất 12 căn, hoặc đường Nguyễn Đình Chiểu có 53 biệt thự được khảo sát thì có 29 căn không còn trên thực tế…

Trong 500 biệt thự trên một số tuyến đường ở Q.1, Q.3 được Trung tâm nghiên cứu kiến trúc ghi nhận đã có 194 căn không còn.

Dân muốn sửa nhà 
phải đợi

Theo quy định, việc tháo dỡ, đập bỏ, xây dựng mới liên quan đến biệt thự cũ phải được Sở Quy hoạch – kiến trúc có ý kiến và được UBND TP cho phép. Vì vậy khi các chủ sở hữu biệt thự có nhu cầu tháo dỡ, xây dựng mới, UBND các quận, huyện đều gửi công văn về Sở Quy hoạch – kiến trúc và chờ UBND TP giải quyết từng trường hợp một.

Từ tháng 5-2013, khi UBND TP ban hành chương trình hành động trong công tác bảo tồn cảnh quan kiến trúc đô thị trên địa bàn TP (trong đó có việc phân nhóm biệt thự), việc xem xét sửa chữa, tháo dỡ, đập bỏ các biệt thự, nhà xây dựng trước năm 1975 được chuyển về hội đồng phân loại biệt thự để hội đồng này đánh giá, trình UBND TP quyết định. Nhưng theo một cán bộ Sở Quy hoạch – kiến trúc, việc cho phép tháo dỡ, sửa chữa nhà cũ, biệt thự cũ được giải quyết thận trọng và chậm hơn kể từ thời điểm trên.

Việc phân loại biệt thự phải dựa trên những tiêu chí cụ thể để xác định nhóm biệt thự và nội dung cần bảo tồn. Tuy nhiên ba năm trôi qua, tiêu chí phân loại biệt thự hiện vẫn là dự thảo, đồng nghĩa với việc gần 1.300 biệt thự cũ trong danh sách thống kê từ các tài liệu của Sở Quy hoạch – kiến trúc vẫn bị “treo”.

Trong khi đó nhiều nhà dân muốn sửa chữa, xây dựng mới nhà lại rất lo lắng. Chẳng hạn như các chủ sở hữu những căn nhà từ số 220 đến 240 Võ Văn Kiệt (thuộc Q.1) đang kêu cứu với các cơ quan chức năng vì dãy nhà gần 10 căn ở khu vực này xuống cấp trầm trọng.

Người dân lo sợ nhà có thể bị sập hoặc vôi, vữa có thể rớt gây tai nạn bất cứ lúc nào!

Bảo tồn từ đâu?

Thực tế số nhà biệt thự đáng được bảo tồn không nhiều, chỉ “đếm trên đầu ngón tay” và không khó xác định. Một kiến trúc sư từng làm luận văn thạc sĩ về bảo tồn cảnh quan biệt thự cũ cho rằng những công trình nhà ở mang thông điệp thời kỳ đầu của đô thị Sài Gòn không còn nhiều.

Chỉ còn vài biệt thự ở khu vực đường Lê Quý Đôn, Tú Xương thuộc Q.3 và một số nhà cổ trên những con đường nối Sài Gòn – Chợ Lớn như các đường Nguyễn Trãi, Võ Văn Kiệt…

Bàn về bảo tồn, KTS Lê Quang Ninh cho rằng giá trị nghệ thuật của biệt thự chỉ thuộc loại tầm tầm, không có di tích lớn vì bản thân kiến trúc của loại công trình này nhỏ, không đại diện cho quốc gia… nên loại biệt thự chuyển sang di tích không nhiều. Về cách làm, ông Ninh chia sẻ việc xác định khu vực bảo tồn trước tiên phải căn cứ trên quy hoạch đã duyệt.

Rồi trong khu vực quy hoạch bảo tồn này, Nhà nước tiến tới xác định khu vực bảo tồn cụ thể. “Đi” những bước có căn cứ pháp lý như vậy sẽ tránh được những rắc rối, mâu thuẫn pháp lý về sau.

“Cách lên danh sách các biệt thự rồi sau đó xây dựng tiêu chí sàng lọc như cách làm của TP hiện nay là đi từ công trình cụ thể, đi ngược với quy luật chung. Như vậy sẽ phát sinh nhiều mâu thuẫn, khó giải quyết, trật quy hoạch, gây khiếu nại trong dân, dẫn đến thiếu cơ sở, mất công bằng” – KTS Ninh nhận xét.

KTS Lê Quang Ninh:

Đừng để bảo tồn đồng nghĩa với “treo”

Mâu thuẫn Nhà nước phải giải quyết khi làm bảo tồn hiện nay là mâu thuẫn giữa lợi ích kinh tế của chủ sở hữu và lợi ích của bảo tồn.

Thời điểm này cần xây dựng tiêu chí trên giá trị kinh tế. Vì vậy, tiêu chí đầu tiên phải dựa vào để tính toán vị trí của công trình, tiếp đến là dựa trên quy mô của công trình, sau đó mới tính đến những tiêu chí khác như kỹ thuật…

Để việc bảo tồn bền vững hơn cần đưa công trình hoặc cụm, không gian đó trở thành di tích. Nhà nước ứng xử thế nào cho từng nhóm, quyền lợi của chủ sở hữu được bảo đảm như thế nào… đều có quy định.

Bảo đảm quyền lợi và hướng dẫn chủ sở hữu phát triển ra sao cũng phải tính. Đừng để việc bảo tồn công trình nào tức là “treo” công trình đó.

Theo Dương Ngọc Hà – Tiến Long/Tuổi trẻ


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: