Giá xăng dầu trong nước liên tục lập kỷ lục mới chỉ trong hơn 4 tháng đầu năm đã khiến người dân, doanh nghiệp rơi vào tình cảnh chật vật trong cơn bão giá. Trước đây, Thùy Linh, nhân viên văn phòng tại quận Hà Đông, Hà Nội thường xuyên đặt đồ ăn trưa ở ngoài nhưng từ giữa tháng 3, Linh bắt đầu tập thói quen dậy sớm nấu cơm mang đi làm. “Xăng tăng cao chưa từng có kéo theo các mặt hàng khác tăng, không chỉ trong vấn đề ăn uống mà tôi cũng phải hạn chế đi lại, ít tụ tập bạn bè nhiều như trước”, Linh than. Không chỉ Linh mà chị Nguyễn Ngọc Hà (Ba Đình, Hà Nội) cũng chật vật trong các khoản chi tiêu sinh hoạt gia đình. “Tôi tìm các chương trình khuyến mãi của siêu thị, săn sale trên các trang thương mại điện tử để mua những đồ cần thiết. Trước đây, cầm 500.000 đồng đi chợ đã mua đủ đồ ăn cơ bản cho cả tuần nhưng nay cũng ngần ấy tiền phải chắt bóp lắm mới mua được 4-5 bữa ăn đủ dinh dưỡng”, chị kể. Từ đầu năm đến nay, giá xăng đã tăng 9 lần, giảm 3 lần đưa mặt hàng này lên mức cao kỷ lục. Tương tự, giá gas cũng ở mức cao dẫn đến chi phí vận chuyển, giá thực phẩm độn lên nhanh chóng. Thực tế, chi phí xăng, gas, nguyên vật liệu… đồng loạt tăng sốc và liên tục đang gây áp lực lớn đến chi tiêu đối với người tiêu dùng, đồng thời tăng thêm gánh nặng cho doanh nghiệp sản xuất, nhất là trong bối cảnh khôi phục sản xuất kinh doanh sau thời gian dài giãn cách xã hội. Thị trường đã và đang hình thành một mặt bằng giá mới trước bối cảnh giá xăng dầu, nguyên vật liệu tăng cao, liên tục. Ảnh: Thạch Thảo. Chuỗi nhà hàng lớn rục rịch tăng giá Thời điểm tháng 3, nhiều doanh nghiệp F&B kinh doanh theo chuỗi vẫn đang cố gắng cắt giảm chi phí, giữ giá bán nhưng đến nay một số cho biết họ không thể tiếp tục “gồng” và buộc phải điều chỉnh giá vì các chi phí đội lên quá cao. Từ 15/4, chuỗi Pizza 4P’s với 24 chi nhánh trên toàn quốc thông báo điều chỉnh giá bán vì chi phí nguyên vật liệu tăng cao. “Chúng tôi đã phải đi đến quyết định này nhằm đảm bảo mang đến món ăn và dịch vụ tốt nhất”, chuỗi nhà hàng pizza này lý giải. Ông Lê Hoài Nam – Phó tổng giám đốc điều hành Công ty QSR Việt Nam – đơn vị sở hữu 130 nhà hàng kinh doanh các chuỗi thương hiệu Dairy Queen, The Pizza Company, AKA House, Holy Crab, The Coffee Club – cũng thừa nhận tất cả nguyên vật liệu đầu vào từ nguồn nhập khẩu và nội địa đều đồng loạt tăng giá gây sức ép lớn đến chi phí vận hành của doanh nghiệp. “Một số sản phẩm buộc phải điều chỉnh tăng nhẹ, còn lại vẫn cố gắng gồng được đến đâu hay đến đó. Trong trường hợp giá nguyên vật liệu tiếp tục tăng cao, đơn vị sẽ phải tính đến việc điều chỉnh mới”, ông nói với Zing. Do chi phí nguyên vật liệu tăng cao, nhiều chuỗi F&B buộc phải điều chỉnh giá bán. Ảnh: Quỳnh T. Ngoài ra, đại diện QSR Việt Nam cho biết hiện nay để cân đối các chi phí và lợi nhuận, đơn vị phải cắt giảm thêm nhiều chi phí như tiền thuê mặt bằng… Nhiều nhà hàng, quán ăn nhỏ lẻ cũng buộc phải tăng giá bán vì mọi chi phí tăng “quá mức chịu đựng”. Giữa tháng 3, khi giá xăng tăng lên mức 29.820 đồng/lít, chị Nguyễn Thủy, chủ quán bánh mì ở quận Đống Đa (Hà Nội) kiên quyết không tăng giá mà cố gắng cầm cự, cắt giảm lợi nhuận để giữ khách. Tuy nhiên, đến nay chiếc bánh mì của cửa hàng chị buộc phải tăng từ 15.000 đồng lên 18.000 đồng. “Từ bột mì, bơ, dầu ăn đến chi phí khác đều tăng giá chóng mặt nên chúng tôi phải quyết định điều chỉnh giá chứ không thể giữ được như trước. Khách hàng chủ yếu là học sinh, sinh viên nên khi tăng giá nhiều người cũng thắc mắc, phàn nàn”, chị nói. Doanh nghiệp vận tải, sản xuất “điêu đứng” Vừa tăng giá cước thời điểm tháng 3, giá xăng lại tiếp tục tăng cao khiến nhiều doanh nghiệp vận tải rơi vào tình cảnh “tiến thoái lưỡng nan”. Ông Trần Văn Thành – Tổng giám đốc Công ty CP vận chuyển Á Châu – cho biết khoảng 2 tháng trước, khi giá xăng tăng sốc doanh nghiệp đã tăng giá cước. Tuy nhiên, gần đây, giá mặt hàng này có dấu hiệu tăng cao trở lại khiến đơn vị gặp khó. “Chúng tôi không thể tiếp tục tăng giá ngay mà phải theo dõi diễn biến của giá xăng dầu, nếu tiếp tục tăng sốc, đơn vị buộc phải điều chỉnh thêm. Hiện, chi phí xăng dầu chiếm khoảng 35% tổng chi phí của doanh nghiệp, do đó khi giá mặt hàng này tăng, cước vận chuyển cũng phải điều chỉnh tương ứng”, ông nói. Theo ông Thành, người chịu thiệt nhất vẫn là người tiêu dùng vì xăng tăng, dịch vụ vận chuyển, giá nguyên liệu, các mặt hàng đều phải tăng theo. “Tính từ đầu năm đến nay, giá xăng đã tăng khoảng hơn 6.000 đồng/lít, dầu tăng hơn 8.000 đồng/lít”, ông Thành tính toán. Từ đầu năm đến nay, với 9 đợt điều chỉnh tăng và 3 đợt điều chỉnh giảm “nhỏ giọt” đã và đang tiếp tục gây áp lực lớn lên giá cước vận tải. Ảnh: Đoàn Nguyên. Ông Đoàn Văn Nam – Phó giám đốc Công ty Phát triển Kinh tế Duyên Hải (Cofidec) – đánh giá chi phí logistics và nguyên liệu đầu vào tăng cao đang là thách thức lớn nhất của hầu hết doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu hiện nay. “Doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong bối cảnh chuẩn bị ký các hợp đồng năm 2023. Một số nguyên liệu nhập khẩu tăng cao nhưng các sản phẩm của đơn vị chủ yếu là xuất khẩu nên vẫn chưa thể tăng giá bán mà chỉ có thể điều chỉnh một số hỗ trợ như cước tàu biển…”, ông nói. Đến thời điểm này, nhiều doanh nghiệp đã buộc phải tăng giá bán sản phẩm vì không thể gồng nổi. Chưa kể, ảnh hưởng của cuộc chiến Nga – Ukraine cũng khiến một số nguyên liệu trở nên khan hiếm. – Ông Trần Thiên Long, Phó chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội các doanh nghiệp Khu công nghiệp TP.HCM Đánh giá về tình hình của các doanh nghiệp sản xuất hiện nay, ông Trần Thiên Long, Phó chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội các doanh nghiệp Khu công nghiệp TP.HCM, cho rằng các doanh nghiệp đều đang gặp khó khăn trong bối cảnh những yếu tố đầu vào tăng cao. Trong đó có chi phí vận chuyển, nguyên liệu, hoạt động máy móc thiết bị… “Đến thời điểm này, nhiều doanh nghiệp đã và đang buộc phải tăng giá bán sản phẩm vì không thể gồng nổi. Chưa kể, ảnh hưởng của cuộc chiến Nga – Ukraine cũng khiến một số nguyên liệu trở nên khan hiếm”, ông nói. Theo ông Long, doanh nghiệp vẫn luôn mong muốn có các gói hỗ trợ, ưu đãi một cách đặc biệt, nhanh chóng, dễ tiếp cận từ Chính phủ. Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng cần có những giải pháp để ổn định như giảm thuế, phí… bởi với xu hướng tăng giá và những biến động tình hình chính trị trên thế giới hiện nay, doanh nghiệp sẽ phải chịu áp lực lớn hơn nữa về các chi phí. Theo Zing News