Đến 2025, Sài Gòn sẽ là đô thị thông minh


TPHCM sẽ là đô thị thông minh

Thành phố thông minh được xây dựng trên nền tảng công nghệ thông minh kết hợp với môi trường sống thân thiện, sử dụng hạ tầng hiệu quả, phát triển bền vững

Tại buổi làm việc với Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) mới đây, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cho biết TP sẽ thành lập Ban Chỉ đạo về xây dựng TP thông minh do Bí thư Thành ủy đứng đầu. Dưới ban chỉ đạo có Ban Điều hành xây dựng đề án do Chủ tịch UBND TP đứng đầu. TP HCM đặt mục tiêu đến năm 2025 trở thành đô thị thông minh.

Hưởng thụ nhiều tiện ích

Ở góc độ là nhà cung cấp dịch vụ, Phó Tổng Giám đốc VNPT Phạm Anh Tuấn cho biết đây là TP được xây dựng trên nền tảng công nghệ thông minh kết hợp với môi trường sống thân thiện, sử dụng hạ tầng hiệu quả, phát triển bền vững. VNPT sẽ kết hợp với Microsoft để xây dựng nền tảng TP thông minh cho một đô thị phức tạp với hơn 10 triệu dân như TP HCM.

TPHCM sẽ là đô thị thông minh

TP HCM đặt mục tiêu đến năm 2025 trở thành thành phố thông minh
Ảnh: HOÀNG TRIỀU

VNPT đề xuất 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 từ nay đến năm 2018 sẽ tập trung cải tạo hạ tầng viễn thông – công nghệ thông tin như trang bị mạng băng rộng, smart wifi… Bên cạnh đó là xây dựng trung tâm vận hành thông minh cùng với các dịch vụ công trực tuyến cho dân cư; kiểm soát giao thông; hệ thống camera giám sát TP, tội phạm. Giai đoạn 2 từ năm 2019-2020 sẽ số hóa dữ liệu TP, quản lý thu phí, thuế, lưới điện, nước sạch, rác thải, giám sát môi trường. Giai đoạn 2020-2025 sẽ tiếp tục nâng cấp các dịch vụ số hóa và sau năm 2025 sẽ xây dựng TP ngày càng thông minh theo định hướng của Chính phủ.

Người dân TP sẽ được hưởng thụ tiện ích thông minh tập trung vào 5 lĩnh vực gồm giao thông, an ninh, môi trường, y tế và du lịch. Tổng Giám đốc VNPT Phạm Đức Long tin tưởng mục tiêu xây dựng TP HCM trở thành TP thông minh trong 10 năm tới là hoàn toàn khả thi. Trước mắt, TP nên tập trung thực hiện các chương trình giao thông thông minh, y tế thông minh, giám sát môi trường thông minh… để giải quyết tình trạng kẹt xe, ngập nước, quá tải bệnh viện.

Muốn “thông minh” phải có dữ liệu, kết nối tốt

Trước đề án “chào hàng” của VNPT, Giám đốc Sở Thông tin Truyền thông Lê Thái Hỷ cho rằng muốn xây dựng được TP thông minh trước hết phải thu thập dữ liệu, xây dựng trung tâm cơ sở dữ liệu, sau đó xử lý dữ liệu hướng đến nhu cầu người dân để người dân được phục vụ một cách tốt nhất, giúp cơ quan điều hành TP có thông tin giải quyết hiện trạng và đưa ra sự cố trong tương lai. Theo ông Hỷ, phải có đề án tổng thể chứ không chung chung, kèm theo đó là lộ trình chi tiết. Về giải pháp, ông Hỷ cho rằng nên gắn vào 7 chương trình đột phá của TP, trên cơ sở đó đưa ra đề án cụ thể với từng giải pháp cũng như kêu gọi các nguồn lực xã hội cùng xây dựng.

Đồng tình, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Sử Ngọc Anh nhìn nhận bài toán lớn nhất là tất cả các sở ngành, quận – huyện phải có thông tin dữ liệu và phải được cập nhật thường xuyên. “Nếu có dữ liệu hoành tráng nhưng không được cập nhật liên tục, dữ liệu “chết” thì không có ý nghĩa gì hết” – ông nói. Ông Anh cũng nêu thực tế tại 24 quận – huyện đang rất bức xúc khi gắn camera để chống trộm cướp nhưng tích hợp dữ liệu là cả vấn đề. Khi có dữ liệu rồi việc tích hợp, chia sẻ và xử lý sẽ như thế nào, trong khi đề án của VNPT chưa có quy trình này.

Phó Giám đốc Sở Nội vụ Lê Hoài Trung cảnh báo TP HCM đã ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý gần 20 năm nhưng chưa kết nối được với các bộ – ngành trung ương. Bản thân Sở Nội vụ TP có phần mềm quản lý nhưng vẫn chưa kết nối được với Bộ Nội vụ. Đây là một trở ngại lớn nhất. Do đó, xây dựng TP thông minh phải bảo đảm liên thông, kết nối thông tin mới hiệu quả, tránh lãng phí.

Theo VNPT, năm 2015, thế giới có 30 đô thị thông minh. Dự kiến năm 2016, các nước châu Á sẽ đầu tư khoảng 4 tỉ USD xây dựng thành phố thông minh.

Người dân tham gia từ đầu

Theo Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong, phải để cho người dân tham gia từ đầu vào quản lý, giám sát chính quyền trong việc xây dựng TP thông minh. Ông Phong xác định 4 mục tiêu cơ bản để xây dựng TP HCM trở thành đô thị thông minh từ nay đến năm 2025. Đó là thúc đẩy phát triển kinh tế; môi trường sống tốt hơn; người dân và doanh nghiệp được phục vụ tốt hơn; người dân tham gia quản lý, giám sát chính quyền.

Ông Phong yêu cầu trong 3 tháng phải hoàn chỉnh đề án. “Xây dựng TP thông minh là một đề tài rất “nóng”, là yêu cầu cấp bách đối với một TP có dân số gia tăng nhanh và đòi hỏi tốc độ phát triển kinh tế nhanh như TP HCM nên không thể chậm trễ” – ông Phong nhấn mạnh.

Theo Phan Anh/Người lao động


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: